VN-Index giảm mạnh 55 điểm, cơ hội cho nhà đầu tư "ôm tiền" đứng ngoài quan sát bấy lâu đã đến?
Thực tế, khi thị trường tăng vù vù, nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thường "ước" có nhịp chỉnh để tham gia.
Chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối tuần đầy sóng gió. Cú "rũ" của hàng loạt cổ phiếu trụ đã xoá sạch toàn bộ thành quả tăng điểm của chỉ số trong tháng 8, VN-Index giảm sâu hơn 55 điểm (tương đương 4,5%) để lùi về mốc 1.177 điểm. Đây là mức giảm về điểm số mạnh nhất trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 5/2022.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,6 tỷ cổ phiếu, thiết lập kỷ lục số cổ phiếu giao dịch trong một phiên trong suốt hơn 23 năm qua. Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 35.000 tỷ đồng (~gần 1,5 tỷ USD) trong phiên 18/8.
Thị trường đột ngột biến động mạnh khiến nhà đầu tư không khỏi choáng váng, bởi VN-Index vẫn miệt mài đi lên mà gần như không có bất cứ một nhịp điều chỉnh nào đáng kể trong suốt 3 tháng qua. Nhiều nhà đầu tư quay cuồng chốt lời để bảo toàn thành quả, nhiều người lại vội vã bán ra vì danh mục thua lỗ khi mua đuổi trong những nhịp tăng.
Thực tế, khi thị trường tăng vù vù, nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thường "ước" có nhịp chỉnh để tham gia. Vậy nhịp giảm sâu xuất hiện có phải cơ hội để nhà đầu tư tranh thủ giải ngân cho một chu kỳ mới?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng nhịp điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư trung và dài hạn gia tăng tỷ trọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn cần chờ đợi thị trường điều tiết và cân bằng trở lại.
Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán thời gian qua tăng quá nhanh với hàng loạt cổ phiếu tăng bằng lần, trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chưa cải thiện. Điều này khiến định giá của VN-Index không còn rẻ, thậm chí nếu loại bỏ ngành ngân hàng P/E thị trường đã chạm mức 21 lần - mức cao nhất trong 5 năm qua.
Định giá neo cao khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng, khi có thông tin kém tích cực thì VN-Index chịu áp lực bán là điều dễ hiểu. Đặc biệt, thị trường đã xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh khi lực bán áp đảo ngay cả trong những phiên tăng điểm trước đó. “Theo tôi, thị trường trong ngắn hạn cần có nhịp nghỉ ngơi để chờ đợi sự “thẩm thấu” của chính sách vào nền kinh tế”, ông Phan Dũng Khánh dự báo.
Về tầm nhìn trung và dài hạn, vị chuyên gia cho rằng xu hướng thị trường vẫn tích cực trước những chính sách tích cực và xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Đây sẽ là cơ hội giải ngân tốt cho những nhà đầu tư trung dài hạn đang “lỡ sóng” trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng nhịp điều chỉnh là cần thiết để thị trường đi lên bền vững hơn. Bởi khi yếu tố cơ bản không đuổi kịp đà tăng của chỉ số kéo định giá lên cao, nhà đầu tư có lãi chắc chắn đang tìm cơ hội để chốt lời.
Nhà đầu tư trên thị trường hiện đang phân vân giữa hai chiều hướng (1) tin rằng đây là nhịp điều chỉnh ngắn hạn và (2) nhịp giảm là xác nhận kết thúc nhịp tăng trong một chu kỳ. Trong ngắn hạn, Giám đốc Yuanta cho rằng chỉ số có thể tiếp tục xu hướng giảm, ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.120 – 1.160 điểm. Tuy nhiên đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn trong nhịp tăng dài, VN-Index vẫn sẽ tiếp tục đi lên trước những kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế trong thời gian tới.
“Hiện sức ép đầu tư đang rất lớn khi tiền rút khỏi chứng khoán cũng không biết đi đâu, bởi các kênh đầu tư khác vẫn đối diện nhiều khó khăn. Chứng khoán vẫn là “vùng trũng” để hút dòng tiền nên tiềm năng trong trung và dài hạn vẫn rất tốt. trong dài hạn, chứng khoán vẫn còn dư địa tăng. Bên cạnh đó, sự hồi phục của lợi nhuận doanh nghiệp đang theo mô hình chữ V đi lên và chứng khoán sẽ tiếp tục phản ánh điều đó” , ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư đứng ngoài thời gian qua “bắt nhịp” để giải ngân. Đối với những người đã chốt lời nên chờ thêm một vài nhịp chỉnh để gom những cổ phiếu đang có giá đã chiết khấu về vùng hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh và vẫn có sức bật tốt so với thị trường chung.
Nhịp sống thị trường