Mục tiêu thực sự của Vinasun khi kiện Grab, đòi bồi thường 41 tỷ đồng?
Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm hơn 40 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.
Sáng nay (6/2), TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Theo đơn khởi kiện, Vinasun kiện Grab dựa trên quy định của Luật Cạnh tranh. Ví dụ, Nghị định 37/2006/NĐ-CP hoạt động xúc tiến thương mại quy định khuyến mãi không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày. Tuy nhiên, theo ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc điều hành Vinasun, Grab khuyến mại liên tục hằng ngày.
Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm hơn 40 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Vinasun cho rằng khoản lợi nhuận bị sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở Việt Nam của Grab gây ra.
Đại diện của GrabTaxi cho rằng cáo buộc của Vinasun không có cơ sở vì không đưa ra cách tính thiệt hại. Grab cho rằng họ chỉ thực hiện đúng quyết định số 24 ngày 07/01/2016 thí điểm loại hình vận tải xe hợp đồng điện tử. Do vậy, GrabTaxi nói Vinasun nếu muốn kiện thì phải kiện Bộ Giao thông Vận tải.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: "Grab cũng có lý của họ vì đang được bộ cấp phép thí điểm". Theo ông Đức, nếu Grab vi phạm một số các quy định về cạnh tranh như khuyến mại thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Grab không trực tiếp gây thiệt hại cho các đối thủ. Do đó, số tiền bồi thường mà Vinasun đưa ra là thiếu cơ sở hợp lý. Ông cho rằng, về tổng thể thì khả năng thắng kiện của Vinasun không cao. Nhưng kết quả cụ thể như thế nào vẫn còn phụ thuộc vào các bằng chứng cụ thể mà Vinasun đưa ra.
Trước đây, các xe taxi của Vinasun có dán các khẩu hiệu "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" hay "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam". Theo ông Đức, hành vi này của Vinasun có thể bị Grab kiện lại vì có dấu hiệu "gièm pha doanh nghiệp khác" – hành vi bị cấm trong Luật cạnh tranh 2004.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết việc khởi kiện của Vinasun có thể nhằm mục đích gây sức ép đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, các quy định điều chỉnh đối với taxi truyền thống và Uber, Grab còn nhiều điểm chưa hợp lý. Đồng thời, qua vụ kiện, Vinasun muốn cho thấy họ đang bị cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng đến quyền lợi công ty. Vị luật sư nhận định đây cũng là một cách để Vinasun bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thực tế, việc định danh đối với Grab và Uber vẫn còn nhiều tranh cãi. Bộ Giao thộng Vận tải cho rằng Grab là mô hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Nói cách khác, các công ty này được coi là đơn vị cung cấp ứng dung kết nối hợp đồng vận tải điện tử. Theo ông Nguyễn Đông Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, quy định này không hợp lý dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa Grab, Uber với taxi truyền thống.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM & Giám đốc điều hành Vinasun, đã nhiều lần bức xúc với hoạt động của Grab, Uber cũng như quy định thí điểm của Bộ GTVT. Ông Hỷ từng cáo buộc Grab, Uber thao túng thị trường bằng tiềm lực tài chính của mình. Ngoài ra, ông cho rằng Grab, Uber thường xuyên lấn át thị trường, tung chiêu "cá lớn nuốt cá bé" và coi thường pháp luật Việt Nam.
Vị Giám đốc nói: "Chỉ hai ông chủ nước ngoài, trong 2 năm, đã có thể khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi của Việt Nam, đã và đang đẩy nhiều hãng taxi đi đến giải thể, phá sản".