VN-Index bật tăng dù dòng tiền thận trọng
Chứng khoán trong nước phục hồi nhẹ trở lại trong phiên hôm nay (18/6). Tuy nhiên, dòng tiền tiếp tục thận trọng. Cổ phiếu nhỏ, vừa, một số mã có câu chuyện riêng “khỏe” hơn đáng kể so với thị trường chung.
Dù không thể toàn thành quả hồi phục trong phiên chiều, nhưng VN-Index đóng cửa vẫn tăng gần 5 điểm. Thị trường giao dịch tích cực hơn sau 2 phiên điều chỉnh vừa qua. Dù vậy, thanh khoản thấp, khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng vẫn là những điểm trừ.
Vận động tích cực của VN-Index chưa thuyết phục được dòng tiền, nhà đầu tư có nhiều lý do để cẩn trọng, đặc biệt trước phiên đáo hạn phái sinh 20/6 tới. Nhóm dẫn dắt thị trường vắng các mã trụ cột, vốn hóa lớn.
DGC của Hóa chất Đức Giang tăng trần với thanh khoản đột biến 1.730 tỷ đồng. Thị giá lên mức đỉnh lịch sử 130.000 đồng, trở thành đầu kéo mạnh nhất cho VN-Index. Dù vậy, đóng góp của cổ phiếu này chưa tới 1 điểm. 10 mã tích cực nhất hôm nay mang về chưa đầy 4 điểm, lần lượt cổ phiếu theo sau là HVN, GVR, POW, PLX, GAS…
Cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành điện là POW của PV Power tăng trần. Chỉ sau 2 tháng, cổ phiếu này đã tăng giá 40%, đạt mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây 14.850 đồng/đơn vị.
Thời gian qua, nhiều thông tin hỗ trợ cho đà tăng của POW, với tiến độ dự án Nhơn Trạch 3&4, hay việc bảo hiểm chấp thuận bồi thường bảo hiểm tổn thất vật chất và gián đoạn kinh doanh liên quan đến sự cố tại Tổ máy số 1 nhà máy điện Vũng Áng 1 với tổng tiền bồi thường khoảng 1.000 tỷ đồng.
Một số mã ngành điện ngập trong sắc xanh, như BCG, LCG, ASM, GEG, REE…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm ngân hàng , hay các mã công nghệ chủ lực mất vai trò dẫn dắt. CTG, VPB, MSB… giảm giá. FPT cũng điều chỉnh trong bối cảnh khối ngoại chưa dứt đà bán ròng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,73 điểm (0,37%) lên 1.279,5 điểm. HNX -Index tăng 1,27 điểm (0,52%) lên 244,43 điểm. UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (0,22%) lên 98,31 điểm.
Thanh khoản tiếp tục sụt giảm với giá trị khớp lệnh HoSE chưa đầy 17.500 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 537 tỷ đồng, tiếp tục tập trung vào FPT. VPB, DGC, VNM… lần lượt theo sau.
Tiền Phong