MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinFast mua lại Chevrolet và bài học tỷ đô từ người Nhật

03-07-2018 - 17:18 PM | Doanh nghiệp

Người Nhật từng mua lại "cứ điểm" sản xuất ô tô của GM, và điều họ có được sau 2 năm là hàng tỷ USD cùng bài học M&A thông minh cho những doanh nghiệp cùng ngành đi sau.

Thị trường xe hơi trong nước vừa chứng kiến thêm một bước đi thú vị nữa của VinFast . Hôm thứ tư, 27/6 vừa qua, VinFast đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với General Motors (GM) – một trong ba ông lớn (The Big Three) của ngành sản xuất xe hơi nước Mỹ và cũng là một trong những hãng xe lớn nhất thế giới cả về quy mô lẫn doanh số.

Theo hợp đồng này, VinFast sẽ tiếp nhận toàn bộ hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet để trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam .

Bên cạnh đó, VinFast cũng sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy của GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được VinFast mua bản quyền từ GM.

Nước cờ thông minh, đúng lúc của GM

Việc nhượng quyền, chuyển giao một phần hoặc bán toàn bộ thương hiệu là những hoạt động kinh doanh bình thường trong ngành sản xuất, phân phối xe hơi trên thế giới. Hoạt động này đặc biệt phát triển ở giai đoạn sau năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến hàng loạt hãng xe hơi lao đao và buộc phải chuyển giao, nhượng quyền, nhằm tránh kết cục bị khai tử trong nỗ lực cắt lỗ để cân đối bảng tài chính.

Đối với GM, đây không phải là lần đầu tiên hãng xe Mỹ thực hiện hoạt động chuyển giao sản xuất và phân phối sản phẩm. Tháng 6/2009, GM nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Để lấy lại ngôi vị số 1 thế giới một cách thần kỳ ba năm sau đó (năm 2012), GM đã phải đóng cửa 3 thương hiệu Pontiac , Saturn và Hummer, đồng thời bán thương hiệu Saab cho doanh nghiệp khác.

Năm 2017, GM tiếp tục chuyển giao các hoạt động tại châu Âu của hai thương hiệu Vauxhall và Opel cho tập đoàn xe hơi PSA của Pháp với mục đích rút chân khỏi thị trường châu Âu do áp lực từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump đòi hỏi các doanh nghiệp xe hơi Mỹ cắt giảm đầu tư ra nước ngoài.

GM tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2002 bằng việc mua lại công ty Daewoo Motor của Hàn Quốc, nhưng tới tận năm 2006, thương hiệu Chevrolet mới được giới thiệu với người tiêu dùng Việt Nam trong động thái xóa bỏ xe Deawoo.

Trong hơn một thập kỷ qua, doanh số của Chevrolet tại Việt Nam có mức tăng trưởng khá ổn định và hiện nay đạt khoảng trên dưới 4% thị phần ở thị trường này. Dù vậy, con số 4% thị phần, tương đương khoảng 11.000 xe, là khá nhỏ đối với quy mô của GM.

Bên cạnh bối cảnh các chính sách của Việt Nam chưa thực sự khuyến khích người tiêu dùng tiếp cận với xe hơi, việc "hiểu người Việt" là một yếu tố quan trọng trong việc mở rộng doanh số và điều này khá khó khăn cho các hãng xe nước ngoài có mặt tại Việt Nam chứ không chỉ riêng GM, dù đã tổ chức được mạng lưới đại lý phân phối sản phẩm với nhân sự là người Việt.

Giờ đây, khi Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam, việc GM chuyển giao các hoạt động của thương hiệu Chevrolet có thể coi như một động thái tích cực từ phía hãng xe Mỹ với kỳ vọng có bước phát triển mạnh về thị phần, khi VinFast – với tư cách là hãng sản xuất xe hơi Việt Nam đầu tiên đang nhận được sự khích lệ lớn của Chính phủ và có những bước đi rất bài bản trong việc xây dựng "hệ sinh thái ô tô" gồm tổ hợp các nhà máy lắp ráp, nhà cung cấp, đại lý và chuỗi cung ứng của công nghiệp hỗ trợ.

Bài học tỷ đô từ người Nhật

Năm 1984, Toyota từng liên doanh với GM trong việc sản xuất và phân phối xe hơi tại California (liên doanh này có tên New United Motor Manufacturing Incorporated, còn gọi là NUMMI, hoạt động cho tới năm 2009).

Trong một đánh giá được đăng trên tạp chí Harvard Business Review tháng 12/2009, các chuyên gia Mỹ đã đánh giá rằng Toyota, được cung cấp một nửa quyền sở hữu của nhà máy liên doanh này, đã học được rất nhiều dù rằng người Mỹ liên doanh là để đổi lấy công nghệ từ Toyota và thúc đẩy bán hàng đối với vài sản phẩm bán không chạy.

NUMMI trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên của Toyota ở Bắc Mỹ, nơi người Nhật tìm hiểu về những đặc thù của thị trường xe hơi Mỹ, tìm cách thích ứng với dây chuyền sản xuất kiểu Mỹ và tạo mối quan hệ với các mắt xích trong chuỗi cung ứng tại thị trường này.

Chỉ sau hai năm "theo học" người Mỹ, năm 1986 Toyota đã đầu tư toàn phần vào một nhà máy mới tinh của mình ở Kentucky (Mỹ), nơi sau này trở thành cơ sở lớn nhất của Toyota bên ngoài Nhật Bản.

Dĩ nhiên so sánh hai câu chuyện của VinFast và Toyota là điều khập khiễng bởi bối cảnh, mục tiêu về lợi ích, vị thế các bên và những điều liên quan là khác nhau, song đứng ở góc độ học hỏi kinh nghiệm trong một thế giới "mở", có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng những lợi ích giao thoa từ việc sản xuất, phân phối những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và thương hiệu còn mới mẻ "Made in Vietnam".

Những sản phẩm vận chuyển trong "hệ sinh thái VinFast" hẳn nhiên được tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh từ quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.

Điều đó giúp tạo ra một thị trường "kiểu mới" có lợi hơn cho khách hàng tiềm năng nhưng là một thị trường "mở" và báo hiệu sự cạnh tranh không hề nhỏ trong tương lai gần, ngay cả khi những chiếc xe VinFast còn chưa có mặt trên hệ thống đại lý của doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Theo Hoàng Minh

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên