VinaCapital: Rơi vào vùng “không khí loãng”, ACV và Vietjet Air có thể vượt qua?
Các nhà đầu tư quốc tế đang đặt cược vào VJC với PE 16,5x; ACV 34,5x. Cả VJC và ACV đang phải đối mặt với thách thức tạo ra tăng trưởng lợi nhuận và đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư. VinaCapital cho rằng dù có thể rơi vào “vùng không khí loãng”, cả VJC và ACV sẽ “lèo lái” vượt qua và đi đúng lộ trình đã vạch.
- 05-06-2017Mitsubishi UFJ Financial Group sẽ cho Vietjet vay 348 triệu USD
- 24-05-2017Khai thác không hiệu quả, Vietnam Airlines chấp nhận đền bù 250 tỷ để thanh lý trước hạn hợp đồng thuê máy bay ATR72
- 07-03-2017ACV bán 20% cổ phần cho Aeroports de Paris, dự kiến chuyển sàn Hose
Mới đây VinaCapital đã phát hành báo cáo thị trường về ngành hàng không ở Việt Nam với tựa đề “Flying High: How Vietnam’s aviation industry has become one of the country’s fastest sectors”, tạm dịch “Bay cao: Hàng không đã trở thành một trong những ngành phát triển nhanh nhất của Việt Nam”.
Hàng không giá rẻ đang dẫn dắt thị trường vận tải hành khách bằng đường hàng không
VinaCapital đánh giá, các hãng hàng không giá rẻ đang dẫn dắt thị trường vận tải hành khách bằng đường không ở Việt Nam, và VietJet Air đang dẫn đầu. Các nhà vận chuyển quốc tế rất khó tham gia thị trường này vì tỉ lệ sở hữu nước ngoài ở các hãng hàng không trong nước bị khống chế không quá 30%.
Vietnam Airlines , hãng hàng không số một trong nước, từng thống trị cả vận tải hàng không các tuyến quốc nội và quốc tế. Ngày nay, mặc dù Vietnam Airlines vẫn chiếm ưu thế trên các tuyến quốc tế, nhưng thị phần quốc nội lại đang giảm dần.
Bên cạnh đó, năm 2007, Vietnam Airlines cùng với Qantas đã thành lập liên doanh nhằm vận hành Jetstar Pacific, một hãng hàng không giá rẻ (LCC) chủ yếu bay các tuyến nội địa và đến một số nước trong khu vực. Jetstar Pacific chẳng mấy thành công trong khi các công ty hàng không mới khởi nghiệp, bao gồm cả Mekong Air, đã bay và rồi dừng bay, số khác do mô hình kinh doanh thiếu sót và chưa đạt được tính kinh tế theo quy mô, hay là vì chờ đợi quá lâu.
Vietjet Air (mã VJC) được thành lập năm 2007 với khởi điểm chỉ có 1 tàu bay và 2 tuyến nội địa vào cuối năm 2011, đến nay VJC đã có 40 tàu bay (và còn đang đặt 182 chiếc khác nữa) và một mạng lưới 36 tuyến trải khắp Việt Nam cùng 17 tuyến quốc tế. Hiện VJC chiếm 43% thị phần vận chuyển hành khách bằng đường không trong nước và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines và Jetstar.
Công thức thành công của Vietjet khá đơn giản là: Đội tàu bay trẻ + Chi phí vận hành thấp + Giá vé rẻ + Chiến lược tiếp thị hình ảnh gây sốc. Tuổi bình quân đội tàu bay Airbus của Vietjet là 3,3 tuổi. Chi phí vận hành thấp nhất thế giới và vẫn còn dư địa cắt giảm. Giá vé có khi chỉ bằng giá vé đường sắt cùng tuyến nhưng thời gian bay chỉ bằng 10%. Giá vé rẻ khiến mọi người được đi nhanh hơn, nhiều hơn, rẻ hơn và an toàn hơn. Với chiến lược tiếp thị hình ảnh “bikini” nổi tiếng, Vietjet đã thành công trong việc phổ biến thương hiệu khắp toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng khách Việt Nam giai đoạn 2011-2016 là 17,2%, cao nhất trong khu vực. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ghi nhận Việt Nam là nước đang phát triển nhanh thứ 3 trên thế giới và dự kiến tăng trưởng nhanh thứ 5 vào năm 2035 với 150 triệu hành khách so với 52 triệu khách hàng hiện nay.
Mặc dù sự tăng trưởng này có thể là do thu nhập khả dụng của người dân Việt Nam tăng lên nhưng rõ ràng, các hãng hàng không giá rẻ như VietJet cũng đóng vai trò quan trọng vì giúp người dân được bay dễ hơn trước.
“Được lợi” nhất lại là ACV
Du lịch bùng nổ, không chỉ riêng công ty hàng không được lợi, các công ty dịch vụ mặt đất và ăn uống cũng tăng trưởng mạnh. Nhưng người được lợi nhất có lẽ là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), hiện đang điều hành tất cả 22 sân bay trong nước.
ACV kiếm tiền từ việc thu hàng loạt phí đối với hành khách (ví dụ như an ninh sân bay, hành khách, hạ cánh và cất cánh) cũng như cho thuê gian hàng bán lẻ trong các sân bay. Sau khi cổ phần hóa vào cuối năm 2015, và niêm yết trên sàn UPCoM vào tháng 11/2016, giá trị vốn hóa thị trường của ACV xấp xỉ 4,8 tỷ USD (trong khi, vốn hóa thị trường của VietJet khoảng 1,8 tỷ USD.)
VietJet kiếm tiền chủ yếu từ khai thác tuyến nội địa, ACV thu lợi nhiều hơn từ các chuyến bay quốc tế, nơi mà các hãng hàng không và hành khách phải chịu phí cao hơn rất nhiều. ACV đang từng bước tăng phí nội địa để thu hẹp chênh lệch với phí quốc tế và phù hợp với tiêu chuẩn ở các nước khác.
Những thành tựu nói trên khiến ACV rất được chú ý – một trong những điểm sáng thời gian qua là việc cổ phần hóa thành công và Airports de Paris đang đàm phán để trở thành cổ đông chiến lược trong công ty.
Triển vọng của Vietnam Airlines, Vietjet, ACV?
Báo cáo chỉ ra rằng, Vietnam Airlines sẽ là hãng bay chủ lực trên các tuyến quốc tế, và cũng đã nâng cấp các sản phẩm và dịch vụ của mình để cạnh tranh với Vietjet.
Vietnam Airlines đang gặp phải một số vấn đề cố hữu gắn liền với tính chất của một doanh nghiệp nhà nước, nhưng họ có khả năng là cầu thủ quốc tế quan trọng cũng như đã tăng cường các sản phẩm và dịch vụ, một phần để cạnh tranh với VietJet. VinaCapital cũng kỳ vọng việc Vietnam Airlines vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ANA (All Nippon Airways – Hãng Hàng không giá rẻ của Nhật Bản – NV) sẽ mang lại nhiều lợi thế to lớn cho hãng.
Dù vậy, VinaCapital vẫn cho rằng VietJet là một công ty mới với đội bay hiện đại, sẽ năng động hơn Vietnam Airlines nhiều.
Theo VinaCapital, thách thức lớn nhất đối với VietJet, Vietnam Airlines và ACV là năng lực đáp ứng của hệ thống khi mà các sân bay chính của Việt Nam đang bị quá tải đòi hỏi phải được mở rộng và hệ thống kiểm soát không lưu cũng cần hiện đại hóa. “Các chuyến bay đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên bị hoãn trong khi khu vực bãi đỗ và dịch vụ tàu bay lại chật chội. Cả hai sân bay này dù mới được mở rộng nhưng vẫn còn cần phát triển thêm nữa.”
Các nhà đầu tư quốc tế đang đặt cược vào VJC với PE 16,5x; ACV với PE 34,5x. Cổ phiếu VietJet đã tăng hơn 50% kể từ đợt IPO vào tháng 12/2016, và ACV tăng 98% kể từ khi được niêm yết vào tháng 11/2016. Cả VJC và ACV đang phải đối mặt với thách thức tạo ra tăng trưởng lợi nhuận và đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư. Theo quan điểm VinaCapital, dù có thể rơi vào “vùng không khí loãng”, cả ACV và VietJet đều sẽ “lèo lái” vượt qua và đi đúng lộ trình đã vạch.
Bizlive