MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines: Giảm nợ hơn 10.000 tỷ đồng sau tái cơ cấu

Tính chung tổng kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giảm được 10.647 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng, giảm nợ hơn 10.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Vinalines, năm 2017, Công ty mẹ đạt tổng doanh thu là 3.102 tỷ đồng (tăng 12% so với kế hoạch năm 2017), tổng lợi nhuận đạt 345 tỷ đồng (tăng 3,7 lần so với kế hoạch năm 2017).

Để làm được việc này, tại thị trường trong nước, Vinalines triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác để cung cấp dịch vụ vận chuyển các mặt hàng than, thép, quặng, clinker, đạm... trên cơ sở kết nối cốt lõi “kiềng 3 chân” đó là vận tải biển-cảng biển-logistics chào các gói dịch vụ chuỗi logistics đến các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Than khoáng sản, Dầu khí, Thép Hòa Phát, Vissai Ninh Bình...

Ngoài ra, Tổng công ty hợp nhất các doanh nghiệp thành viên để chính thức mở tuyến vận tải nội địa kết hợp container với lịch tàu cố định hàng tuần dưới thương hiệu chung Vinalines; cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng sà lan tuyến Hải Phòng-Việt Trì và các vùng lân cận vận chuyển đi khu vực miền Trung, Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long và ngược lại...

Đối với thị trường quốc tế, Vinalines tập trung vào thị trường Myanmar thông qua hợp tác với Công ty Đông Á về dịch vụ vận tải và logistics cho nguyên nhiên vật liệu máy móc thiết bị, thị trường Viễn Đông Nga về vận tải than, thị trường Campuchia về hợp tác phát triển cảng và phân phối hàng hóa của Tập đoàn Năm Sao.

Về vận tải biển, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với trọng tải khoảng 125.000 tấn. Như vậy, tính đến hết năm 2017, đội tàu của Tổng công ty có 91 tàu với tổng trọng tải khoảng hơn 1,8 triệu tấn...

Về công tác tái cơ cấu, tính đến hết năm 2017, Tổng công ty đã thực hiện thoái 39 doanh nghiệp (trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 doanh nghiệp, đặc biệt đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hầu hết các doanh nghiệp ngoài ngành) thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.

Vinalies đã cơ cấu được các khoản nợ khi “ông lớn” này đã xử lý được khoảng 6.598,2 tỷ đồng bao gồm 1.002,7 tỷ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và giảm 5.595,48 tỷ đồng nợ (nợ gốc giảm 3.913,25 tỷ đồng, lãi giảm 1.682,23 tỷ đồng).

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho biết, tính chung tổng kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, Công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng nợ. Các doanh nghiệp thành viên ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng nợ. Dư nợ toàn Tổng công ty tính đến thời điểm 31/12/2017 là 14.743,16 tỷ đồng (nợ gốc 11.375 tỷ đồng, nợ lãi 3.368 tỷ đồng), dư nợ còn lại tại Công ty mẹ bằng 23% so với thời điểm tái cơ cấu.

Dự kiến tháng 6/2018 chuyển mô hình công ty Cổ phần

Về phương án cổ phần hoá Vinalines, Bộ GTVT đã xây dựng xong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp này.

Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của Vinalines, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ-Vinalines tại thời điểm 31/12/2016 là 18.094,9 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 11.946 tỷ đồng.

Theo kết quả định giá này, giá trị thực tế doanh nghiệp Công ty mẹ -Vinalines đã tăng thêm 1.353 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng 1.801 tỷ đồng nếu so sánh với báo cáo vào giữa tháng 7/2016 khi đơn vị này báo cáo giá trị thực tế chỉ là 16.741 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 10.144 tỷ đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ-Vinalines đồng thời Vinalines lại được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Phía Vinalines tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, đồng thời thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển.

Trong phương án trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất lựa chọn hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Cụ thể, Vinalines có số vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 13.916 tỷ đồng (tương đương 1,391 tỷ cổ phần mệnh giá 10.000 đồng), trong đó cổ đông Nhà nước sở hữu 904,5 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ.

Ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (khoảng 0,13% vốn điều lệ), Vinalines sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 30% vốn điều lệ. Phần số cổ phần còn lại khoảng 67,324 triệu cổ phần, tương đương 4,84% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai thông qua phương thức bán đấu giá, được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.


Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên