VinGroup nên nhắm smartphone VSmart vào phân khúc giá nào?
Mọi thứ vào lúc này vẫn đang hoàn toàn bỏ ngỏ, nhưng có một điều chắc chắn VinSmart không nên làm: nhắm vào phân khúc bình dân.
- 14-06-2018Sếp Vingroup: Mỗi cửa hàng Vinmart+ sẽ có một quầy bán điện thoại Vsmart
- 14-06-2018Giám đốc Qualcomm Đông Dương nói gì về kế hoạch làm smartphone của Vingroup?
- 12-06-2018VinGroup nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, khởi điểm với điện thoại Vsmart
Nếu bạn yêu thích các sản phẩm quốc nội, tin tức được công bố tuần qua chắc chắn sẽ khiến bạn vui mừng: VinSmart (thành viên trực thuộc Vingroup) sẽ chính thức thành lập một đơn vị sản xuất smartphone với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Mẫu smartphone “Vsmart” sẽ là sản phẩm khởi đầu, trước khi VinSmart nghiên cứu mở rộng ra các lĩnh vực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi lịch trình ra mắt VSmart chưa được làm rõ, một thông tin chắc chắn sẽ được quan tâm rộng rãi là giá sản phẩm. Công bố rõ ràng nhất từ phía VinGroup chỉ là đang “đang làm việc với các công ty tư vấn hàng đầu thế giới để thuê tư vấn thiết kế, tìm kiếm các chuyên gia giỏi, mua bản quyền thiết kế các cấu phần của điện thoại thông minh”.
Rõ ràng là mọi thứ còn bỏ ngỏ. Nhưng VSmart sẽ rơi vào khoảng giá bao nhiêu? Hãy cùng chúng tôi dựa trên dữ kiện duy nhất là tình hình thị trường để phỏng đoán.
Cái bẫy giá rẻ
Thực chất là cuộc chiến giá rẻ đang vô cùng ngột ngạt.
Cũng giống như phản ứng của người hâm mộ nói chung với BPhone, chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ ngay đến câu chuyện “giá rẻ” để thu hút càng nhiều người Việt càng tốt. Tuy vậy, có thể dự đoán gần như chắc chắn rằng VinGroup sẽ tránh xa cái bẫy này.
Tại sao ư? Hãy nhìn vào một vài ví dụ: Mới gần đây, một trong 3 gã khổng lồ của Trung Quốc là Xiaomi đã lên tiếng công bố lỗ 1,1 tỷ USD chỉ trong quý I/2018. OPPO, thương hiệu nổi tiếng nhất của BKK, vào đầu năm nay cũng đã công bố lỗ 30 triệu USD tại thị trường rất tiềm năng là Ấn Độ. Toàn bộ thị trường Trung Quốc trong quý một vừa qua suy giảm tới 40%, hàng loạt các nhân viên của OPPO/Vivo bị gửi về nước vì kinh doanh lỗ tại nước ngoài.
Sự thật là dù rất dễ chịu với người dùng nhưng phân khúc giá rẻ chưa bao giờ dễ chịu với các nhà sản xuất cả. Khi thị trường Trung Quốc ngừng tăng trưởng trong 2 năm 2015-2016, đã có tới 136 nhà sản xuất phải đóng cửa. Qua từng năm, các hãng từng bành trướng nhờ giá rẻ như Xiaomi, OPPO/Vivo hay Huawei tuyệt nhiên chưa bao giờ đem hai chữ “lợi nhuận” ra bàn bạc với các nhà đầu tư.
Cú nổ vang trời của LeEco là minh chứng cho thấy giá rẻ luôn là cuộc chiến vô cùng nguy hiểm.
Trở lại với VSmart: khi khởi đầu, VinSmart có 3.000 tỷ đồng, một con số chỉ tương đương với khoảng 140 triệu USD. Con số này không nhỏ nhưng cũng chẳng hề lớn, bởi chưa bàn tới chuyện sản xuất, phân phối và quảng bá smartphone, VinSmart sẽ phải giải quyết bài toán khó khăn nhất là tạo ra một thành phẩm smartphone. Làm giá rẻ vào lúc này thực chất là bỏ ra một đống tiền để “đốt” vào phân khúc có giá chẳng có tiềm năng lợi nhuận.
