MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Virus corona siêu nhỏ đang "khoét" những lỗ hổng khổng lồ trong siêu dự án nghìn tỉ USD của TQ

27-04-2020 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai tại các quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

01. Nhiều dự án bị trì hoãn

Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc hiện đang gặp hàng loạt vấn đề nghiêm trọng do đại dịch COVID-19: từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hạn chế người lao động di chuyển cho tới thắt chặt kiểm soát biên giới giữa các quốc gia. Những dự án bị trì hoãn và chi phí tăng cao đang đặt ra câu hỏi khó cho Bắc Kinh về tính khả thi của sáng kiến trị giá hàng nghìn tỉ USD này.

Nền kinh tế của Trung Quốc đang có một số dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn bị đại dịch COVID-19 kìm hãm. Các lệnh kiểm soát khắt khe đã được gỡ bỏ. Các nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại theo cùng với nhu cầu sử dụng năng lượng dần tăng cao.

Tuy nhiên, các dự án tiêu biểu của Trung Quốc trên Con đường Tơ lụa thời hiện đại - với mục tiêu nối liền Châu Á, Châu Âu và Châu Phi thông qua hàng loạt cảng, các tuyến đường bộ và đường sắt - đang gặp rất nhiều vấn đề.

Tại Indonesia, đại dịch COVID-19 đang là trở ngại lớn đối với tuyến đường tàu cao tốc trị giá 6 tỉ USD nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung. Kereta Cepat Indonesia-Trung Quốc (KCIC), tập đoàn liên doanh Trung Quốc - Indonesia phụ trách dự án cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã khiến việc vận chuyển và nhập khẩu các nguyên liệu từ Trung Quốc bị trì hoãn. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc cũng chưa quay trở lại bởi vì điều kiện chưa cho phép".

Nhân công Trung Quốc chiếm tới 1/5 tổng số nhân công, nhưng lệnh hạn chế di chuyển của chính phủ đã khiến nhiều người chưa thể quay lại làm việc.

Các báo cáo ước tính khoảng 300 nhân công hien đang bị kẹt tại Trung Quốc, mặc dù công việc trên tuyến đường sắt vẫn được tiến hành như bình thường.

Ở một vùng khác, con đập hiện đang được Trung Quốc xây dựng ở rừng nhiệt đới Batang Toru thuộc đảo Sumatra cũng bị trì hoãn do lệnh cấm di chuyển đối với nhân công người Trung Quốc.

02. Ảnh hưởng của đại dịch

Tuần trước, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cho biết đại dịch đã gây ra rủi ro lớn đối với các dự án Vành đai Con đường.

Xia Qingfeng, người đứng đầu bộ phận truyền thông của ủy ban, cho biết: "Hàng loạt quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên khắp thế giới đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đối với chuỗi cung ứng và nền công nghiệp toàn cầu".

"Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang bị chậm trễ trong việc thực hiện hợp đồng, thiếu các dự án mới, và chịu rủi ro đối với nguồn cung nguyên liệu thô".

Giữa bối cảnh virus corona lây lan trên khắp thế giới, việc kiểm soát của chính phủ đang gây làm đứt đoạn các kết nối toàn cầu, khiến một số dự án của Vành đai Con đường gặp khó khăn khi tiếp cận các trang thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công và chuyên gia của Trung Quốc, thậm chí kể cả khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tái khởi động lại các nhà máy và công xưởng.

Virus corona siêu nhỏ đang khoét những lỗ hổng khổng lồ trong siêu dự án nghìn tỉ USD của TQ - Ảnh 1.

COVID-19 đang làm trì hoãn dự án tàu cao tốc trị giá 6 tỉ USD. Ảnh: AP

Trong hai tháng đầu năm, các công ty Trung Quốc chỉ cử 39.000 người lao động ra nước ngoài, giảm 29.000 người so với cùng kỳ năm 2019 - theo số liệu của chính phủ Trung Quốc.

Cuối tháng 2, số người lao động Trung Quốc ở nước ngoài là 778.000 người, giảm 188.000 người so với một năm trước đó.

Các yêu cầu phong tỏa và cách ly đối với người Trung Quốc trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan cũng đã khiến hoạt động xây dựng bị đóng băng trong tối đa 8 tuần, trong khi đó Bangladesh cũng thông báo trì hoãn đối với các dự án đường bộ, cầu và nhà máy năng lượng trong sáng kiến Vành đai Con đường.

Thành phố cảng Colombo - một trong những dự án phát triển lớn nhất của Sri Lanka - cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Kassapa Senarath, người đứng đầu bộ phận truyền thông của dự án, cho biết chính phủ đã áp dụng quy định hạn chế nhập khẩu và cách ly đối với người lao động nước ngoài. Do đó, dự án 1,4 tỉ USD này tuy vẫn được triển khai nhưng đã chịu một phần ảnh hưởng không nhỏ.

03. "Tương lai bất định"

Một cựu quan chức và chuyên gia kinh tế Sri Lanka đề nghị giấu tên cho biết chính phủ Sri Lanka đã thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu "hàng hóa không thiết yếu" để ngăn đồng Sri Lanka rupee trượt giá và bảo toàn dự trữ ngoại hối, tạm dừng nhập khẩu thiết bị và máy móc xây dựng của Trung Quốc.

"Ngân hàng trung ương đã yêu cầu các ngân hàng không mở cửa cơ sở ngân hàng đối với các hoạt động nhập khẩu như vậy. Luật này sẽ có hiệu lực trong 3 tháng, và áp dụng với tất cả các loại nhập khẩu từ tất cả các quốc gia khác. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu luật có được nới lỏng trong tương lai hay không," người này nói.

Sri Lanka là quốc gia có nhiều dự án liên quan tới Vành đai Con đường, bao gồm dự án cảng nước sâu Hambantota với những chỉ trích về "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh khẳng định rằng những sự trì hoãn đều chỉ là hạn chế và mang tính nhất thời, nhưng các nhà phân tích lại không cho rằng như vậy. Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) cho biết đại dịch sẽ làm tổn hại toàn bộ hoạt động của Vành đai Con đường trong năm 2020.

Theo đó, các khoản nợ trên khắp các nền kinh tế ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, cùng với chi phí bị đội lên đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động tài chính và dịch vụ vay nợ của các dự án đã hoàn thành hoặc đang tiến hành.

Từ tháng 1 tới nay, Trung Quốc đã kí nhiều hợp đồng cho các dự án thuộc Vành đai Con đường, bao gồm tại Myanmar, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng EIU cảnh báo rằng những dự án này đang đối diện với "tương lai bất định".

Virus corona siêu nhỏ đang khoét những lỗ hổng khổng lồ trong siêu dự án nghìn tỉ USD của TQ - Ảnh 2.

Theo Tất Đạt

Tổ quốc

Trở lên trên