Vinpearl Air, Vietravel Airlines cùng "né" Tân Sơn Nhất, chọn Nội Bài, Phú Bài làm sân bay căn cứ
Cả Vinpearl Air và Vietravel Airlines đều có kế hoạch sử dụng phi công tự đào tạo kết hợp với phi công ngoại, nhưng trong giai đoạn đầu, Vietravel dự kiến sẽ thuế phi công nước ngoài là chủ yếu.
- 07-10-2019Bộ trưởng Chính sách thương mại Anh: "Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất và là đối tác thương mại quan trọng của Anh trong tương lai"
- 07-10-2019InterNations: Việt Nam là nơi đáng sống thứ 2 trên thế giới cho người nước ngoài
- 07-10-2019Bloomberg: Nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì Ấn Độ lỡ "tự tin thái quá"
Ngày 7/10, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội khẳng định, dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của CTCP Hàng không Vinpearl Air đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tiến hành thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không quy định tại Luật Hàng không dân dụng. Dự án Vinpearl Air sử dụng Cảng HKQT Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác (2020) tại Cảng HKQT Nội Bài (2 tàu bay) và tại các Cảng HKQT Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn, mỗi cảng 1 tàu bay.
Với kế hoạch này, dự án Vinpearl Air phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho năm 2020 (đến năm 2020, toàn bộ hệ thống cảng hàng không có 401 vị trí đỗ tàu bay đáp ứng được nhu cầu khai thác và đỗ qua đêm đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam).
Dự án Vinpearl Air đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin về kế hoạch đỗ đội tàu bay qua đêm các năm sau 2020, Bộ GTVT khuyến nghị Vinpearl Air bổ sung kế hoạch đỗ tàu bay qua các năm và đến 2025.
Bộ GTVT cho biết dự án Vinpearl Air đã nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không giai đoạn trước mắt, đặc biệt là tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, do vậy đã hạn chế tối đa việc lập kế hoạch khai thác đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Mặc dù vậy, với kế hoạch khai thác đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong năm đầu hoạt động, Vinpearl Air cần cân nhắc tính khả thi do vấn đề quá tải của sân bay. Đồng thời, công ty cần tính toán, xây dựng mạng đường bay dự kiến khai thác cho phù hợp với năng lực của sân bay này với quy mô 30 tàu bay vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cũng đã ký báo cáo mới nhất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế góp ý hồ sơ dự án vận tải hàng không lữ hành VN (dự án Vietravel) của Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Công ty Vietravel). Bộ đánh giá: Dự án đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, song cần điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo tính khả thi.
Dự án vận tải hàng không lữ hành VN của Công ty TNHH hàng không lữ hành VN (Vietravel) có quy mô đội tàu bay 3 tàu bay vào năm 2020 và 8 tàu bay vào năm 2024. Tổng mức đầu tư dự án 700 tỷ đồng.
Cũng tránh Tân Sơn Nhất, Vietravel lựa chọn Cảng HKQT Phú Bài làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến. Bộ GTVT đánh giá "cơ bản phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay". Tuy nhiên, việc đỗ toàn bộ đội tàu bay qua đêm tại Cảng HKQT Phú Bài, một cảng hàng không có thị trường đi/đến không cao, nên việc tổ chức khai thác hàng ngày sẽ gây khó khăn cho hoạt động khai thác.
Về tuyển dụng đào tạo, xây dựng nhân lực hàng không, Vinpearl Air dự kiến, năm đầu tiên khai thác số lao động là 600 người, gồm 60 phi công, 120 tiếp viên. Đến năm 2024 là 2.250 người, gồm 346 phi công, 892 tiếp viên... Công ty này cũng cho biết sẽ kết hợp việc sử dụng phi công tự đào tạo với thuê phi công ngoại từ các đối tác như Công ty ALG, Flight Crew International, Rishworth...
Còn Vietravel Airlines có xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với mô hình hoạt động, quy mô đội tàu bay theo từng giai đoạn cụ thể. Trong năm đầu tiên khai thác số lao động là 223 người (bao gồm: 26 phi công, 70 tiếp viên, 10 thợ kỹ thuật...). Đến năm khai thác thứ 5, số nhân sự là 595 người (bao gồm 72 phi công, 212 tiếp viên và 68 thợ kỹ thuật...).
Để đảm bảo nguồn nhân lực, Công ty Vietravel dự kiến sẽ thuế phi công nước ngoài là chủ yếu trong giai đoạn đầu; trong giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc đào tạo và tìm kiếm phi công có bằng lái cơ bản (ATPL), phi công quân sự để chuyển loại sang A320/321 nhằm rút ngắn thời gian đào tạo và chi phí.
Đội ngũ tiếp viên sẽ được đào tạo tại Trường Cao đẳng quốc tế KENT (Công ty Vietravel năm 66% cổ phần) tại TP.HCM và các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Đối với đội ngũ kỹ thuật và nhân viên lao động khác, Vietravel đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo tại nước ngoài.
Với quy mô khai thác và kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực, kế hoạch đào tạo và phương án đảm bảo khai thác, bảo dưỡng như báo cáo, dự án Vietravel không tạo áp lực với tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không.