Đích đến duy nhất: Tầm trung hấp dẫn
Ở phía ngược lại, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng VinSmart chưa thể ngay lập tức xâm chiếm phân khúc giá cao. Hiện tại, phân khúc này đang bị Apple và Samsung gần như độc chiếm, đặc biệt là khi những chiếc iPhone đang ngập tràn bảng xếp hạng các mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới .
Không nên đâm đầu vào giá rẻ, cũng không thể chiếm đánh cao cấp, VinSmart chỉ còn một hướng đi duy nhất: tầm trung.
Hiện tại, thị trường Việt Nam đang có sự đón nhận rất tốt dành cho các mẫu smartphone ở tầm giá trước đây vẫn bị coi là đắt: 8-10 triệu đồng.
May mắn là đây lại chính là điểm đến của cả thị trường trong tương lai gần. Mới gần đây, OPPO F7 đã nhận được khoảng 27.400 đơn hàng có đặt cọc trong vòng 8 ngày mở bán. Đối thủ lớn của OPPO tại Việt Nam là Samsung cũng đạt được con số 10.300 đơn đặt hàng Galaxy A6/A6+ tại Thế Giới Di Động trước khi mở bán chính thức.
Điểm chung của OPPO F7 và Galaxy A6? Cả 2 sản phẩm này đều có giá cao hơn hẳn so với các sản phẩm trọng điểm trước đó của OPPO và Samsung (như F5 hoặc J7).
VSmart giá 10 triệu?
Việc F7 và Galaxy A6/A6+ có giá cao hơn nhưng vẫn thành công không kém gì các sản phẩm đời cũ cho thấy người dùng Việt đang đi chung một xu thế với người dùng toàn cầu: nhu cầu dần dần gia tăng và khoản tiền sẵn sàng chi trả cũng gia tăng. Thời đại “phá giá cấu hình” hay mua các sản phẩm rẻ nhất có thể đã thực sự chấm dứt, và những sản phẩm ở tầm giá 10 triệu đã không còn nằm ngoài tầm nhắm của đối tượng người dùng phổ thông.
VinGroup vốn nổi danh là chỉ kinh doanh khi chắc chắn có lãi - liều lĩnh với VSmart sẽ là chuyện khó xảy ra.
Vị trí “lưng chừng” sẽ giúp phân khúc giá từ 8-10 triệu có được những lợi thế riêng. Ở mức giá này, người dùng sẽ không đòi hỏi cấu hình hay tính năng phải ngang tầm iPhone hay Galaxy S/Note. Ngược lại, đây là phân khúc vẫn cho phép VinGroup có thể thu về tỷ suất lợi nhuận nhất định, hoặc chí ít là có khả năng duy trì tốt hơn khúc giá dưới 7 triệu đồng.
Nếu bạn còn nhớ, đây cũng chính là khung giá mà BKAV đã khôn khéo lựa chọn cho cả 2 thế hệ BPhone đầu tiên.
Nhưng như BPhone đã chứng minh, không phải cứ chọn khung giá hợp lý là có thể thành công. Câu hỏi lớn nhất đặt ra với VinGroup lúc này là tạo ra một chiếc smartphone có thể thực sự thu hút người dùng, có lẽ không phải bằng cấu hình mà là bằng thiết kế, camera, AI hay một tính năng thú vị nào đó.
Chọn đúng khung giá là một chuyện, thực sự chinh phục người dùng Việt lại là chuyện khác.
Dù sao thì cũng chưa ai biết VSmart đến khi nào mới ra mắt. Từ giờ đến ngày lên kệ, VinGroup vẫn sẽ còn rất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề khó nhằn, mà nổi bật nhất là định giá và chọn tính năng nổi bật để thực sự chinh phục người dùng Việt.
Hãy chờ xem chương di động của VinGroup sẽ tiếp diễn như thế nào.
Thời đại