MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vingroup là đối tác sáng giá nhất để FPT bán lại FPT Shop

16-04-2016 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Thế giới Di động không có nhiều động lực để mua FPT Shop trong khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần chi phối sẽ bị nhiều hạn chế trong hoạt động.

Đã nửa tháng trôi qua kể từ khi Tập đoàn FPT tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Giống như một năm trước, dư âm rõ nét nhất sau đại hội không phải là những câu chuyện về ngành công nghệ hay viễn thông mà là động thái thoái vốn khỏi mảng phân phối (FPT Trading) và bán lẻ (FPT Shop).

Đây cũng chính là mong muốn của một số cổ đông lớn của FPT trong vài năm qua. Họ muốn FPT là một công ty thuần về công nghệ thay vì là công ty có tới 2/3 doanh thu từ phân phối và bán lẻ các thiết bị công nghệ.

Hiện FPT đã thuê đơn vị tư vấn để chuẩn bị cho động thái thoái khỏi 2 công ty này với mục tiêu sau thoái vốn sẽ không còn nắm quyền kiểm soát – tức không hợp nhất doanh thu của mảng phân phối, bán lẻ nữa.

Vấn đề được quan tâm nhất của thương vụ này có lẽ không phải là FPT sẽ lời lãi như nào khi thoái vốn mà ở việc ai sẽ là người mua?

Lãnh đạo Thế giới Di động – đối thủ chính của FPT Shop – cũng đã “bày tỏ sự quan tâm đến FPT Shop” khi cổ đông của công ty đề cập đến khả năng mua lại. Nhưng dễ thấy là Thế giới Di động không có nhiều động lực để mua lại FPT Shop. Tại phần lớn các địa điểm, 2 hãng bán lẻ này song hành với nhau như hình với bóng.

Thế giới Di động đang suy tính đến khả năng M&A nhưng nếu có mua lại có lẽ công ty sẽ tập trung nguồn lực để phát triển một số lĩnh vực kinh doanh mới hơn là mua công ty cùng ngành.

Khả năng FPT Shop bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư nước ngoài không cao khi mà nhà đầu tư nước ngoài bị nhiều giới hạn trong ngành bán lẻ, đặc biệt là mỗi khi muốn mở một điểm bán lẻ mới.


Thị phần bán lẻ điện thoại di động và điện máy 2015. Nguồn: GfK/Thế giới Di động

Thị phần bán lẻ điện thoại di động và điện máy 2015. Nguồn: GfK/Thế giới Di động

Mảnh ghép hoàn hảo cho VinPro

Tạm chưa bàn đến nhà đầu tư nước ngoài và khả năng Thế giới Di động tham gia mua lại là rất thấp thì chỉ còn một cái tên sáng giá duy nhất đó là hệ thống điện máy VinPro và VinPro+ thuộc Tập đoàn Vingroup.

Vingroup có sẵn tiềm lực tài chính, sẵn sàng trả giá "hời" cũng như đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực điện máy. Mảng điện máy là một phần trong chuỗi giá trị của hệ thống bán lẻ VinCommerce mà Vingroup đang gây dựng, gồm VinMart, VinMart+, VinPro, VinPro+, VinDS và Adayroi.com

Vingroup mới chỉ gia nhập lĩnh vực bán lẻ điện máy được 2 năm nhưng đã thiết lập được mạng lưới lên đến 20 siêu thị điện máy VinPro (đặt tại các trung tâm thương mại của Vingroup) cùng hơn 100 cửa hàng bán lẻ thiết bị di động VinPro+.

Tuy nhiên, do sinh sau đẻ muộn nên ít nhiều các vị trí tốt để mở cửa hàng VinPro+ phần lớn đã được các hãng lớn như Thế Giới Di động, FPT Shop, Viễn Thông A hay Viettel Store thuê. VinPro sẽ không thể ngày một ngày hai đuổi kịp những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành.

Do đó, FPT Shop với hệ thống hơn 300 cửa hàng đang có, nắm trong tay 10% thị phần bán lẻ điện thoại cùng với doanh thu năm nay có thể lên đến 10.000 tỷ đồng thực sự là mảnh ghép hoàn hảo cho Vingroup để rút ngắn thời gian cũng như củng cố vị thế trong ngành bán lẻ.

Một khi 2 hệ thống về chung “một nhà”, VinPro sẽ bổ trợ cho FPT Shop mảng điện máy, tương tự Thế giới Di động với 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh. Kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ tạo ra một hệ thống điện máy lớn, đủ sức đe dọa vị trí dẫn đầu của Thế giới Di động. Như thế, cuộc chơi ngành điện máy sẽ thú vị hơn so với việc Thế giới Di động ngày càng trở nên quá lớn, bỏ xa các doanh nghiệp còn lại.

Kinh Kha

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên