VinaCapital: FED cắt giảm lãi suất - Con dao hai lưỡi đối với Việt Nam
Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia VinaCapital nhận định, việc FED cắt giảm lãi suất lớn là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam. Một mặt, sự suy giảm giá trị của Đồng đô la Mỹ làm giảm áp lực mất giá đối với VND. Song, mặt khác, nền kinh tế Hoa Kỳ chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Rạng sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, sau khi kiểm soát lạm phát cơ bản. Theo dự kiến, Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm hai lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, Fed nới lỏng chính sách tiền tệ và chấm dứt chuỗi hành động chống lạm phát gay gắt nhất kể từ những năm 1980.
Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia VinaCapital nhận định, việc FED cắt giảm lãi suất lớn là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam. Một mặt, sự suy giảm giá trị của đồng USD làm giảm áp lực mất giá đối với VND. Song, mặt khác, nền kinh tế Hoa Kỳ chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Về tin tốt, báo cáo cho biết, đầu năm 2024, VND đã mất giá gần 5% so với đầu năm, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống.
Một số chuyên gia còn dự đoán NHNN sẽ tăng lãi suất chính sách của Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Những diễn biến này đã giúp hỗ trợ giá trị của đồng VND, nhưng áp lực mất giá của các tỷ giá ngoại tệ trong khối ASEAN chỉ thực sự giảm bớt từ cuối tháng 6 khi kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất bắt đầu tăng lên.
Thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm sau, điều này đã khiến đồng VND tăng gần 4% kể từ cuối tháng 6, cùng với sự tăng giá từ 7-10% của đồng Ringgit Malaysia, Baht Thái và Rupiah Indonesia. Sự gia tăng giá trị của Rupiah Indonesia đã cho phép ngân hàng trung ương của quốc gia này cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này xuống còn 6%.
Đối với Việt Nam, VinaCapital không kỳ vọng NHNN sẽ làm điều tương tự.
"Hiện tại không có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất, vì mức mất giá của VND hiện chỉ còn dưới 1,5% so với đầu năm, vẫn nằm trong “vùng an toàn” của NHNN", báo cáo cho hay.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ bị tác động ra sao?
Báo cho cho biết, điều đáng lo ngại hơn là việc cắt giảm lãi suất lớn có thể "hé lộ" tình trạng của nền kinh tế Hoa Kỳ.
"Chúng tôi không ngạc nhiên về việc FED cắt giảm lãi suất. Điều đáng để bận tâm hơn đó là quy mô cắt giảm sẽ nói lên nhiều về tình hình kinh tế Hoa Kỳ", báo cáo viết.
Cụ thể, xuất khẩu nói chung và sang Hoa Kỳ nói riêng (tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm 2024) là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Do đó, các chuyên gia VinaCapital cho rằng, nền kinh tế Hoa Kỳ chậm lại có thể sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ đối với các sản phẩm "Made in Việt Nam" như máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác.
"Sự thúc đẩy GDP của Việt Nam hiện tại từ tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ giảm dần trong năm tới, và động thái của FED về cơ bản đã xác nhận điều đó", báo cáo đánh giá.
Với tình hình đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phải được thúc đẩy bởi các yếu tố nội tại vào năm 2025, để bù đắp cho tác động của nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại.
Song, báo cáo nhận định, may mắn là Chính phủ Việt Nam có một số công cụ có thể sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế, chẳng hạn như tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho sự tan băng hơn nữa của lĩnh vực bất động sản.
"Theo các nguồn tin trong ngành của chúng tôi, có vẻ như khối lượng giao dịch bất động sản tại Việt Nam sẽ tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2024", VinaCapital cho hay.
Theo VinaCapial, việc tập trung vào hai lĩnh vực nói trên sẽ thúc đẩy trực tiếp nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ hơn, tránh hậu quả của việc tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn. Từ đó, cải thiện tâm lý người tiêu dùng và mức tiêu dùng tại Việt Nam, vốn đã có phần chững lại vào năm 2024.
Nhịp sống thị trường