MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Virus corona "tấn công" các khoản nợ, khủng hoảng cho các ngân hàng châu Á mới chỉ bắt đầu

23-02-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Virus corora chết người bắt đầu tấn công các ngân hàng trên khắp châu Á.

Những nhà cho vay từ HSBC Holdings Plc đến 3 ngân hàng lớn nhất Singapore đã phải cảnh báo rằng virus và tình trạng sa sút của nền kinh tế có thể sẽ buộc họ phải dành nhiều tiền hơn cho các khoản vay trong năm nay. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings ước tính chỉ riêng ở Trung Quốc, mức độ nợ xấu có thể tăng gấp ba, tăng thêm 800 tỷ USD.

"Với đám mây đen đang kéo đến, chúng ta cần cẩn trọng", Wee Ee Cheong, giám đốc điều hành ngân hàng United Overseas Bank có trụ sở tại Singapore, nói ngày 21/2, sau khi ngân hàng dự báo phí suất tín dụng tăng do tác động của virus.

Năng lực khống chế cơn bão virus corona của các nhà cho vay châu Á có ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu. Lợi nhuận trước thuế của các nhà cho vay châu Á chiếm tỷ trọng lớn hơn các khu vực khác, theo báo cáo của McKinsey & Co. Inc. Trong khi các ngân hàng Trung Quốc chịu tổn thất do dịch bệnh, các nhà cho vay nước ngoài hoạt động trong khu vực cũng đối mặt với các tổn thất cho vay cao hơn và doanh thu thấp hơn như trường hợp ở Nhật Bản và Hàn Quốc và các khách du lịch chi tiêu hào phóng của Trung Quốc thì đóng cửa ở nhà.

HSBC, ngân hàng có một nửa doanh thu ở châu Á, cho biết trong một kịch bản tồi tệ nhất nếu virus còn hoành hành kéo dài đến nửa cuối năm 2020, ngân hàng này có thể tổn thất thêm 600 triệu USD. Các ngân hàng ở Hong Kong, thị trường lớn nhất của HSBC, đã tạm thời đóng cửa gần 30% chi nhánh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người ở Trung Quốc. Các ngân hàng nước ngoài khác hoạt động cầm chừng tại châu Á bao gồm Standard Chartered Plc. và Citigroup Inc.

Phí suất tín dụng

Bank of East Asia Ltd., nhà cho vay Hong Kong có quan hệ chặt chẽ nhất với Trung Quốc đại lục, dự kiến mức giảm sút 10-20 điểm cơ bản trong phí suất tín dụng ở Hong Kong vì dịch Covid-19, giám đốc điều hành Adrian Li nói với phóng viên hôm 19/2. Dự kiến này dựa trên dự đoán rằng virus sẽ đạt đỉnh từ tháng 4 đến mùa hè và nền kinh tế sẽ khôi phục trong nửa cuối năm.

"Sẽ có một số áp lực lên các danh mục đầu tư của chúng tôi, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các khoản vay không bảo đảm, nhưng chúng tôi tin rằng có thể quản lý được", Li nói. "Chúng tôi tự tin rằng ngân hàng đã chuẩn bị tốt để vượt qua những thử thách ngắn hạn này".

Trong khi đó, 3 ngân hàng lớn nhất Singapore cảnh báo dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến doanh thu và các điều khoản. DBS Group Holdings Ltd. dự kiến sẽ giảm 1%-2% doanh thu vì virus. UOB, ngân hàng lớn thứ 3, dự báo phí suất tín dụng tăng nhẹ trong các điều kiện hiện tại. Oversea-Chinese Banking Corp., nhà cho vay lớn thứ nhì, cho biết sự cải thiện về chất lượng tín dụng gần đây của họ sẽ phần nào gánh đỡ cho các phí suất liên quan đến đợt dịch.

Các nhà đầu tư sẽ biết được mức độ ảnh hưởng tới các nhà cho vay Trung Quốc khi có kết quả báo cáo vào tháng sau.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể ở mức 4% trong quý I, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, theo dự báo của 18 đơn vị. Tăng trưởng GDP cả năm dự kiến khoảng 5,5%, thấp hơn so với dự đoán vào tháng trước là 5,9%.

Điều này sẽ tàn phá hệ thống ngân hàng 41.000 tỷ USD của Trung Quốc. Con số này gấp hơn 2 lần của Mỹ và bao gồm một lượng lớn các khoản nợ xấu. Với những căng thẳng trong năm ngoái, dự đoán tăng trưởng kinh tế ở mức thấp 4,15%, tỷ lệ nợ xấu tại 30 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể tăng gấp 5 lần, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Một số căng thẳng vay nợ không nhất định sẽ xuất hiện ngay trong các báo cáo kinh tế do Trung Quốc đẩy mạnh việc bảo vệ ngành công nghiệp trước dịch bệnh. Tác hại của virus sẽ không bao gồm các khoản nợ xấu trong giai đoạn ưu đãi, Li Junfeng, quan chức tại Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nói tại một cuộc họp trong tuần trước. Li không nói rõ khung thời gian của giai đoạn này.

Thúc đẩy của chính phủ

Chính phủ của các quốc gia châu Á thường cung cấp hỗ trợ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau những đợt thiên tai, thảm họa thiên nhiên và điều này có thể làm giảm bớt áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng, S&P viết trong báo cáo hôm 19/2. Có thể sẽ mất nhiều năm để khôi phục các tiêu chuẩn trong ghi nhận nợ xấu và trong chất lượng các báo cáo tài chính, S&P cho biết thêm.

"Chúng ta có thể thấy nguy cơ các công ty có thể khai thác các tiêu chuẩn được nới lỏng này để rút tiền trả nợ trong nhiều năm", chuyên gia Ryan Tsang của S&P nói và dẫn ví dụ của Nhật Bản và Đài Loan sau các thiên tai.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng không rút hoặc cắt hoặc siết các khoản vay với các doanh nghiệp nhỏ trong khi cung cấp vốn hoạt động cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các nhà quản lý cũng cho phép các ngân hàng nâng cao mức độ chịu đựng với các khoản nợ xấu.

Sự ủng hộ của chính phủ và niềm lạc quan ngày càng tăng về khả năng phục hồi vào cuối năm được phản ánh trên cổ phiếu của ngân hàng Trung Quốc. Chỉ số tài chính CSI của các ngân hàng và nhà bảo hiểm ở Thượng Hải đã tăng 7% từ mức thấp nhất ngày 3/2, thu hồi được một nửa khoản lỗ trong năm.

Virus corona tấn công các khoản nợ, khủng hoảng cho các ngân hàng châu Á mới chỉ bắt đầu  - Ảnh 3.

Chỉ số tài chính CSI 300. Các nhà cho vay Trung Quốc bắt đầu thu hồi các tổn thất vì virus. Đồ họa: Bloomberg

"Mục đích chính ở đây là cung cấp cho các tập đoàn bị ảnh hưởng một khoảng thời gian ưu đãi để trở lại hoạt động bình thường và tránh các tác động lan tỏa đến nền kinh tế rộng lớn hơn và chúng ta tin rằng sẽ không có sự gia tăng nhanh chóng về nợ xấu", Judy Zhang, nhà phân tích của Citigroup, viết.

Trong khi đó, các ngân hàng ngoài Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong ngắn hạn khi số lượng ca nhiễm virus ngày một tăng trong khu vực, làm cắt giảm mọi chi tiêu từ mua sắm, ăn uống đến du lịch.

"Triển vọng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ yếu kém hơn trước. Chúng ta cần cảnh giác trước tác động của căng thẳng thương mại đang tiếp diễn, các rủi ro địa chính trị và dịch bệnh Covid-19 lên các doanh nghiệp và khách hàng của chúng ta", CEO Samuel Tsien của OCBC dự báo.

Tham khảo Bloomberg

Virus corona tấn công các khoản nợ, khủng hoảng cho các ngân hàng châu Á mới chỉ bắt đầu  - Ảnh 4.

Vũ Hà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên