Vinasun hay Grab thắng kiện, khách hàng bị thiệt nhiều nhất
Mải tranh cãi, ít ai nhận ra rằng, dù ai thắng ai thua trong vụ kiện này, thì trước hết người bị thiệt hại sẽ vẫn là khách hàng.
- 23-10-2018VKS chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện Grab của Vinasun
- 22-10-2018GrabTaxi gửi tâm thư giữa bão kiện tụng của Vinasun
Sau 4 ngày xét xử, chiều 23/10, Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là Vinasun, theo đó, buộc Grab phải bồi thường cho họ số tiền 41,2 tỷ đồng.
Ngay lập tức, đề nghị này đã nhận được những luồng ý kiến gay gắt, dù phán quyết cuối cùng dự kiến phải đến ngày 29/10 mới được đưa ra.
Theo dõi vụ Vinasun kiện Grab, nhiều người cho rằng, đây là vụ kiện tụng nực cười nhất mà họ từng được chứng kiến ở nước ta. Bởi lần đầu tiên tmột doanh nghiệp ra đời trước, kinh doanh nặng về truyền thống, lại đi kiện một doanh nghiệp đến sau, chỉ vì họ ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hơn, được nhiều người yêu thích, tin dùng hơn, dù mới ra đời chưa lâu.
Thú thực là ban đầu, chỉ nhìn vẻ bên ngoài, tôi cũng có chung cảm giác nực cười ấy. Thậm chí còn lo sợ rằng, nếu Vinasun thắng kiện, thì rất có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu là, các doanh nghiệp đi trước chẳng cần phải cố gắng đổi mới, đề ra chiến lược kinh doanh hợp lý, nâng cao chất lượng phục vụ làm gì, chỉ cần làm việc cầm chừng thôi, sau đó thu thập hồ sơ, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để... kiện những doanh nghiệp đến sau, làm cùng lĩnh vực, đòi bồi thường.
(Ảnh: Zing)
Nhưng tìm hiểu kỹ, lắng nghe nhiều thông tin trái chiều, mới thấy, Vinasun họ kiện không phải không có cơ sở. Trước một vụ kiện đình đám, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận thế này, chắc hẳn, Viện kiểm sát họ không dại gì mà đưa ra lời đề nghị vội vàng, thiếu cơ sở. Đề nghị của họ phải dựa vào luật và những cơ sở pháp lý, chứng cứ mà các bên trình ra trước tòa.
Trước hết, phải thấy rằng, trong hoạt động kinh doanh của mình, Grab đã có những sự "lập lờ", để tạo ra lợi thế cho riêng mình. Theo như thông tin ban đầu của họ, Grab chỉ tham gia cung cấp nền tảng kết nối, nghĩa là chỉ phục vụ mảng công nghệ.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Viện kiểm sát, Grab đã trực tiếp đứng ra điều hành dịch vụ vận tải taxi, can thiệp vào việc thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế. Đỉnh điểm, họ còn ra quyết định thực hiện các chương trình khuyến mãi, trong đó có cả những cuốc xe giá 0 đồng.
Nhiều người cho rằng, Grab đưa ra các chương trình khuyến mại thì người được hưởng lợi là khách hàng. Nhưng, có lẽ đó chỉ là cách hiểu đơn giản, vì cái lợi thiết thực, trước mắt. Tại sao Grab lại đưa ra các chương trình khuyến mãi như vậy? Có đúng luật cạnh tranh, luật Thương mại không?
Tìm lời đáp cho câu hỏi này, mới thấy có rất nhiều vấn đề phức tạp phía sau, nhất là khi Grab đang báo lỗ hơn 1.700 tỉ đồng trong 4 năm qua. Tôi lo lắng rằng, giả sử họ chấp nhận lỗ, tạo ra nhiều các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng, sau đó, khi đã giành được một thị phần đáng kể, Grab mới bắt đầu tăng giá, thì sao?
Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì khi không chịu quản lý trực tiếp như các hãng taxi truyền thống, việc Grab tự hạ hay tăng giá sẽ khiến cơ quan chức năng khó mà quản lý được. Như vậy, về lâu dài, cách hoạt động hiện tại của Grab vừa được ban cho những "ưu ái" riêng khi không bị quản lý như taxi truyền thống, vừa gây ra những bất ổn cho thị trường dịch vụ vận tải hành khách, tạo ra mối lo ngại cho chính đông đảo khách hàng.
Thực tế cho thấy, mặc dù quảng cáo giá rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống, song, ở những giờ cao điểm, khi trời mưa, giá cước của xe công nghệ Grab còn đắt hơn taxi truyền thống nhiều lần. Không ít khách hàng đã ở vào tình thế khóc dở, mếu dở vì gặp cảnh tăng giá phi mã đó. Nhìn một khía cạnh nào đó, đây giống như một cãi bẫy bày ra, để rồi khi có cơ hội là sẽ ụp lên đầu khách hàng. Cách kinh doanh này, tư duy làm ăn này, tôi nghĩ không nên ủng hộ hoặc dửng dưng bỏ mặc để cho họ tự do tung tác.
Về phía Vinasun, để phục vụ cho quyết định khởi kiện, họ cũng đã cung cấp được những thông tin gây chú ý. Đó là, có 40% khách hàng của hãng này đã chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab kể từ khi dịch vụ này xuất hiện. Kết quả Vinasun thống kê là, họ đã bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng từ khi có Grab, song, chỉ đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng, được cho là nguồn thiệt hại trực tiếp do Grab gây ra.
Mọi phán quyết cuối cùng sẽ do Hội đồng xét xử quyết định. Tuy nhiên, điều có thể nhìn thấy trước mắt là, dù ai thắng ai thua trong vụ kiện này, thì trước hết, người bị thiệt hại sẽ vẫn là khách hàng, và nền kinh tế đất nước.
Nếu Vinasun thắng, vô tình tạo cho họ sự cao ngạo, tự tin không cần thiết, để rồi, sau đó, rất có thể sẽ khiến họ quên mất rằng, việc cần làmngay bây giờ là nâng cao chất lượng phục vụ, thay đổi phong cách quản lý, vận hành, chứ không phải giành được thị phần, thắng được vụ kiện là cứ yên tâm "giậm chân tại chỗ".
Còn Grab thắng, đương nhiên, sẽ tạo ra một đòn bẩy, sự kích thích mạnh mẽ để họ tiếp tục phát triển ồ ạt, với mục tiêu giành được càng nhiều khách hàng từ đối thủ taxi truyền thống càng tốt. Và lúc đó, không chỉ có Vinasun, mà sẽ là hàng loạt các hãng taxi truyền thống khác đối mặt với nguy cơ phải bó hẹp lại hoặc đứng trước bờ vực phá sản.
Khi đã giành được thị phần tuyệt đối với chiêu trò giá rẻ rồi, lúc đó, ai dám cam đoan Grab sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng tốt, vì khách hàng nữa? Chỉ cần nhìn cách họ tăng tiền phi mã, vượt cả gấp đôi so với taxi truyền thống vào giờ cao điểm, khi thời tiết bất lợi, đã đủ thấy, đặt niềm tin tuyệt đối vào dịch vụ này là điều không nên rồi.
Chưa kể, cứ kinh doanh theo kiểu khách thì ngày một đông, thị phần ngày một lớn, mà mức lỗ vẫn báo đều đều, thì, thử hỏi, nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền thuế từ doanh nghiệp đến từ nước ngoài này? Đó cũng là một thứ thiệt hại cần được tính đến.
Điều chờ đợi nhất lúc này, theo tôi, nó không phải ở phiên tòa, mà là quan điểm, cách quản lý của cơ quan nhà nước. Cả doanh nghiệp và khách hàng đều mong muốn cơ quan quản lý tạo ra một sân chơi lành mạnh, công bằng, sòng phẳng cho các đối tượngvà quản lý chặt chẽ, khách quan.
Để làm sao, mỗi hãng dù là truyền thống hay công nghệ đều phải tự ý thức được sự cần thiết phải đổi mới cung cách, nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời, đóng góp đầy đủ nguồn thuế cho nhà nước. Lúc đó, đương nhiên, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn và là người được hưởng lợi nhất. Và với lựa chọn nào, họ cũng là Thượng đế đúng nghĩa.
VTCnews