Vĩnh Hoàn và chiến lược tăng trưởng bền vững
Ngày 05/01/2017, Vĩnh Hoàn công bố mức doanh thu và lợi nhuận dự kiến cho năm 2016 lần lượt là 7.200 tỷ đồng và 550 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 11% và 70% so với năm 2015.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 274 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. So với mức tăng trưởng 6.6% của toàn ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự kiến, Vĩnh Hoàn đang làm tốt hơn phần lớn các doanh nghiệp cùng ngành.
Có thể nói năm 2016 là một năm thử lửa với ngành cá tra nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng, khi mọi yếu tố cơ bản về thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu đều diễn biến không tích cực.
Về thị trường, việc tăng cường các rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn gây không ít khó khăn cho ngành. Đơn cử tại thị trường Mỹ -thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam (chiếm 23% trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam cuối tháng 11/2016) - từ tháng 04/2016, Chương trình thanh tra cá da trơn chính thức triển khai giai đoạn chuyển đổi 18 tháng với việc chuyển giao thẩm quyền giám sát từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cùng việc áp dụng hàng loạt các quy định mới nhằm đảm bảo tính tương đồng giữa hệ thống kiểm tra của các quốc gia xuất khẩu với hệ thống hiện tại của Mỹ đã khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không khỏi lúng túng.
Về nguồn nguyên liệu, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vựa cá tra lớn nhất nước, mực nước sông xuống thấp nhất trong vòng 90 năm cùng với tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, và xâm nhập mặn xảy ra sớm và đạt đỉnh điểm vào tháng 03/2016 đã khiến diện tích nuôi thu hẹp và đẩy giá cá nguyên liệu tăng cao vào một số thời điểm trong năm. Nhìn chung cả năm, giá cá nguyên liệu biến động thất thường với biên độ dao dộng khá lớn.
Tuy vậy, ngành cá tra đã chứng tỏ “phong độ” của mình với các con số tăng trưởng đầy triển vọng. Mức tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng vào thị trường Mỹ đạt 22.2%, vào thị trường Trung Quốc đạt tới 84.4%. Với mức tăng trưởng ấn tượng này, Trung Quốc đã vượt qua châu Âu, trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tổng sản lượng năm 2016 ước đạt 1.2 triệu tấn, tăng 9% so với 2015, diện tích nuôi cá tra đạt gần 5.000ha. Sau giai đoạn sụt giảm 2008-2015 với mức tăng trưởng bình quân hàng năm chỉ đạt 1%, ngành đã hồi phục với mức tăng trưởng ước đạt 6.6% trong năm 2016.
Với gần 20 năm trong ngành, Vĩnh Hoàn tuy có lợi thế là kinh nghiệm và mạng lưới thị trường song bản thân cũng phải vượt qua “sức ỳ” của một tập đoàn quy mô lớn, do đó công ty không ngừng đặt ra các mục tiêu cao hơn và chiến lược dài hơi hơn để nắm bắt được các triển vọng của ngành và nâng tầm doanh nghiệp. Vĩnh Hoàn đã chủ động đưa ra các chiến lược tương ứng về mặt thị trường, sản phẩm, và nuôi bền vững để khắc phục các trở ngại và duy trì tăng trưởng ổn định trong tương lai.
Về thị trường, ngoài giữ vững các thị trường hiện tại, công ty tập trung mở rộng các kênh phân phối trực tiếp và khai phá các thị trường mới. Cuối năm 2016, chiến lược này đã ghi nhận các thành công nhất định khi Vĩnh Hoàn có thêm 5 thị trường mới, nâng mạng lưới khách hàng lên hơn 170 khách hàng tại hơn 40 quốc gia, trong đó thị trường Mexico và Trung Quốc tăng trưởng tới 73% và 137%, hay việc đưa sản phẩm thành công vào chuỗi siêu thị Mercadona lớn nhất Tây Ban Nha.
Về sản phẩm, công ty liên tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu riêng một cách bài bản. Trong năm 2016, hàng loạt sản phẩm giá trị gia tăng mới đã được giới thiệu, đáng lưu ý là sản phẩm cá nướng tẩm xốt teriyaki – sản phẩm ăn liền đầu tiên của Vĩnh Hoàn. Sản phẩm phi-lê thương hiệu Vinh Foods lần đầu tiên ra mắt người tiêu dùng Tây Ban Nha trong tháng 12/2016. Về nguyên liệu, Vĩnh Hoàn chủ trương duy trì tỷ lệ tự cung ứng nguyên liệu đạt từ 60-70% và phát triển vùng nguyên liệu đạt chứng nhận.
Năm 2016, tỷ lệ tự cung ứng nguyên liệu đạt gần 65% và diện tích nuôi có chứng nhận ASC đạt đến 115ha, lớn nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, với việc thành lập Vinh Aquaculture, trong tương lai Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển và mở rộng quy mô nuôi bền vững để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao từ các nước nhập khẩu.
Nhờ các chiến lược này, Vĩnh Hoàn đã duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân đạt 12% trong 5 năm từ 2012-2016. Năm 2017, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu cá tra 15% và doanh số các sản phẩm giá trị gia tăng lên 5 triệu USD, tăng 50% so với hiện tại.