MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines: Những bước ngoặt trước thềm IPO

06-04-2017 - 20:12 PM | Doanh nghiệp

Việc Chính phủ quyết định thay đổi phương án IPO đã treo gần 2 năm qua là bước ngoặt của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trước thềm IPO Công ty mẹ sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay.

Từ thoát âm vốn chủ sở hữu đến cân bằng tài chính

Hồi năm ngoái, Vinalines đã khiến dư luận bất ngờ khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015. Trong đó, đáng chú ý là phần lợi nhuận hợp nhất trước thuế từ mức âm 2.470 tỷ đồng đã chuyển sang dương 66 tỷ đồng, dù cho sau khi trừ đi thuế và lợi ích cổ đông không kiểm soát, tổng công ty vẫn lỗ ròng 22 tỷ đồng.

Song, biến chuyển lớn nhất lại đến từ chỉ tiêu vốn chủ sở hữu. Từ mức âm hơn 9.800 tỷ đồng (thời điểm 1/1/2015), vốn chủ sở hữu của Vinalines đã có mức “đột biến” lên thực dương 6.600 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2015) nhờ lỗ lũy kế giảm còn hơn 3.300 tỷ đồng.

Dù mức thực dương của vốn chủ sở hữu này đến từ việc áp dụng “biện pháp kĩ thuật” để tránh gánh lỗ lũy kế (chuyển Nosco từ công ty con thành công ty liên kết; 3 doanh nghiệp Vinashinlines, Công nghiệp tàu thủy Cà Mau, Falcon làm thủ tục phá sản), nhưng phải thừa nhận, Vinalines đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, tái cơ cấu đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tính đến năm 2015, Vinalines đã hoàn thành cổ phần hóa đối với 12 doanh nghiệp thành viên theo Đề án tái cơ cấu. Trong năm 2016, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa/tái cơ cấu đối với Công ty TNHH một thành viên Vận tải Biển Đông; hoàn thành công tác giải thể đối với Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines và tiếp tục thực hiện các thủ tục giải thể đối với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - Đông Đô và Trung tâm phát triển nhân lực hàng hải Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Vinalines cũng tiếp tục thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án đối với 3 doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản là: Vinashinlines, Falcon và Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau.

Ngoài ra, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế với số tiền thu về hơn 2,7 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn từ khi tái cơ cấu đến nay lên 39 doanh nghiệp (trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 30 doanh nghiệp) với tổng số tiền thu về gần 2.346 tỷ đồng, lãi gần 541 tỷ đồng.


Trong năm qua, Vinalines đã đẩy mạnh tái cơ cấu, tái đầu tư và tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong năm qua, Vinalines đã đẩy mạnh tái cơ cấu, tái đầu tư và tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh

Về tổ chức lại sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu đầu tư, trong năm 2016, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý những tàu già, tàu hoạt động không hiệu quả. Tính đến hết năm 2016, đội tàu của Vinalines còn 99 chiếc với tổng trọng tải khoảng 2 triệu tấn, giảm 1/3 số lượng tàu, giảm 1 triệu tấn trọng tải so với thời điểm trước tái cơ cấu (154 tàu với tổng trọng tải 3,4 triệu tấn).

Đối với các dự án đóng tàu, Vinalines đã thực hiện dừng triển khai đóng mới 6 tàu; giãn tiến độ đã chuyển thành dừng đóng mới theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải với 11 dự án; đối với 7 tàu còn lại, đã bàn giao đưa vào khai thác 1 tàu, dừng dự án đối với 6 tàu.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, đã dừng và bàn giao Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong về Cục Hàng hải Việt Nam, bàn giao Dự án Hợp phần B - Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động cho Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.

Những hoạt động này đã khiến kết quả kinh doanh năm 2016 của Vinalines trở nên tươi sáng hơn khi hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra, giảm lỗ, tiến tới cân bằng thu chi. Cụ thể sản lượng vận tải biển đạt 24,019 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm 2016 là 14%.

Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 78,022 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm 2016 là 6%. Trong đó sản lượng hàng container ước đạt 3,456 triệu TEU, tăng 22% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm 2016 là 15%.

Tổng doanh thu đạt 16.014 tỷ đồng, bằng 90% so với năm 2015 và bằng 94% kế hoạch năm 2016. Trong đó doanh thu khối cảng biển 4.712 tỷ đồng, doanh thu khối vận tải biển 4.300 tỷ đồng, doanh thu khối dịch vụ hàng hải và doanh thu khác 7.366 tỷ đồng; lợi nhuận Vinalines đạt mức cân bằng.

Cảng biển, logistics tăng trưởng

Trên thực tế, trong các ngành nghề kinh doanh, khối vận tải biển vẫn “nút chìm” của Vinalines. Dù Tổng công ty có tổng trọng tải đội tàu chiếm 26% tổng trọng tải đội tàu quốc gia và sản lượng vận tải chiếm gần 20% tổng sản lượng vận tải đội tàu biển cả nước nhưng trong cơn khủng hoảng của ngành vận tải biển, 7 doanh nghiệp vận tải của Vinalines đều lỗ. Tổng mức lỗ năm 2016 là 1.980 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Vinalines vẫn có điểm sáng, rõ nhất là mảng kinh doanh cảng biển vẫn có dòng tiền dương và đem về lợi nhuận trước thuế 923 tỷ đồng (tăng 58%).


Cảng biển và logistics có mức tăng trưởng mạnh, lãi đủ bù cho phần lỗ của hoạt động vận tải - vốn đang khó khăn

Cảng biển và logistics có mức tăng trưởng mạnh, lãi đủ bù cho phần lỗ của hoạt động vận tải - vốn đang khó khăn

Các cảng sau cổ phần hóa đều đạt được sự tăng trưởng, chẳng hạn như cảng Hải Phòng lợi nhuận trước khi cổ phần hóa khoảng trên 200 tỷ đồng, nhưng năm 2016 đã đạt trên 670 tỷ đồng; Cảng Đà Nẵng trước cổ phần hóa chỉ đạt lợi nhuận khoảng 40-50 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã đạt lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng... Các cảng liên doanh như: CMIT, CICT, SSIT cũng tăng trưởng về sản lượng và doanh thu. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ hàng hải và hoạt động khác ghi nhận mức lãi hơn 1.100 tỷ đồng.

Cùng với đó, hoạt động dịch vụ và hoạt động khác trong năm 2016 đã ghi nhận mức lãi gần 1.140 tỷ đồng (bằng 93% năm 2015 và cao hơn kế hoạch 74%).

Phương án IPO thay đổi và cơ hội

Hồi tháng 3/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho IPO của công ty mẹ Vinalines theo hướng bán 64% vốn nhà nước hiện có tại đây, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, hoán đổi nợ lấy cổ phần. Sau IPO, Nhà nước sẽ chỉ giữ lại 36% vốn. Khi ấy, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã đánh tiếng mua lại hầu hết cổ phần tại các cảng biển: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn.

Tuy nhiên, phương án này đã bị “treo” lại suốt gần 2 năm. Bất ngờ sau đó, Vinalines trình lên một phương án mới và phương án này đã đươc Thủ tướng chấp thuận hồi đầu tháng 1/2017.

Theo phương án này, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại công ty mẹ - Vinalines. Đồng thời Vinalines lại được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng.


Chính phủ quyết định phương án IPO mới, đây được xem là bước ngoặt lớn của Vinalines

Chính phủ quyết định phương án IPO mới, đây được xem là bước ngoặt lớn của Vinalines

Với sự thay đổi quan trọng này, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp công ty mẹ Vinalines đã được lùi lại ngày 31/12/2016, thay vì cuối năm 2014 như trước.

Vào thời điểm cuối năm 2014, Vinalines được định giá 21.287 tỉ đồng (tương đương 1 tỷ USD), vốn Nhà nước có gần 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ của Vinalines cũng lên tới khoảng 4.500 tỷ đồng, 151 triệu USD và gần 70 triệu euro.

Sau 3 năm tái cơ cấu công ty mẹ (từ 31/12/2013 đến 31/12/2016), Vinalines đã giảm nợ được 8.021 tỷ đồng, ghi tăng vốn nhà nước 2.883 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, công ty mẹ giảm được 2.306 tỷ đồng nợ, tăng thêm 21,5% vốn nhà nước so với thời điểm 1/1/2016.

Với các chỉ tiêu “khả quan” hơn và động thái muốn giữ vốn cao của Nhà nước, vị thế và giá trị của Vinalines chắc chắn sẽ rất khác so với trước đó. Những bước ngoặt mang điểm cộng này đang mở ra những cơ hội mới, vấn đề chỉ là Vinalines nắm bắt và thực hiện như thế nào.

Theo Thụy Khanh

VietnamFinance

Trở lên trên