Vn-Index có lạc quan vì giá cả nhiều hàng hóa phục hồi nhẹ?
Giá của nhiều mặt hàng thiết yếu: dầu, thép, cao su, phân bón… đang tăng nhẹ khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp năm 2017 sẽ có nhiều cải thiện, đây là điều kiện hỗ trợ Vn-Index tăng điểm và tạo thanh khoản cho thị trường.
- 22-03-2017Thông tư 23 về chứng khoán phái sinh: NĐT không cần mở tài khoản ký quỹ riêng biệt
- 22-03-2017Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 22/3
- 20-03-2017Chứng khoán có thể tăng hai chữ số năm 2017, đạt đỉnh vào tháng 6 – tháng 8
Giá dầu khó phục hồi mạnh
Nhận định giá cả hàng hóa của một số mặt hàng thiết yếu của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho thấy VN-Index tuy còn chịu ảnh hưởng từ pha tích lũy ngắn hạn nhưng ở góc nhìn lớn hơn thì xu hướng tăng vẫn là chủ đạo dựa trên sự phục hồi của giá cả hàng hóa.
Theo MBKE, dự báo nhu cầu tăng nhẹ và cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và các quốc gia ngoài khối sẽ giúp giá dầu phục hồi.
Tuy nhiên, giá dầu khó phục hồi mạnh vì chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ thấp nên nguồn cung sẽ dễ dàng tăng cao nếu giá dầu phục hồi.
Các dự án khai thác dầu khí của PVN nhiều khả năng vẫn chưa đưa vào thực hiện trong năm nay do quá trình đàm phán kéo dài khi giá dầu diễn biến không thuận lợi. PVN cắt gảm kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn (upstream).
Cụ thể, PVN cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô xuống còn 14,2 triệu tấn dầu thô, giảm 17,4% so với 2016. Theo đó, tổng doanh thu tập đoàn còn 437,8 ngàn tỷ đồng, giảm 3,2% so với 2016.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sẽ IPO và niêm yết trên sàn. Petrolimex sẽ niêm yết trên sàn HSX trong tháng 4/2017. PV Power sẽ thực hiện IPO và niêm yết trong năm nay.
Giá quặng sắt lạc quan
Giá quặng sắt ghi nhận mức tăng rất mạnh mẽ xấp xỉ 100% trong gần cả năm 2016. Khác với năm 2016, giá nguyên liệu thép trong thời gian gần đây tăng nhanh và mạnh hơn. Xu hướng tăng giá đã trở lại và duy trì tốt trong suốt 2 tháng qua. Giá quặng sắt có thể sẽ kiểm tra lại vùng đỉnh trong tương lai gần (tương đương mức tăng thêm 10% tính từ hiện tại).
Điều này có thể làm gia tăng rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn, hoặc những biến động với biên độ lớn hơn có thể xảy ra đối với giá nguyên liệu trong 2017.
Áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn đang hiện hữu, do mức độ cắt giảm sản lượng thực tế vẫn chưa cao, cùng với đó là thép Trung Quốc đang chịu sức ép lớn tại các thị trường lớn, đặc biệt gần đây là Mỹ, khi liên tiếp bị áp các loại thuế chống bán phá giá trong thời gian qua.
Giá bán cải thiện còn đến từ 2 yếu tố khác là nhu cầu tiêu thụ tăng, và sự hỗ trợ từ các loại thuế tự vệ thương mại đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua.
Năm 2017, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) dự báo tăng trưởng ngành sẽ đạt khoảng 12%, mức này cũng được xem là khả thi cho các năm tới. Thị trường bất động sản hồi phục và sự phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng.
Triển vọng chung đối với giá thép thế giới nhìn chung vẫn đang khá lạc quan, chủ yếu đến từ việc kỳ vọng Trung Quốc (quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới) cắt giảm sản lượng, trước áp lực dư cung cũng như ô nhiễm môi trường.
Giá cao su khoảng 36 triệu đồng/tấn
Trong ngắn hạn, sau giai đoạn tăng mạnh, giá cao su đã điều chỉnh rất đáng kể từ vùng đỉnh (giảm hơn 20%). Cho đến hiện tại vẫn chưa có nhiều tín hiệu cho thấy pha điều chỉnh đã kết thúc.
Mặc dù xu hướng dài hạn là tăng nhưng trong ngắn hạn, giá cao su đang ở trong pha điều chỉnh ngắn hạn. Giá bán bình quân cả năm sẽ duy trì trên 36 triệu đồng/tấn.
Giá bán mủ cao su đang hồi phục do nguồn cung Thái Lan sụt giảm trong khi nhu cầu được dự báo tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2.031 USD/tấn, tăng 83% so với cùng kỳ 2016.
Giá RSS3, SMR20 hiện giao dịch khoảng 2.250 USD/tấn và 2.100 USD/tấn, lần lượt cao hơn 81% và 71% so với cùng kỳ 2016.
Với giả định sản lượng tiêu chỉ giảm nhẹ, sự hồi phục này của giá cao su sẽ góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cao su nói chung.
Giá đường ít biến động
Đường Việt Nam đang phải cạnh tranh từ Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới sau Brazil. Thuế nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch sẽ giảm mạnh xuống còn 5% từ các nước ASEAN năm 2018. Đường từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn đường trong nước và thường xuyên được nhập tiểu ngạch vào Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể. Chữ đường của mía chưa cao. Chưa có giải pháp để người nông dân chuyên tâm trồng mía. Các nhà máy đường chưa ổn định vùng nguyên liệu.
Giá đường dự báo tăng nhẹ trong niên vụ 2016-2017. Dự trữ đường thế giới xuống thấp do thời tiết không thuận lợi làm giảm sản lượng từ Thái Lan, Ấn Độ.
Nhu cầu trong nước ước duy trì ở mức 1,6 triệu tấn/năm. Theo cân đối cung cầu đường năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng đường dư vào cuối kỳ chỉ ở mức hơn 152.000 tấn.
Với cân đối cung cầu như trên, đại diện VSSA cho rằng, tình hình thị trường đường và cung cầu trong nước trong năm 2017 khó có biến động lớn.
Xu hướng M&A trong ngành đường dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Giá phân đạm ảnh hưởng từ Trung Quốc
Thị trường phân bón thế giới bước vào năm mới 2017 với nhiều biến động mạnh mẽ. Giá Urea tăng mạnh trên toàn thế giới, các nhà sản xuất dự báo tình hình sẽ tiếp tục tăng trong quý I/2017.
Các nhà máy ở Trung Quốc duy trì việc cắt giảm 50% sản lượng từ đầu năm 2017 dù thuế xuất khẩu phân bón của nước này đã được giảm cuối 2016 gây tác động đáng kể lên giá và nguồn cung cho Việt Nam.
Sản lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm tỷ trọng cao (hơn 40%) và giá phân bón Trung Quốc thường thấp hơn giá ở Việt Nam 10-15%.
Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900. 000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn.
Ngoài ra, còn có nhu cầu khoảng 400.000 – 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá.
Cuối 2016, hiệp hội phân bón Việt Nam và Bộ Công Thương đã có đề xuất để chính phủ điều chỉnh mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế VAT sang thuế suất 0%. Nếu được chấp thuận việc hạch toán của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ thay đổi thành được khấu trừ thuế VAT đầu vào thay vì phải ghi nhận vào chi phí như trước đây.
BizLIVE