VinFast là xe Việt tại sao đắt ngang xe nhập?
Đây là câu hỏi chung của rất nhiều người khi mong đợi một chiếc xe ô tô Việt sẽ có giá mềm hơn xe nhập. Câu trả lời là gì?
- 27-11-2019Thất vọng mua sắm giảm giá kiểu Black Friday
- 26-11-2019Phó Tổng giám đốc VinFast: Công ty đang chịu lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc xe Lux A2.0 bán ra
- 20-11-2019VinFast công bố giá thước lái Lux A2.0 chỉ hơn 29 triệu, bác bỏ mức giá gần 350 triệu đồng mà đại lý báo khách hàng
Trong cơ cấu giá thành của VinFast Lux A2.0, tiền thuế là 412 triệu đồng, bằng gần một nửa giá xe xuất xưởng. Bảng “bóc tách” vừa được đích thân Phó TGĐ thường trực VinFast công khai này đã phần nào “giải nỗi oan” vì sao ô tô sản xuất trong nước vẫn không rẻ cho hãng xe Việt.
Giá xuất xưởng xe VinFast là bao nhiêu?
Bảng cơ cấu giá xe vừa được VinFast lần đầu công bố khiến nhiều người bất ngờ. Một chiếc xe VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn có giá xuất xưởng là 980,6 triệu đồng.
Mức giá “gốc” này bao gồm 783,7 triệu đồng giá thành sản xuất như: chi phí nguyên vật liệu (640 triệu), chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu (59,2 triệu), chi phí sản xuất (54 triệu), chi phí bảo hành (5,9 triệu), chi phí quản lý sản xuất (24,6 triệu). Phần còn lại là chi phí lưu kho, vận chuyển, bán hàng, quản lý kinh doanh,…
Từ mức giá “gốc” này, theo tính toán, một chiếc VinFast Lux A2.0 phải chịu thêm hơn 412 triệu tiền thuế, bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu thuế). Mức thuế này bằng tới gần một nửa so với giá gốc.
Như vậy, giá xuất xưởng cộng thuế của chiếc sedan của VinFast là 1,392 tỷ đồng. Nên nhớ, với mức giá này, VinFast vẫn chưa tính chi phí khấu hao, chi phí tài chính và chưa hề có đồng lợi nhuận nào (giá 3 Không).
Tuy nhiên, soi vào bảng giá thực tế VinFast đang niêm yết, người ta sẽ thấy chênh lệch lớn khi giá bán thực của chiếc VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn hiện tại chỉ là 1,099 tỷ đồng, thấp hơn "giá thật" tới gần 300 triệu đồng.
Điều này đồng nghĩa, hãng xe Việt đang bù lỗ gần 300 triệu đồng để khách hàng Việt có cơ hội sử dụng ô tô Việt đẳng cấp quốc tế, đồng thời cũng là chiến lược làm giá để phủ sóng thị trường khi VinFast là cái tên rất mới trong ngành.
Trả lời cho câu hỏi, vì sao VinFast lại "dũng cảm" công bố tất cả chi phí như trên, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty VinFast thẳng thắn, nguyên tắc nhất quán của lãnh đạo Tập đoàn Vingroup từ xưa đến nay là minh bạch thông tin trong mọi hoạt động.
Theo bà, những số liệu này trước sau gì cũng sẽ được kiểm toán bởi các đơn vị kiểm toán trong nước và quốc tế. "Đây là các thông tin thuộc diện phải công bố với các công ty đại chúng, mà chúng tôi chắc chắn sẽ có kế hoạch niêm yết VinFast sau một thời gian. Vì vậy, việc cung cấp các thông tin này với chúng tôi cũng không có khó khăn gì cả", bà Vân Anh nói.
Động lực nào cho doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước?
Chuyện thuế, phí đè nặng lên giá ô tô là điều đã được nhắc tới từ lâu. Thế nhưng, chỉ khi một hãng xe như VinFast “dám” công bố chi tiết cơ cấu giá, người ta mới thấy rõ, doanh nghiệp sản xuất bị tiếng oan thế nào khi nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng hãng “bán tỷ nào ăn tỷ nấy”.
Bên cạnh đó, từ góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khoản thuế phí bằng gần 50% giá xe xuất xưởng là bất hợp lí. Với mức thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2018 chỉ ở mức trung bình thấp của thế giới (2.584 USD), mức thuế phí này vô hình trung làm hạn chế khả năng tăng quy mô sản xuất của doanh nghiệp ô tô nội địa.
Nhìn sang nền công nghiệp của Thái Lan, Indonesia, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, do chịu thuế phí quá cao dẫn đến giá thành cao nên ô tô ở Việt Nam khó tiêu thụ và làm cho dung lượng thị trường thấp. Hiện quy mô thị trường xe Việt Nam nhỏ chỉ bằng 20% so với Thái Lan, 35% Indonesia.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng cảm với câu chuyện “có tiếng không có miếng” từ phía doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhiều người vẫn nghĩ một hãng xe Việt như VinFast, được sự ủng hộ của toàn xã hội, sẽ được nhận rất nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Bà Phạm Chi Lan cho hay, những doanh nghiệp nước ngoài đã nhận được rất nhiều ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế nhập khẩu thời điểm vào Việt Nam. Đó cũng chính là lý do những hãng xe nước ngoài tới hiện tại vẫn gắn bó với Việt Nam, mặc dù đóng góp của các doanh nghiệp này cho chuỗi sản xuất của Việt Nam như phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ... rất thấp. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước với những mục tiêu nội địa hóa, “kéo” công nghiệp hỗ trợ, nâng vị thế cạnh tranh cho thương hiệu Việt... cụ thể thì lại có phần chịu thiệt thòi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chính là người từng lên tiếng kêu gọi, các doanh nghiệp ô tô ngoại đã được hưởng bao nhiêu ưu đãi thì "hãy cho các doanh nghiệp ô tô Việt được hưởng bấy nhiêu". Có như vậy, nhà sản xuất nội địa mới có được động lực và năng lực cạnh tranh với những “ông lớn” dồi dào tài chính, góp phần đưa đất nước thực sự trở thành một nước công nghiệp hóa!
Infonet