VinMart, VinMart+ đặt mục tiêu tham vọng thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam với 10.000 siêu thị: Canh bạc lớn hay tầm nhìn của người khổng lồ?
Với tham vọng trở thành nhà bán lẻ được yêu thích nhất và số 1 Việt Nam, chuỗi siêu thị này đặt cược lớn vào bối cảnh thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Mỏ vàng mang tên bán lẻ hiện đại
Khoảng 12h trưa một ngày thứ 7, Vũ Lan Anh, 23 tuổi, tỏ ra khá lúng túng khi xung quanh khu chung cư ngoại thành mình mới chuyển đến chưa có một siêu thị nào xuất hiện để mua tạm bữa trưa. Thói quen vào cửa hàng tiện lợi hay siêu thị ngay dưới chân tòa nhà được hình thành từ vài năm sống trong nội đô khiến cô bỡ ngỡ khi chuyển chỗ ở.
Lan Anh là một gương mặt trong 40% dân số có tuổi dưới 24 tại Việt Nam và 50% dân số đang ở độ tuổi lao động. Họ là những người có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất, sẽ quyết định xu hướng tiêu dùng của người Việt.
Theo dự báo vào năm 2030, châu Á sẽ là nơi ở của 3 tỷ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, những người có nhu cầu tiêu dùng rất cao khi lần đầu tiên họ có khả năng tài chính như vậy. Economist Intelligent từng dự báo Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong không gian ngày càng chật chội hơn ở đô thị, thời gian ngày càng eo hẹp do con người muốn làm nhiều việc trong một ngày, từ công việc, nghỉ ngơi, giao lưu xã hội… người dân tìm cách để làm cho cuộc sống của mình dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhưng vẫn cần hàng hóa tươi, chất lượng.
Mặc dù Việt Nam là nước trong top tỷ lệ đô thị thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ 35% trong khi Phillipines và Thái Lan tương ứng 44% và 53%. Nhưng lại là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, dự đoán hơn 2,6%/năm cho giai đoạn từ 2015-2020. Tốc độ đô thị hóa nhanh là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ cộng thêm điểm tựa từ cơ cấu dân số vàng.
Tuy hiện nay mô hình các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống chiếm 65% thị phần nhưng với sự hiện diện thành công của các chuỗi điện máy, di động và bách hóa khi mở về nông thôn, công ty chứng khoán ngân hàng quân đội (MBS) mới đây đưa ra dự đoán thị phần của kênh này sẽ giảm dần nhường chỗ cho các loại hình bán lẻ hiện đại.
"Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, thì đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam", báo cáo MBS nhận định.
Nếu chia chiếc bánh bán lẻ ra nhiều phần, hiện bán lẻ bách hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng giá trị thị trường khoảng 60 tỷ USD trong tổng 159 tỷ USD. Điều này cũng không khó hiểu khi bán lẻ bách hóa trong vài năm gần đây liên tục cạnh tranh khốc liệt với các thương vụ M&A. Trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp thuộc ngành này luôn được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón.
Điển hình là trong tháng 9, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã thông báo dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mới được thành lập đang sở hữu 100% vốn VinCommerce. Trong năm 2019, Vincommerce đã tiến hành đã mua lại Shop & Go, Qeenland Mart, tính đến hết tháng 9/2019, đơn vị này đã sở hữu hơn 2.300 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc.
Trước giao dịch này, Vingroup nắm giữ 64,3% cổ phần của VCM. Theo đó, GIC - thông qua công ty con Ardolis Investment - cùng chi nhánh Singapore của Credit Suisse đã mua hơn 104,66 triệu cổ phần phổ thông, tương ứng với 16,26% cổ phần của VCM. Trong đó, Ardolis nắm giữ 9,76% và Credit Suisse nắm giữ 6,5%.
Nếu như toàn bộ 500 triệu USD đã được giải ngân đổi lấy 16,26% cổ phần thì GIC đã định giá VCM ở mức 3,08 tỷ USD, tương đương 71.300 tỷ đồng - cao hơn tới 26% so với mức vốn hóa thị trường hiện tại khoảng 2,44 tỷ USD (~ 56.700 tỷ đồng) của Thế giới Di động – đơn vị đang sở hữu chuỗi bán lẻ Bách hóa xanh.
Tham vọng chiếm lấy miếng bánh lớn
Với tiềm năng lớn của ngành bán lẻ cũng như tiềm lực của Vingroup, không quá khó hiểu khi GIC định giá VCM ở mức 3,08 tỷ USD. Ngày 12/11, VinCommerce tổ chức Hội nghị các đối tác và nhà cung cấp; đồng thời công bố chiến lược phát triển mới giai đoạn 2020-2025 đầy tham vọng.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, chuỗi bán lẻ VinMart & VinMart+ đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Chuỗi cung ứng hàng hóa của VinMart & VinMart+ được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình vận hành ứng dụng công nghệ 4.0. Với những nỗ lực này, VinMart & VinMart+ đã liên tiếp 2 năm liền giữ vững vị trí số 1 trong Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ do Vietnam Report bình chọn.
"Trong 5 năm tới, VinMart & VinMart+ sẽ phát triển bán lẻ đa kênh, tích hợp các kênh trực tuyến và hệ thống siêu thị/ cửa hàng trên toàn quốc. Các kênh trực tuyến mũi nhọn bao gồm: mua sắm qua ứng dụng điện thoại, qua cổng thương mại điện tử và website VinMart.com nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng mua sắm. Dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước", bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty VinCommerce chia sẻ tại hội nghị.
Với tham vọng trở thành nhà bán lẻ được yêu thích nhất và số 1 Việt Nam, chuỗi siêu thị này quyết định "chơi lớn" trong bối cảnh thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Dựa trên hệ sinh thái độc đáo, hệ thống và cơ sở hạ tầng của Vingroup, VinCommerce cho biết chiến lược sẽ đi bằng 2 chân: Vừa phát triển nhanh nhất mạng lưới điểm bán vừa phát triển đa kênh dựa trên kết nối điểm bán với nền tảng của Adayroi và VinID.
Với bước thứ 1, VinCommerce khá tự tin khi khẳng định mình là nhà bán lẻ có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất với tốc độ từ 80-110%/năm. Đồng thời từ năm 2015 đến nay, VinMart cũng mở rộng độ phủ một cách chóng mặt khi liên tục mở mới và sáp nhập và chuyển đổi thành công một loạt các thương hiệu bán lẻ lâu đời tại Việt Nam như: Vinatexmart, Maximart, Fivimart, Zakka Mart, Shop&Go, Queenland Mart.
Mặt khác trên các nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng, VinCommerce cũng tích cực gia tăng hiện diện, tiên phong ứng dụng cộng nghệ vào bán lẻ khi kết hợp cùng VinID cho ra mắt tính năng Scan&Go song song với việc phân phối hàng hóa trên trang thương mại điện tử Adayroi. Đây là một phản ứng khá nhanh nhạy khi thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam.
Xét về quy mô, hiện chuỗi siêu thị này đang có ưu thế tuyệt đối về độ phủ và chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2025 với các mũi nhọn chủ lực được đưa ra khá tương đồng với lý thuyết cạnh tranh được nghiên cứu trên thế giới. Theo PGS. TS Ngô Kim Thanh (Đại học kinh tế quốc dân) đề cập đến trong cuốn Quản trị chiến lược, khi ở vị thế dẫn đầu, các nhà chiến lược có 4 cách để bảo vệ thị trường:
- Thứ 1, "chiến lược đổi mới" các doanh nghiệp đứng đầu thị trường luôn cố gắng dẫn đầu ngành trong các lĩnh vực như phát triển các loại sản phẩm mới, dịch vụ và các kênh và phương pháp phân phối mới. Trong trường hợp của VinMart & VinMart+ chính là phương thức đa kênh.
- Thứ 2, "chiến lược củng cố", đây cũng là phương cách chủ động nhằm bảo toàn sức mạnh trên thị trường. Những điều được chú trọng là giữ mức giá hợp lý và đưa ra các sản phẩm với quy mô, hình thức và mẫu mã mới. Song song với việc củng cố ưu thế tuyệt đối về độ phủ, hệ thống bán lẻ của Vingroup đang chủ động chú trọng xây dựng chiến lược sản phẩm và tạo sự khác biệt thông qua quá trình địa phương hóa và cá nhân hoá.
- Thứ 3, "chiến lược đối đầu" thường bao gồm việc phản ứng nhanh, nhạy và trực tiếp trước đối thủ thách thức. Hình thức của chiến lược này có thể là các cuộc chiến tranh khuyến mãi, chiến tranh về giá.
- Thứ 4, "chiến lược người đứng đầu", trong bối cảnh ngành rơi vào suy thoái, các doanh nghiệp thủ lĩnh tận dụng lợi thế để cấu trúc ngành cho phép có một số doanh nghiệp còn tồn tại có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn mức trung bình.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ hiện đại hiện nay, chiến lược đầy tham vọng của VinMart & VinMart+ sẽ cần thời gian để kiểm chứng liệu đây có phải là canh bạc lớn. Nhưng với xu thế của bán lẻ thế giới và những gì hệ thống bán lẻ này đã làm được chỉ trong 5 năm có mặt trên thị trường khi đã lật ngược hoàn toàn thế cờ với các nhà bán lẻ ngoại mới thấy được tầm nhìn của gã khổng lồ.
Trí thức trẻ