MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinatex (VGT): Nửa đầu năm lợi nhuận tăng 190% so với cùng kỳ, riêng mảng sợi đã bù đắp hết thiệt hại của 2 năm 2019-2020

13-07-2021 - 08:06 AM | Doanh nghiệp

Vinatex (VGT): Nửa đầu năm lợi nhuận tăng 190% so với cùng kỳ, riêng mảng sợi đã bù đắp hết thiệt hại của 2 năm 2019-2020

Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019 - 2020; đưa ngành sợi trở lại thành ngành có đóng góp trên 60% hiệu quả hợp nhất toàn Vinatex (VGT), dù chỉ ở 12 đơn vị với quy mô ~7.000 lao động, chiếm dưới 10% lao động trực tiếp của Tập đoàn, và dưới 5% nếu tính đến cả các đơn vị may cấp 2.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) vừa có tổng kết tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo Vinatex, nửa đầu năm 2021 thị trường ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới. Trong đó, với sự tăng trưởng trở lại ở mức độ cao tại các nước phát triển, lần đầu sau 3 năm dự báo của WorldBank về tốc độ tăng GDP của tháng 6/2021 cao hơn dự báo tháng 1, trong đó đột biến chính ở thị trường Mỹ với tốc độ trên 6%, là mức cao nhất trong 80 năm qua sau khi xảy ra khủng hoảng. Trụ đỡ cầu tăng đã làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn doanh nghiệp sau 1 năm thiếu hụt nặng nề.

Ngành sợi tăng trưởng mạnh mẽ, 6 tháng đầu năm 2021 đã bù đắp hết thiệt hại trong 2 năm 2019-2020

Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ 2019, chứng tỏ một sự phục hồi khá sớm so với dự báo phải hết 2021 mới quay lại ngưỡng 2019, thậm chí đến quý 3/2022.

Theo Vinatex, sự phục hồi này ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Cambodia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động, trong khi ở Việt Nam đến hết tháng 4, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, doanh nghiệp có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất.

Bên cạnh ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã sáng lên, cầu và cả giá bán tăng cao.

Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019 - 2020; đưa ngành sợi trở lại thành ngành có đóng góp trên 60% hiệu quả hợp nhất toàn Tập đoàn, dù chỉ ở 12 đơn vị với quy mô ~7.000 lao động, chiếm dưới 10% lao động trực tiếp của Tập đoàn, và dưới 5% nếu tính đến cả các đơn vị may cấp 2.

Tổng thể ước tính doanh thu hợp nhất tương đương cùng kỳ do không còn doanh thu sản phẩm PPE (đồ dùng bảo hộ cá nhân), và xu thế dịch chuyển ngắn hạn hợp đồng quay lại mô hình CM để giảm rủi ro tài chính cũng như thời gian giao hàng nguyên liệu vì dịch bệnh. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn đạt trên 70% kế hoạch cả năm, tăng trưởng khoảng 190% so với cùng kỳ, đồng thời bằng 140% cùng kỳ 2019 trước đại dịch, với đóng góp lớn từ ngành sợi và sự ổn định ở mức gần tương đương trước dịch của ngành may.

Được biết, nửa đầu năm 2020, doanh thu Vinatex đạt 7.046 tỷ đồng, LNST 276 tỷ đồng.

Trung Quốc vươn lên là Top 3 nhập khẩu về ngành sợi, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng với mảng may

Dự báo cho 6 tháng cuối năm, số liệu từ World Bank cho thấy tốc độ tăng trưởng toàn cầu khoảng 5,6% cao nhất trong điều kiện sau đợt khủng hoảng của 80 năm qua, nhưng tổng sản lượng toàn cầu đến 2022 dự kiến vẫn thấp hơn trước dịch Covid -19 khoảng 2%. Điểm đặc biệt là phục hồi tăng trưởng chủ yếu lại đến từ các nền kinh tế phát triển OECD, trong đó Mỹ có đóng góp trọng yếu với GDP dự kiến tăng 6,8% cao hơn dự báo tháng 1/2021 tới 3,3%. Trung Quốc cũng có tốc độ tăng cao với 8.5%, cao hơn dự báo tháng 1 khoảng 0,6%.

Tuy nhiên các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam (từ 6,8% xuống 6,6%) lại có dự báo tháng 6 thấp đi so với tháng 1 do sự quay trở lại của dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vacxin thấp làm khả năng tăng trưởng bền vững bị nghi ngờ. Dự báo đến 2022, GDP đầu người và cả sản lượng sản xuất của 2/3 các nước EMDEs vẫn thấp hơn mức 2019 trước dịch.

Nguyên nhân cản trở lớn cho phục hồi thương mại toàn cầu từ góc độ các nước EMDEs được chỉ ra là do chi phí thương mại xuyên biên giới (cross-border trade costs) tăng cao. Trung bình từ các nước EMDEs có chi phí thương mại cao hơn các nước phát triển khoảng 50%, trong đó 1/3 là do chi phí vận tải và logistic, còn 1/3 là do các chính sách thương mại. Dự báo trong 6 tháng cuối năm chi phí này vẫn duy trì ở mức cao và là rủi ro trọng yếu cho phục hồi thương mại.

Đối với Việt Nam, sau năm 2020 với xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD, 6 tháng đầu năm nay đã ghi nhận nhập siêu ~1,5 tỷ USD. Riêng với dệt may, thị trường Mỹ vẫn đang là thị trường quan trọng nhất với tốc độ tăng trưởng gần 30% trong 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng cao nhất sau 14 năm qua kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Tuy nhiên, chính vì lẽ đó lại tiềm ẩn rủi ro trong chính sách của Mỹ với Việt Nam, nhất là trong điều kiện điều khoản 301 của luật thương mại 1974 vẫn chưa hoàn toàn được giải toả trong tiếp cận của Mỹ.

Với Trung Quốc, 6 tháng qua đã vươn lên nằm trong top 3 các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam mà chủ yếu là của ngành sợi. Sự nhạy cảm trong chính sách và nhu cầu của Trung Quốc với ngành sợi Việt Nam đã trở nên rất cao mang tính ảnh hưởng trọng yếu đến hiệu quả của ngành.

Bảo An

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên