Virus SARS-CoV-2 thường “dính” vào đâu ở môi trường xung quanh người nhiễm bệnh?
Chủng coronavirus mới SARS-CoV-2 đã làm bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Nhiều câu hỏi về con virus này được cộng đồng quan tâm trong đó có mức độ "ô nhiễm virus" ở môi trường xung quanh...
- 06-03-2020Nhắc nhở quan trọng trong mùa dễ nhiễm virus, vi khuẩn: 5 vật nhỏ xung quanh bạn dễ bị nhiễm nhất
- 11-03-2020Bác sĩ Bệnh viện E giải đáp thắc mắc cho nhiều bố mẹ: Phải làm gì khi trẻ không chịu đeo khẩu trang khi dịch COVID-19 vẫn chưa dứt hẳn?
- 06-03-2020Bác sĩ nói gì về "đi chung máy bay với người nhiễm Covid - 19"?
Để góp phần trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu tại Singapore đã tiến hành khảo sát "dấu tích" virus SARS-CoV-2 ở không gian quanh bệnh nhân đang được cách ly trong bệnh viện. Chúng tôi xin giới thiệu tóm lược kết quả đã được công bố trên tạp chí uy tín Journal of American Medical Association (JAMA).
Cuộc thử nghiệm nhỏ nhưng thú vị
Trong nghiên cứu này, 3 bệnh nhân được đánh số là bệnh nhân A, B, C. Nhóm nghiên cứu sử dụng tăm bông vô trùng đã được làm ẩm trước để lấy các mẫu từ môi trường xung quanh bệnh nhân như bề mặt bàn, ghế, bồn rửa tay, bồn vệ sinh... và bề mặt đồ bảo hộ cá nhân của nhân viên y tế phụ trách. Các mẫu không khí trong và ngoài phòng cách ly thì dùng các bơm và màng lọc chuyên dụng để lấy mẫu, trong vòng 2 ngày.
Nhóm nghiên cứu lấy mẫu mang đi xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để xem có virus SARS-CoV-2 hay không, với các lưu ý như sau:
Phòng của bệnh nhân A và B: Các mẫu được lấy sau khi vệ sinh phòng.
Phòng của bệnh nhân C: Các mẫu được lấy trước khi vệ sinh phòng.
Kết quả DƯƠNG TÍNH có nghĩa là thấy chất liệu di truyền của virus (một phần trong cấu trúc virus). ÂM TÍNH nghĩa là không tìm thấy chúng bằng xét nghiệm này.
Khảo sát này đã cho thấy một số kết quả thú vị.
1. Bệnh nhân A có triệu chứng trong ngày thu thập mẫu (ngày 4 và ngày 10): Tất cả các mẫu đều cho kết quả ÂM TÍNH.
2. Bệnh nhân B có triệu chứng vào ngày 8 và hết triệu chứng vào ngày 11: Các mẫu thu thập trong hai ngày này đều cho kết quả ÂM TÍNH.
3. Riêng bệnh nhân C có triệu chứng hô hấp (không bị viêm phổi): Kết quả DƯƠNG TÍNH ở 13/15 (87%) mẫu lấy trong phòng cách ly, 3/5 (60%) mẫu lấy trong toilet, mà cụ thể là ở tay nắm cửa, bồn rửa tay và bồn cầu.
Một phát hiện khác là bệnh nhân C dù không bị tiêu chảy nhưng có 2 mẫu phân dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu tăm bông lấy ở vị trí quạt thông khí cho kết quả dương tính, gợi ý rằng các giọt nhỏ chứa virus có thể di chuyển trong không khí. Tuy nhiên, tất cả các mẫu không khí đều cho thấy kết quả ÂM TÍNH.
Vị trí lấy mẫu được đánh số như trong hình dưới đây, và kết quả như sau:
- Vòng màu đỏ: nơi có kết quả dương tính mạnh.
- Vòng màu vàng: nơi dương tính nhẹ.
- Vòng màu xanh: kết quả âm tính.
- Ô chữ nhật nhỏ viền xanh ghi chữ là vị trí lấy mẫu không khí trong phòng (A C), phòng ngoài (D), và hành lang chung (E).
Hình 1. Vị trí lấy mẫu và những nơi Dương tính ở bệnh nhân C.
Nghiên cứu này có nhược điểm là chỉ thực hiện trên 3 người và xét nghiệm bằng RT-PCR chỉ giúp phát hiện có "vật chất di truyền", tức một phần của virus ở đấy, chứ không thể nói rằng virus còn sống hay độc lực mạnh bao nhiêu.
Dù vậy, nó góp phần gợi ý rằng virus CÓ THỂ dính trên những bề mặt và dụng xung quanh bệnh nhân, nhưng sẽ biến mất sạch sau khi lau dọn vệ sinh phòng (bằng natri dichloroisocyanurat).
Các mẫu xét nghiệm không khí cho thấy kết quả âm tính là một thông tin có thể giúp nhiều người yên tâm rằng không khí không phải là đường truyền chủ lực.
Các mẫu dương tính trong toilet gợi ý rằng virus có thể lây qua phân như một khảo sát trước đó.
Áp dụng nghiên cứu vào đời sống: Hữu chiêu sẽ thắng Vô chiêu!
Những kết quả nói trên chỉ ra rằng con đường lây truyền chính của SARS-CoV-2 là qua tiếp xúc và giọt bắn, và tái khẳng định rằng việc phòng dịch bằng rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách và đúng thời điểm là rất quan trọng.
Đặc biệt hữu ích cho bạn khi làm 2 bài test dưới đây
Cần lưu ý tới các bề mặt có thể dính mầm bệnh để tránh xa hoặc làm sạch định kỳ và tuyệt đối không chùi quẹt tay lên mắt, mũi, miệng của mình và người thân.
Xin điểm lại các khuyến cáo y khoa về việc rửa tay thường xuyên trong ngày bằng xà phòng, nhất là ở những thời điểm dễ dơ tay như sau:
◊ Sau khi ho/hắt xì hoặc hỉ mũi.
◊ Sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi thay tã.
Nếu có triệu chứng thì việc rửa tay trước khi vào phòng vệ sinh có thể tốt hơn (gợi ý chưa kiểm chứng, từ nghiên cứu trên).
◊ Sau khi chơi ở ngoài trời hoặc các khu vui chơi;
◊ Trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, và trước khi ăn.
◊ Trước khi chạm vào mắt, mũi, hoặc miệng của mình hoặc người thân.
Các thời điểm nên rửa tay theo khuyến cáo.
Một tin thú vị hữu ích là việc rửa tay thường xuyên còn giúp phòng được nhiều bệnh khác. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa tay có thể giúp:
◊ Giảm 23%-40 % số người mắc bệnh tiêu chảy.
◊ Giảm 58% bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu.
◊ Giảm 16%-21% các bệnh về đường hô hấp.
◊ Giảm 29%-57% tỷ lệ trẻ em phải nghỉ học do các bệnh về đường tiêu hóa.
◊ Rửa tay còn có thể làm giảm tỷ lệ kháng kháng sinh.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi việc đụng chạm đến các vật dụng công cộng, nhưng hãy nhớ rằng việc tăng Ý THỨC vệ sinh sẽ giúp bản thân và toàn cộng đồng phòng bệnh.
Những độc giả biết truyện kiếm hiệp của Kim Dung có thể nhớ khẩu quyết "Vô chiêu thắng hữu chiêu" của Trương Vô Kỵ nhưng trong mùa Corona này, chắc chắn Hữu chiêu sẽ thắng Vô chiêu. Người viết bài tin rằng có ý thức về việc đang làm, ý thức thời điểm rửa tay hợp lý sẽ giúp chúng ta ứng phó tốt với dịch bệnh.
Nhật Bản giảm 60% số ca mắc cúm mùa một phần nhờ tăng cường rửa tay
>>> Xem thêm về diễn biến bệnh dịch Covid-19 tại Việt Nam tại đây.
Tại Nhật Bản, một phần nhờ tăng cường ý thức rửa tay phòng dịch mà số ca nhiễm cúm mùa/influenza năm nay đã giảm tới 60%, từ gần 130.000 ca cùng kỳ năm ngoái xuống gần 45.000 ca năm nay.
Thói quen dọn dẹp cũng có thể giúp ích trong mùa Corona này. Hãy làm sạch bề mặt các vật dụng hàng ngày. Điện thoại di động là nơi dễ bị nhiễm khuẩn nhưng còn ít được chú ý. Hãy "chăm sóc" điện thoại mỗi ngày bằng khăn lau có cồn.
Ngoài ra, cần lưu tâm tới những vật dụng công cộng vì không chắc ai đã chạm vào trước đó. Chúng có thể bao gồm vòi nước, tay nắm cửa, chỗ bấm dội toilet, ghế trên xe bus, tay vịn cầu thang/xe bus, nút bấm máy ATM, xe đẩy, giỏ đựng trong siêu thị, bàn phím và chuột của máy tính dùng chung…
Do vòi rửa tay tự động ngắt bằng cảm ứng còn xa xỉ ở nhiều nơi, hãy dùng xà phòng rửa luôn phần vòi nước, giúp tay bạn sạch sẽ sau khi khóa vòi và cũng giúp những người sử dụng sau đó có vòi nước sạch.
TS.BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa Ung thư, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản)
Tài liệu tham khảo
Ong SWX, Tan YK, Chia PY, et al. Air, Surface Environmental, and Personal Protective Equipment Contamination by Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2 (SARS-CoV-2) From a Symptomatic Patient. JAMA. Published online March 4, 2020. doi:10.1001/jama.2020.3227
https://mainichi.jp/english/articles/20200220/p2g/00m/0fe/104000c?fbclid=IwAR1yYJ-WmMQn245ce-HbP5UeUHfCJyHYXnR2ESiRod2YmcROYP8ep3nRVH4
https://yhoccongdong.com/thongtin/ve-sinh-tay-dung-cach/#Loi-ich-cua-viec-rua-tay
Tổ quốc