Vinatex (VGT) báo lãi quý 3 đạt 137 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 Vinatex đạt 428 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – mã chứng khoán VGT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý 3 doanh thu thuần đạt 3.307 tỷ đồng, giảm 20% so với quý 3 năm ngoái. Trừ chi phí giá vốn, Vinatex lãi gộp 275 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 8,3%.
Vinatex cho biết, quý 3 vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn Thế giới khiến sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, bao gồm cả dệt may bị ảnh hưởng khiến cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty sụt giảm.
Trong quý 3, doanh thu tài chính đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay cũng giảm được 63 tỷ đồng, xuống còn 81 tỷ đồng.
Doanh thu giảm cũng kéo theo chi phí bán hàng giảm được 24 tỷ đồng, xuống còn 105 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 53 tỷ đồng, xuống còn 145 tỷ đồng. Lãi từ các công ty liên doanh liên kết đưa về cũng giảm từ 210 tỷ đồng quý 3 năm ngoái xuống còn 132 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 78 tỷ đồng.
Những yếu tố trên tác động, khiến cho lợi nhuận trước thuế quý 3 còn 143 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 137,1 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 68 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu Vinatex đạt 10.335 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu bán hàng hóa đạt 9.939 tỷ đồng, chiếm trên 96% tổng doanh thu. Doanh thu từ dịch vụ gia công hàng hóa đạt hơn 370 tỷ đồng, còn lại là doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư đạt gần 52 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 188 tỷ đồng, giảm 57 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm được 123 tỷ đồng chủ yếu giảm chi phí lãi vay. BCTC ghi nhận ngoài khoản tiền gửi không kỳ hạn 261 tỷ đồng và tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng hơn 211 tỷ đồng, thì Vinatex còn khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 1.062 tỷ đồng, giảm 655 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Công ty cũng còn ghi nhận khoản dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.232 tỷ đồng (giảm 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) và vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 3.831 tỷ đồng (giảm 190 tỷ đồng so với đầu năm).
Phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết đạt 422 tỷ đồng, giảm 157 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng 329 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp 461 tỷ đồng, giảm được 119 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Những nguyên nhân trên khiến cho lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 của Vinatex còn lại 428 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ nhưng vẫn đủ giúp Vinatex vượt 12,3% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 409 tỷ đồng, giảm sút hơn 23% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2019, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 202 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho đến cuối quý 3 còn gần 2.800 tỷ đồng, giảm 860 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm chủ yếu do giảm giá trị tồn kho nguyên vật liệu, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Nhịp sống kinh tế
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- KQKD quý 3 doanh nghiệp ngành bảo hiểm: Hàng loạt doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ
- Các doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu không bằng cốc trà đá kinh doanh ra sao?
- KQKD ngành Bia rượu quý 3: Chịu tác động kép, 2 "ông lớn" vẫn có lợi nhuận tăng trưởng
- PVN ước đạt 464.500 tỷ đồng doanh thu sau 10 tháng
- Thuỷ sản Minh Phú (MPC) báo lãi tăng 23% sau 9 tháng, đạt hơn 477 tỷ đồng