Vinashin không lối ra, mỗi năm vẫn lỗ 5.000 tỉ -7.000 tỉ đồng
Theo đại biểu QH Nguyễn Phi Thường, năm 2010, Chính phủ có đề án tái cơ cấu Vinashin và thực hiện từ năm 2012-2013 nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn thua lỗ 5.000 đồng-7.000 tỉ đồng, không có lối ra.
- 19-08-2017Tăng thuế: Nhìn từ Vinashin tới 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ
- 25-04-2017Tính toán phương án trả nợ chục ngàn tỷ của Vinashin
- 05-03-2017Món nợ Vinashin 63.000 tỷ: Ai phải trả?
Thảo luận tổ Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 diễn ra sáng nay ngày 22-5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu tình trạng đáng quan ngại về tình hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay.
ĐB Nguyễn Phi Thường cho biết QH vừa kết thúc đợt giám sát về vấn đề này tại các doanh nghiệp nhà nước, sẽ gửi báo cáo giám sát đến các ĐBQH trong thời gian tới. Kết quả giám sát cho thấy vẫn còn nguyên đó những vấn đề phải giám sát từ QH khoá XII đến nay, trong đó những tồn tại hạn chế, thậm chí cả những doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, nợ xấu rất nóng của thời kỳ từ QH khoá XII.
Cụ thể, như Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin - nay đổi tên thành Tổng công ty công nghiệp Tàu thuỷ - SBIC). Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu được thông qua từ năm 2012-2013, trong đó đề ra tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay tình hình càng trầm trọng hơn. Mỗi năm doanh nghiệp này vẫn lỗ thêm 5.000 tỉ đồng-7.000 tỉ đồng và quan trọng là không có hướng ra, tái cơ cấu không bám sát đề án. Rõ ràng khâu thực hiện có vấn đề và là căn bệnh mãn tính, nếu không điều chỉnh sẽ rất khó để doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường nêu tình trạng đáng quan ngại về tình hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay
Góp ý vào lĩnh vực y tế, đại biểu (ĐB) Nguyễn Phước Lộc nêu thực trạng còn nhiều bức xúc về chuyện thu phí, giá dịch vụ y tế; giải ngân đầu tư cho y tế còn thấp (chỉ 2,4%); hoạt động sản xuất mua bán dược phẩm không được quản lý chặt chẽ như vụ Vinaca sản xuất thuốc trị ung thư từ bột than tre; còn xảy ra nhiều vụ tấn công cán bộ y tế gây bức xúc…
Ông Lộc lưu ý đây là những vấn đề đang diễn biến phức tạp và cần đặc biệt quan tâm. "Nhìn thì tưởng đơn giản nhưng tấn công cán bộ y tế, là người đang điều trị cho bệnh nhân, có nghĩa là đã tước đi quyền được điều trị của các bệnh nhân kế tiếp. Việc này như chúng ta đang tấn công phi công và lái xe đang làm nhiệm vụ. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề này, để sự việc ngày càng phức tạp, sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị giữa các bác sĩ và bệnh nhân"- ông Lộc góp ý.
Cũng nêu ý kiến trong lĩnh vực y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan mong muốn vụ Vinaca cần được xử lý nghiêm để có tính răn đe đối với những trường hợp khác. "Sức khỏe, tính mạng của người dân đang bị đe dọa bởi những con người vụ lợi và mất đạo đức này"- bà Lan bức xúc.
Đồng tình với ĐB Nguyễn Phước Lộc, ĐB Lan cho rằng hầu như chưa có giải pháp trong vấn đề bảo vệ bác sĩ tránh khỏi các vụ tấn công. "Từ những vụ việc vừa qua, phải tạo ra được hành lang pháp lý, một cơ chế bảo vệ nhân viên y tế. Hiện giờ, nhân viên y tế rất thiệt thòi"- bà Lan nói.
Dẫn vụ toà xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ tai biến y khoa ở BVĐK Hòa Bình, bà Lan bày tỏ: "Ngành y tế rất hoang mang. Việc xử phải đúng người đúng tội. Sao lại đổ hết tội cho một bác sĩ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước, máy móc như thế nào".
Chỉ rõ thực trạng thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ các bác sĩ, bà Lan cho rằng "quan trọng nhất với ngành y là con người" và "bác sĩ khi sơ sẩy mà không có sự bảo vệ của pháp luật là không được". "Sao không có đề xuất chính thức về đãi ngộ cho ngành y tế? Kêu gọi bác sĩ thể hiện y đức nhưng cần môi trường để thể hiện y đức; họ cần nuôi sống gia đình"- bà Lan thẳng thắn.
Người lao động