MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinaconex: 6 tháng đầu năm hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận

31-08-2024 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Vinaconex: 6 tháng đầu năm hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận

Báo cáo tài chính bán niên sau soát xét kiểm toán của TCT Vinaconex cho thấy các số liệu không khác nhiều so với báo cáo tự lập. Điểm nổi bật là bức tranh tài chính đã có nhiều cải thiện so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinaconex cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.668 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí Công ty đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế,  tăng gấp nhiều lần so với con số 78,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 504 tỷ đồng, tăng gấp 8,1 lần so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 30/6, Công ty mẹ đạt vốn chủ sở hữu 6.740 tỷ đồng, tăng 8%, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 504 tỷ đồng.

Ngoài lợi nhuận tăng trưởng tích cực, điểm sáng trong bức tranh tài chính của công ty mẹ nằm ở khoản mục nợ phải trả giảm mạnh. Cụ thể, tính đến cuối quý II, nợ phải trả còn 11.276 tỷ đồng, giảm 2.038 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục nợ ngắn hạn giảm gần 2.000 tỷ đồng do khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm mạnh. Cùng với đó, nợ dài hạn cũng giảm từ 1.415 tỷ đồng xuống còn 1.321 tỷ đồng.

Số liệu từ Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét cũng cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc của Vinaconex trong bối cảnh ngành xây lắp phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 5.463 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 742 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 618 tỷ đồng, gấp 3,49 lần cùng kỳ. Với con số trên, lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đạt 65% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Một điểm tích cực, theo thuyết minh của Vinaconex, chi phí tài chính giảm do giảm lượng tiền vay. Cụ thể, chi phí tài chính trong nửa đầu năm của VCG là 236 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, đòn cân nợ giảm mạnh. Nợ phải trả giảm từ 20.453 tỷ đồng xuống 17.797 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn giảm từ 14.422 tỷ đồng xuống 12.624 tỷ đồng và nợ dài hạn giảm từ 6.031 tỷ đồng xuống 5.172 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản nợ trái phiếu dài hạn khoảng 1.600 tỷ đồng đã được thanh toán hết đến 30/6/2024, điều này thể hiện năng lực tài chính của Vinaconex trong bối cảnh hiện nay.

Tính đến cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tiếp tục nhích lên 10.838 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền đạt 1.606 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 64% tổng doanh thu. Ở mảng xây lắp, khả năng duy trì giá trị backlog cao cho thấy Vinaconex khẳng định được năng lực vị thế nhà thầu hàng đầu Việt Nam. Rõ rệt hơn là năng lực tổng thầu các dự án lớn, có độ khó cao về kỹ - mỹ thuật trên các lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, hạ tầng, hạ tầng giao thông…. Có thể kể đến các dự án như: sân bay Phú Bài, sân bay Long Thành, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông (giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025)… 

Trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex đã ra mắt Vinaconex Diamond Tower, tòa nhà văn phòng với phong cách thiết kế hiện đại, nội thất cao cấp, dịch vụ quản lý chuyên nghiệp, được đánh giá là tâm điểm đáng chú ý trong phân khúc bất động sản cao cấp lĩnh vực văn phòng cho thuê của Thủ đô Hà Nội.

Cùng với Vinaconex Green Diamond 93 Láng Hạ, Vinaconex Diamond Tower tiếp tục là dự án được đánh giá cao do TCT Vinaconex đầu tư xây dựng trong phân khúc BĐS cao cấp đã ra mắt thị trường thời gian gần đây.

Sở hữu quỹ đất lớn, Vinaconex hiện cung cấp đa dạng các sản phẩm bất động sản thuộc các lĩnh vực như nhà ở, khu đô thị du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp. Khu công nghiệp công nghệ cao 1 và 2 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc do Vinaconex làm nhà đầu tư phát triển hạ tầng thời gian vừa qua cũng đón thêm các nhà đầu tư mới.

Ở mảng đầu tư tài chính, các dự án nhà máy sản xuất công nghiệp như thủy điện, nước sạch, giáo dục tiếp tục sinh lời và đem đến dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, Vinaconex luôn duy trì năng lực cốt lõi trên 3 mảng hoạt động chính gồm xây lắp, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính, cải thiện năng lực quản trị để gia tăng hiệu quả hoạt động tốt hơn, chuẩn bị đón đầu cho những cơ hội mới trong tương lai.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên