VKSND Đồng Nai phải bồi thường oan hơn 350 triệu
Người bị làm oan đòi bồi thường gần 2 tỉ đồng cho nhiều khoản nhưng tòa chỉ chấp nhận 356 triệu đồng.
Sáng 29-6, TAND huyện Xuân Lộc, Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm vụ ông Nguyễn Trần (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) kiện đòi VKSND tỉnh Đồng Nai bồi thường vì truy tố, bắt giam oan ông hơn 600 ngày.
Tâm thần do bị nhục hình?
Trước đó, cuối năm 2017, VKSND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Trần nhưng không thỏa thuận được mức bồi thường. Vì thế ông Trần khởi kiện ra TAND huyện Xuân Lộc , yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai phải bồi thường gần 2 tỉ đồng cho 641 ngày bị tù oan. Theo ông Trần, số tiền này gồm bồi thường về tổn hại sức khỏe do ông bị đánh đập lúc tạm giam, bồi thường đất bỏ hoang hóa, cây cối, nhà cửa và tổn thất về tinh thần….
TAND huyện đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định năng lực hành vi dân sự của ông Trần. Sau đó Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 có kết luận: “Đương sự tiếp xúc được, tư duy nhịp chậm, có những mảng hồi ức khi nhắc đến chuyện xưa bị nhục hình, cảm xúc vẻ bồn chồn, lo lắng, sợ hãi”. Theo đó, về y học, trước khi bị bắt ông Trần không có bệnh về tâm thần. Sau khi gây án và hiện tại ông Trần bị bệnh rối loạn stress sau sang chấn. Hiện tại ông Trần không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Tại phiên tòa, đại diện phía bị đơn là VKSND tỉnh Đồng Nai chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại tiền nhân công trong 641 ngày bị bắt giam oan là 160 triệu đồng. Ngoài ra là tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 119 triệu đồng và tiền thiệt hại về tài sản trong thời gian tại ngoại là 48 triệu đồng và 2 triệu đồng chi phí giám định tâm thần. Tổng số tiền bồi thường mà VKS tỉnh đưa ra gần 330 triệu đồng.
Theo VKS tỉnh, việc ông Trần nói bị bệnh thần kinh là do bị bức cung, dùng nhục hình là không có cơ sở vì không có chứng cứ nào chứng minh. “Sự việc ông Trần bị bắt giam đến nay đã 10 năm rồi. Bây giờ cho rằng công an đánh đập ông Trần có gì bằng chứng hay không, có chứng minh nhân quả trong việc đánh đập dẫn đến bị bệnh thần kinh?” - đại diện VKS nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Trần sau khi được thừa nhận bị làm oan. Ảnh: VH
Khi đại diện của ông Trần yêu cầu VKS phải bồi thường tiền nhờ người chăm sóc con nhỏ vì khi ông bị bắt giam vợ ông chết, con nhỏ phải gửi người nuôi và tiền thăm nuôi, tiền thuốc điều trị bệnh.... Ngoài ra, ông Trần bị bắt giam gần hai năm không chăm sóc được cây trái, vườn ruộng nên VKS phải bồi thường số tiền này.
Đáp lại, phía VKS tỉnh cho rằng những yêu cầu trên không có giấy tờ chứng minh cụ thể nên không chấp nhận. Qua kiểm tra thực tế thì vườn xoài không còn và ruộng lúa thì xa mương nước nên việc canh tác trồng lúa là không có.
Vị đại diện nói: “Lời khai của người làm chứng không phải là chứng cứ để xác định, chỉ mang tính tham khảo cho việc xem xét đề nghị. Chúng tôi đã tính giá bồi thường tiền nhân công là 250.000 đồng/ngày thì sẽ không bồi thường thiệt hại về trồng lúa nữa vì không thể vừa đi làm thuê vừa trồng lúa được”.
Phải bồi thường hơn 350 triệu
Tại tòa, đại diện VKSND huyện Xuân Lộc cho rằng phía ông Trần đưa ra những yêu cầu đòi bồi thường nhưng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh thì không có cơ sở để xem xét. Phía bị đơn đồng ý số tiền bồi thường theo quy định của pháp luật thì có cơ sở chấp nhận.
HĐXX nhận định những khoản bồi thường thiệt hại về tài sản nhà cửa, hoa màu, bệnh tật là không có căn cứ. Nguyên đơn yêu cầu bồi thường tiền chăm sóc con, chi phí khám chữa bệnh nhưng không có giấy tờ gì chứng minh. Vì vậy những yêu cầu trên của nguyên đơn là không có cơ sở xem xét.
Về việc ông Trần cho rằng bị đánh đập nên dẫn tới bị bệnh tâm thần, HĐXX kết luận không có căn cứ để chứng minh. Vì ông Trần bị bắt oan từ năm 2007 sau đó được thả nhưng đến năm 2017 mới có kết luận pháp y xác định ông bị bệnh tâm thần. Cạnh đó, ông Trần không có chứng cứ nào chứng minh cho việc bị đánh dẫn đến tâm thần. Từ đó HĐXX không chấp nhận yêu cầu tiền bồi thường chi phí khám chữa bệnh của nguyên đơn.
Việc yêu cầu bồi thường tiền nhân công trong hơn 600 ngày bị bắt oan, tổn thất tinh thần và thiệt hại hơn 50 cây điều với tổng số tiền gần 330 triệu đồng được thống nhất giữa nguyên đơn và bị đơn, tòa ghi nhận. HĐXX cũng chấp nhận yêu cầu phía VKS tỉnh phải bồi thường cho ông Trần 26 triệu đồng tiền thiệt hại về việc canh tác lúa.
Tổng số tiền mà VKSND tỉnh Đồng Nai phải bồi thường cho ông Trần là 356 triệu đồng.
Gần 10 năm mới được minh oan
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, năm 2005 ông Trần bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc đã giao cấu với bé gái 12 tuổi làm bé có thai. Cuối năm 2006 TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm nhưng trả hồ sơ vì nhiều tình tiết chưa rõ, ông Trần kêu oan, tố bị bức cung, dùng nhục hình.
Tháng 1-2007, kết quả giám định ADN của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khẳng định ông Trần không phải là cha của đứa trẻ mà bé gái 12 tuổi mang thai. Năm 2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đình chỉ điều tra với ông Trần với lý do: "Hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội". Nhưng khi ông Trần đòi bồi thường oan thì VKS tỉnh từ chối.
Giữa năm 2015 Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phân tích theo hướng khẳng định ông Trần phải được bồi thường oan. Từ thông tin trên báo, VKSND Tối cao và HĐND tỉnh Đồng Nai yêu cầu VKS tỉnh xem xét lại vụ việc. Sau đó ông Trần được thừa nhận là bị làm oan.
Pháp luật TPHCM