VN-Index chẳng hiếm lần rơi sốc trong quá khứ, vì sao cú giảm này lại đau đến thế?
VN-Index từng nhiều lần rơi sốc hơn trong quá khứ
Trong lịch sử, VN-Index đã từng 19 lần giảm trên 6% và chỉ trong hơn 2 năm Covid xuất hiện chỉ số này cũng đã nhiều lần rơi sốc. Tuy nhiên, mức độ sát thương trong lần giảm sâu này lại có phần nghiêm trọng hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên biến động dữ dội khi có đến 238 mã nằm sàn. VN-Index có lúc đã mất đến 81 điểm và thủng mốc 1.300 trước khi hồi lại đôi chút vào cuối phiên và đóng cửa với mức giảm 68,31 điểm (-4,95%). Đây là mức giảm sâu nhất của VN-Index kể từ phiên 28/1/2021 (tính theo giá trị tuyệt đối) khi đó chỉ số này bay hơn 73 điểm (-6,67%).
Thực tế trong hơn 22 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã từng không ít lần chao đảo bởi làn sóng bán tháo, thậm chí mức giảm của VN-Index còn mạnh hơn phiên hôm nay.
Theo thống kê đến hiện tại, VN-Index đã có 19 lần giảm trên 6% trong đó phần lớn đều rơi vào năm 2001 khi thị trường mới ở giai đoạn sơ khai, chưa hoàn thiện. 3 lần còn lại đều đến từ sau khi Covid-19 xuất hiện trong đó có 2 lần vào tháng 3/2020 khi VN-Index đang dò đáy. Lần gần nhất chính là phiên 28/1/2021 nói trên cũng là thời điểm thị trường đón nhận thông tin về làn sóng Covid thứ 3.
19 lần giảm trên 6% của VN-Index trong quá khứ
Nếu tính đến những lần VN-Index giảm trên 5% thì nhà đầu tư cũng đã ít nhất 3 lần trải qua vào các phiên 12/3/2020 (-5,19%), 27/7/2020 (-5,31%) và 19/1/2021 (-5,11%) chỉ trong hơn 2 năm kể từ khi Covid xuất hiện. Có thể thấy nhà đầu tư chứng khoán ngay cả với những F0 cũng không hề thiếu kinh nghiệm đối mặt với những đợt bán tháo trên thị trường. Thế nhưng mức độ "sát thương" lần này lại có phần nghiêm trọng hơn.
Phiên hôm nay nằm trong một chuỗi giảm điểm hiếm có trong lịch sử khi VN-Index gần như rơi một mạch 214 điểm (-14%) từ đỉnh và không có 1 nhịp nào hồi để nhà đầu tư "thở". Vốn hóa thị trường theo đó bị "thổi bay" gần 840.000 tỷ đồng (~36,5 tỷ USD) một cách chóng vánh chỉ trong đúng 3 tuần. Con số này thậm chí còn lớn hơn quy mô vốn hóa toàn thị trường vào năm 2012.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường trượt dốc không phanh đến từ cầu bắt đáy gần như mất hút. Trong những cú rơi gần đây, lực bắt đáy thường xuất hiện khá sớm chỉ 1-2 phiên khi VN-Index mất đâu đó khoảng trên dưới 100 điểm. Tuy nhiên lần này lại khác, dòng tiền gần như thờ ơ hoặc đang lo ngại một điều gì đó mà không nhập cuộc.
Có nhiều lý do được đưa ra như việc thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài khiến nhà đầu tư không "ham hố" giải ngân. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng trước cuộc họp của Fed diễn ra đầu tháng 5 cũng phần nào ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Và rất có thể nhà đầu tư cũng không biết nên "bắt" cổ phiếu nào bởi làn sóng bán tháo diễn ra khắp thị trường không chừa một nhóm cổ phiếu nào. Khi tâm lý nhà đầu tư chán nản đến cùng cực, nhiều chuyên gia đã lên tiếng trấn an cùng lời khuyên đã đến thời điểm "nhặt" cổ phiếu cơ bản tốt, tăng trưởng cao, thế nhưng kết quả thu về lại là "đồng thau lẫn lộn".
Doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần, lãi kỷ lục điển hình như nhóm hóa chất, phân bón, thủy sản, bán lẻ,... cổ phiếu vẫn nằm sàn la liệt. Nhóm phòng thủ như điện, nước, bảo hiểm,... cũng bị bán tháo. Từ Bluechips đến Midcap, Penny đều bị "xả" không thương tiếc. Nhà đầu tư lỡ đưa chân dò đáy trong những phiên vừa qua hầu như đều đã lỗ khi cổ phiếu còn chưa về tài khoản.