VN-Index bất ngờ bị "đánh úp" giảm 21 điểm cuối phiên với thanh khoản tăng vọt lên cao nhất trong 7 tháng, điều gì đang diễn ra?
Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt trên 31.500 tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD), thiết lập mức cao nhất trong gần 7 tháng qua, chỉ sau phiên "bốc hơi" 55 điểm vào 18/8/2023.
Sau chuỗi tăng miệt mài để "công phá" mức đỉnh cao nhất trong 18 tháng, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần.
VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên 8/3 với mức giảm 21,11 điểm (1,66%) xuống 1.247 điểm, mức giảm trong ngày mạnh kỷ lục kể từ phiên 23/11/2023. Sắc đỏ bao trùm thị trường với 660 cổ phiếu giảm giá, nhiều gấp đôi so với mã tăng điểm.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường cũng tăng đột biến với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,3 tỷ cổ phiếu. Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt trên 31.500 tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD), thiết lập mức cao nhất trong gần 7 tháng qua, chỉ sau phiên "bốc hơi" 55 điểm vào 18/8/2023.
Thực tế, đà lao dốc của thị trường phiên hôm nay củng cố thêm xu hướng giảm điểm của VN-Index trong ngày 8/3 trong quá khứ. Thống kê biến động thị trường trong các phiên 8/3 cho thấy, VN-Index có đến 14 lần giảm điểm vào các dịp 8/3 trong 23 năm đã qua (tương đương xác suất hơn 60%), trong khi chỉ có 8 lần tăng điểm.
Phiên lao dốc mạnh hôm nay cùng với thanh khoản kỷ lục cho thấy thị trường đang có hiện tượng chốt lời mạnh vì cổ phiếu đã trải qua nhịp tăng rất dài.
Bàn về phiên giảm mạnh này, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng trong những nguyên nhân dẫn đến nhịp điều chỉnh của thị trường đơn giản là do thị trường cũng đã trải qua một chuỗi tăng dài từ đầu tháng 11 năm ngoái, rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh hàng chục % và trong trạng thái quá mua.
Thực tế là thị trường đã có tín hiệu phân phối từ khoảng 2 tuần trước với thanh khoản đột biến. Nhịp kéo rướn 2 tuần qua tập trung chủ yếu ở các trụ và dần có tín hiệu suy yếu. Thêm vào đó, ngưỡng kháng cự 1.280-1.300 là vùng kháng cự mạnh nên việc điều chỉnh hiện tại là tương đối bình thường. Mặc dù thị trường vẫn có cơ hội vượt qua vùng kháng cự này trong năm 2024 nhưng chưa phải là câu chuyện của nửa đầu năm.
Thời gian qua, thị trường ngập tràn tin tốt và ông Huy cho rằng đó là đặc điểm chung của vận động những quãng thời gian hưng phấn. Khi thị trường điều chỉnh, ngay lập tức nhiều tin xấu lại xuất hiện.
Với phiên giảm mạnh cùng thanh khoản tăng cao, chuyên gia DSC cho rằng phiên giao dịch hôm nay mang nhiều tín hiệu phân phối rõ ràng. Điển hình là nhóm ngân hàng - nhóm dẫn sóng thị trường thời gian qua đã có dấu hiệu phân phối trong ngắn hạn.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng sau phiên hôm nay thị trường cần có quãng nghỉ và tích lũy cần thiết trong khoảng 1-2 tháng. Ngưỡng hỗ trợ mạnh hiện tại quanh 1.200 điểm. Với dự báo thị trường cần tích lũy, nhà đầu tư ngắn hạn cần quan sát thêm chứ không cần quá vội vàng ở thời điểm hiện tại.