VN-Index giảm mạnh nhất 5 tháng với hàng trăm mã giảm sàn, vốn hóa HoSE mất gần 170.000 tỷ đồng
Tính chung trên toàn thị trường, có tới 183 mã giảm sàn, trong đó HoSE có 125 mã, HNX có 49 mã và UPCoM có 9 mã.
- 17-01-2022185 mã giảm sàn, VnIndex mất 43 điểm
Phiên giao dịch đầu tuần 17/1 diễn ra không mấy tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam khi áp lực bán kích hoạt rộng khắp toàn bộ các nhóm cổ phiếu khiến các chỉ số đồng loạt chìm sâu trong sắc đỏ.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 43,18 điểm (-2,89%) xuống mức thấp nhát phiên là 1.452,84 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua của TTCK kể từ phiên 20/8 khi VN-Index mất 45,42 điểm (-3,3%). Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường ở mức cao 37.320 tỷ đồng (sàn HoSE) cho thấy áp lực bán diễn ra rất mạnh.
Số mã giảm điểm trên sàn HoSE lên tới 446 mã, áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng vỏn vẹn 49 cổ phiếu. Riêng nhóm VN30, 29 cổ phiếu trong rổ này điều chỉnh giảm trong phiên hôm nay (đặc biệt SSI, VRE, GVR, KDH, POW giảm hết biên độ), duy nhất VCB giữ được sắc xanh với mức tăng 3,4% khi kết phiên. Tính chung trên toàn thị trường, có tới 183 mã giảm sàn, trong đó HoSE có 125 mã, HNX có 49 mã và UPCoM có 9 mã.
Như vậy, "hiệu ứng tháng Giêng" sau những thể hiện khá rõ ràng trong đầu tuần tiên của năm 2022 đã và đang dần bị lu mờ đi bởi hiệu ứng "bán lan". Trên thực tế, phiên thị trường "đỏ lửa" hôm nay vẫn thuộc chuỗi điều chỉnh mạnh của chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu từ tuần trước đó, sau khi dồn dập hai thông tin tiêu cực gồm huỷ lô 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm kéo theo tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn về thị trường bất động sản cũng như cổ phiếu của nhóm ngành này.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, penny, đầu cơ hay "họ FLC" giảm sàn liên tiếp nhiều phiên kèm theo hiện tượng mất thanh khoản đã khiến cho nhà đầu tư đã lỡ "đu đỉnh", bị "kẹp hàng" và không thể cắt lỗ. Từ đây, họ chuyển qua bán ra những mã cổ phiếu còn thanh khoản nhằm thu hồi vốn, kể cả những bluechips không có tin tức gì tiêu cực. Các chỉ số chính của thị trường theo đó mất đi hoàn toàn trụ đỡ khi những cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, năng lượng, bất động sản… giảm sâu.
Đồng thời, thị trường cũng chịu những tác động nhất định từ áp lực chốt lời để thu về thành quả của các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức khi thời điểm dịp Tết Âm lịch đã cận kề. Những nhịp chỉnh mạnh của thị trường thậm chí còn gợi nhắc lại cú giảm sâu như dịp cận Tết Nguyên Đán năm ngoái, càng làm cho nhà đầu tư thêm phần lo lắng bất an.
Ngoài ra, việc một số công ty chứng khoán cắt giảm margin đợt cuối năm ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Một số lo ngại về việc FED có thể sớm cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế trong năm 2022, hay sự xuất hiện của những biến thể COVID-19 mới ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế cũng ít nhiều tác động tới thị trường trong nước.
Phiên giảm điểm 17/1 đã "thổi bay" hơn 168.736 tỷ vốn hóa của sàn HoSE (khoảng 3,9 tỷ USD), giá trị còn lại khoảng 5.669.870 tỷ đồng. Trong số các mã giảm mạnh, VHM là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index khi khiến chỉ số này mất đi 3,34 điểm. Các cổ phiếu có "đóng góp" tiêu cực tiếp theo lần lượt là GVR (-2,42 điểm), VPB (-1,98 điểm), VIC (-1,79 điểm), HPG (-1,72 điểm)…
Trong nhận định đầu tư cho tuần 17-21/1, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục và giải ngân tích lũy dần các cổ phiếu mục tiêu với tỉ trọng nhỏ, nhưng vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư. Đặc biệt, VCBS nhấn mạnh nên tránh mua đuổi các cổ phiếu bật tăng mạnh trở lại sau nhiều phiên giảm sâu, vì rất có thể đó chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật.
Theo đó, VCBS vẫn kỳ vọng rằng những cơ hội đầu tư mới sẽ xuất hiện nhiều hơn khi diễn biến của các chỉ số chung ổn định trở lại và do đó, việc giải ngân tại thời điểm này nên thiên về các cơ hội đầu tư trung - dài hạn trên cơ sở kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong năm 2022.