MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinaCapital: Sau đợt "margin call", nhà đầu tư sẽ ý thức được đầu tư dài hạn thay vì chọn kiếm tiền nhanh ở nhóm cổ phiếu nóng

VinaCapital: Sau đợt "margin call", nhà đầu tư sẽ ý thức được đầu tư dài hạn thay vì chọn kiếm tiền nhanh ở nhóm cổ phiếu nóng

Sau đợt giải chấp trên diện rộng tuần qua, VinaCapital nhận định các nhà đầu tư trên thị trường sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ bản, dài hạn, thay vì muốn có cơ hội kiếm tiền nhanh từ các cổ phiếu tăng nóng đến từ các hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường.

Trong bản tin gửi đến nhà đầu tư, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đã cho rằng nhịp chỉnh mạnh vừa qua của VN-Index chỉ mang tính ngắn hạn và cần thiết để duy trì sự lành mạnh và tăng trưởng dài hạn của thị trường.

VinaCapital cho biết trong những ngày qua, thị trường chứng khoán đã trải qua một đợt giảm điểm tương đối mạnh. Chỉ số VN Index giảm từ 1.528,5 điểm (ngày 7/1/2022) xuống 1.438,9 điểm (ngày 18/1/2022), tương đương mức giảm 5,9%.

Những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh được VinaCapital đánh giá đến từ hai sự kiện lớn 

Thứ nhất, ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không đăng ký giao dịch. Sau đó ông Quyết đã bị Ủy ban chứng khoán hủy giao dịch, xử phạt và đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng. Thông tin này khiến các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ bị bán tháo trên thị trường.

Thứ hai, ngày 11/1/2022, tập đoàn Tân Hoàng Minh hủy bỏ việc đấu giá lô đất 10.060 m2 tại Thủ Thiêm. Trước đó, tại cuộc đấu giá vào ngày 10/12/2021, tập đoàn này đã bỏ giá 2,45 tỷ đồng/m2 để trúng đấu giá lô đất này. Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất Thủ Thiêm đã khiến giá cổ phiếu của các công ty bất động sản trên thị trường giảm mạnh, sau khi đã tăng nóng trước đó.

Nguyên nhân thứ ba được VinaCapital đề cập đó là các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng trong một thời gian, nay bị bán tháo, thậm chí mất thanh khoản. Phần nhiều những cổ phiếu này có vốn hóa nhỏ, dễ bị thao túng giá, nằm trong chỉ số VN Small Cap Index. Từ ngày 7/1 đến ngày 18/1, chỉ số VN Small Cap Index đã giảm 16,2%, trong khi chỉ số VN30 chỉ giảm 3,6%.

"Việc các cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh đã dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng. Cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giảm chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến thị trường chung", VinaCapital đánh giá. 

Tuy nhiên, quỹ đầu tư này cho rằng đợt giảm điểm này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Sau khi các cổ phiếu có tính chất đầu cơ, đã tăng nóng điều chỉnh về mức giá hợp lý, cùng với việc bán giải chấp cổ phiếu đã tiến hành xong, thị trường sẽ ổn định trở lại. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức giá hợp lý cho đầu tư dài hạn. Theo số liệu từ Bloomberg, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE được dự báo sẽ tăng 26% trong năm 2022, trong khi mức P/E của VN Index cho năm 2022 chỉ là 13,4 lần tại ngày 18/1, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm và các thị trường mới nổi khu vực ASEAN. 

"Quan trọng hơn, các sự kiện như ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu nhưng không đăng ký giao dịch, hay việc các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ giảm mạnh sau một giai đoạn tăng nóng sẽ khiến thị trường chứng khoán được trong sạch, lành mạnh hơn. Các nhà đầu tư trên thị trường sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ bản, dài hạn, thay vì muốn có cơ hội kiếm tiền nhanh từ các cổ phiếu tăng nóng đến từ các hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường", VinaCapital nhấn mạnh việc thị trường chứng khoán điều chỉnh trong những ngày qua là cần thiết để duy trì sự lành mạnh và tăng trưởng dài hạn của thị trường, đồng thời tích cực cho danh mục đầu tư cơ bản của các quỹ đầu tư. 

Hiện tại, danh mục đầu tư của các quỹ cổ phiếu tại VinaCapital tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, được kỳ vọng có tăng trưởng cao trong cả năm 2022 và dài hạn. 

https://cafef.vn/vinacapital-sau-dot-margin-call-nha-dau-tu-se-y-thuc-duoc-dau-tu-dai-han-thay-vi-chon-kiem-tien-nhanh-o-nhom-co-phieu-nong-20220121165457198.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên