VKS đề nghị tuyên Trần Phương Bình bồi thường 3.568 tỷ đồng, xem xét trách nhiệm nhiều bên liên quan
Viện KSND cũng kiến nghị điều tra, làm rõ vai trò của các cá nhân thuộc NHNN, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, 2 Công ty kiểm toán có trách nhiệm liên quan trong việc chấp hành quy trình, quy định pháp luật trong công tác dẫn đến việc bị cáo Bình phạm tội.
- 07-12-2018VKS đề nghị giảm nhẹ án cho Vũ "nhôm" còn 15-17 năm tù vì đã khắc phục hậu quả hơn 200 tỷ
- 07-12-2018Cựu Tổng giám đốc DongABank bị đề nghị mức án tù chung thân
Hơn 5.600 tỷ đồng không thể thu hồi!
Sáng 7/12, sau 2 ngày tạm dừng xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank, DAB) với số tiền trên 3.608 tỷ đồng, chính thức bước sang phần luận tội của Viện KSND.
Trước đó, theo tài liệu điều tra, ngày 23/7/2015, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN có kết luận thanh tra sai phạm tại DAB, ghi nhận: Tổng dư nợ 20.233 tỷ đồng, trong đó 123 khách hàng có dư nợ 19.644 tỷ đồng, tập trung chủ yếu 9 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan với tổng dư nợ 19.414 tỷ đồng; đặc biệt có 7.960 tỷ đồng nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỷ đồng nợ không có khả năng thu hồi (chủ yếu cho vay tín chấp).
DAB thành lập năm 1992, đến nay đã 39 lần thay đổi giấy CNĐKKD. Hiện Ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng với 100% cổ đông trong nước. Cổ đông sáng lập (13,21%), cổ đông thường chiếm (86,79%). Trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình (10,24%), nhóm CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ (7,7%), nhóm CTCP xây dựng Bắc Nam 79 (12,73%), Văn phòng Thành ủy Tp.HCM (12,79%). DAB có 1 Hội sở chính, 1 Sở giao dịch tại Tp.HCM, 55 chi nhánh, 224 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm. Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Trần Phương Bình từ ngày 25/3/1998 đến 20/8/2015.
Đến ngày 13/8/2015, NHNN quyết định kiểm soát đặc biệt DAB. Trong các ngày 21-22/8/2015, DAB tiến hành kiểm tra kho quỹ trên toàn hệ thống, xác định: Kho quỹ Hội sở thiếu hụt 2.089,09 tỷ đồng và 62.155 lượng vàng; kho quỹ Sở giao dịch thiếu hụt 416,7 tỷ đồng.
Ngày 9/12/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra. Đến nay xác định Trần Phương Bình là đối tượng chính đã thực hiện các hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái luật trong quá trình chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, tín dụng, đầu tư… tại DAB; chỉ đạo các nhân viên và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB tổng số trên 3.608 tỷ đồng.
Ngoài ra Bình và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác gây thiệt hại cho DAB. Các hành vi này Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.
Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Đề nghị áp dụng hình phạt cao nhất với bị cáo Bình trên vai trò chủ mưu
Tại toà, bị cáo Bình khai báo biết ngân hàng thua lỗ nhưng không có phương án khắc phục, đã chỉ đạo nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm theo mình.
Khi luận tội, trước hết về trách nhiệm hình sự, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên án: bị cáo Bình tù chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt là chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DAB), giúp sức tích cực, biết rõ thua lỗ nhưng khi bị cáo Bình đưa ra chủ trương trái pháp luật, vẫn cố tiếp tay. Vì vậy viện KSND đề nghị 25 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", 18-20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp 30 năm tù.
Đối với các bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB), Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đức Tài và Đỗ Thanh Hùng giúp sức tích cực nên bị đề nghị từ 16-18 năm tù.
Đối với những bị cáo ngoài DAB, gồm: Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm, nguyên Chủ tịch HĐQT Xây dựng Bắc Nam 79), xét về tính chất hành vi, hậu quả, Vũ Nhôm phải chịu tới mức án tới chung thân. Tuy nhiên Vũ Nhôm đã tác động gia đình khắc phục được 203 tỷ đồng (vốn 200 tỷ, lãi 3 tỷ) và cũng hứa trả 13,4 triệu USD nên đại diện VKSND đề nghị phạt từ 15-17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", tổng hợp với bản án của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên trước đó 8 năm tù thì mức phạt cuối cùng là 23-25 năm tù.
VKS đề nghị giảm nhẹ án cho Vũ Nhôm còn 15-17 năm tù vì đã khắc phục hậu quả hơn 200 tỷ.
Bị cáo Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc CTCP Lương thực Nam Định) bị đề nghị từ 10-12 năm về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản";
Các bị cáo phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Trần Thế Hùng, Lê Kiên Giang, Nguyễn Thị Ái Lan từ 10-12 năm; Nguyễn Đỗ Thành Trung và Nguyễn Thị Kim Loan từ 7-8 năm tù; Nguyễn Hồng Ánh từ 5-6 năm; Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB), Vũ Thị Thanh Hoa, Trang Tài Tâm, Nguyễn Hồ Bảo Quốc, Phan Thị Tố Loan và Nguyễn Vinh Sơn cùng bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù.
Riêng bị cáo Loan và Sơn còn bị xử thêm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với mức đề nghị là 2-3 năm tù;
Các bị cáo được đề nghị hưởng án tù treo, gồm: Nguyễn Thị Cúc 30-36 tháng; Quách Thành Sang, Trương Hoàng Khải, Võ Hoàng Đông và Trương Quốc Tân từ 24-36 tháng.
Liên đới khắc phục hậu quả
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Bình phải bồi thường số tiền 3.568 tỷ đồng; bị cáo Xuyến liên đới bồi thường 1.574 tỷ đồng với bị cáo Bình. Các bị cáo Vũ Nhôm phải trả 13,4 triệu USD, bị cáo Phước trả lại trên 9,2 tỷ đồng, bị cáo Ánh trả trên 53 tỷ đồng và phải trả lãi phát sinh cho DAB.
Cùng với đó, tiến hành tịch thu tất cả các tài sản của bị cáo Bình và các bị cáo khác đứng tên giúp nhưng đang bị kê biên; thu hồi các khoản tiền được xác định là vật chứng trong vụ án.
Cần tiếp tục xem xét trách nhiệm các bên liên quan!
Trả lời HĐXX trước đó, đại diện NHNN cho rằng do các bị cáo dùng thủ đoạn tinh vi nên mặc dù kiểm tra nhiều lần, NHNN vẫn không phát hiện sai phạm. Đáp lại vị này, chủ tọa cho biết nếu để ý dòng tiền luân chuyển là có thể phát hiện ra vấn đề.
Đại diện NHNN cũng khẳng định cơ quan thanh tra đã làm tròn trách nhiệm, đúng với quy định của mình.
Ngoài ra, đại diện VKSND cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra, làm rõ đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gồm: Bà Võ Thị Kim Anh (nguyên Kế toán trưởng DAB) vì vào năm 2009 bà Anh phát hiện tình trạng âm quỹ tiền, vàng. Ông Trần Huy Nam (Giám đốc DAB chi nhánh tỉnh Nam Định) là người đàm phán, ký kết thỏa thuận với Phạm Văn Phước để mua miếng đất của CTCP Lương thực Nam Định, để Phước chiếm đoạt trên 9,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, Viện KSND có kiến nghị điều tra, làm rõ vai trò của các cá nhân thuộc NHNN, Cơ quan TTGS NHNN, 2 Công ty kiểm toán (Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học; Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam) có trách nhiệm liên quan trong việc chấp hành quy trình, quy định pháp luật trong công tác dẫn đến bị cáo Bình phạm tội.
Trong đó, đối với NHNN chấp nhận cho DAB tăng vốn điều lệ nhiều lần trong nhiều năm để từ đó bị cáo Bình có cơ hội chiếm đoạt trên 1.160 tỷ đồng mua trên 74,2 triệu cổ phần của DAB đứng tên mình và người thân. Đối với Cơ quan TTGS NHNN dù đã kiểm tra, thanh tra tới 13 lần, nhưng không phát hiện âm quỹ tiền, vàng, để bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới thu, chi, hạch toán khống để chiếm đoạt và gây thiệt hại trên 3.608 tỷ đồng.
Đối với 2 Công ty Kiểm toán độc lập từ năm 2005-2014 thực hiện kiểm toán DAB với nội dung kiểm toán: Báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán), báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh... nhưng vẫn không phát hiện sai phạm tại DAB.
Ghi nhận từ đại diện Viện KSND Tp.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, TAND Tp.HCM đã đưa ra xét xử 19 vụ án với 184 bị cáo thuộc các ngân hàng.