MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index lọt top những chỉ số chứng khoán kém tích cực nhất thế giới, cơ hội nào cho năm 2023?

VN-Index lọt top những chỉ số chứng khoán kém tích cực nhất thế giới, cơ hội nào cho năm 2023?

Với đà lao dốc tương đối mạnh, vốn hóa HoSE hiện đạt gần 4,02 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 1,8 triệu tỷ đồng so với đầu năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2022 với những thăng trầm. Sau nhiều nỗ lực, VN-Index ghi nhận mức giảm 32,78% xuống còn 1.007,09 điểm, mức giảm sâu nhất từ năm 2008 tới nay. Diễn biến không mấy tích cực của thị trường năm qua đã khiến VN-Index trở thành một trong những chỉ số “tệ” nhất trên toàn thế giới.

VN-Index lọt top những chỉ số chứng khoán kém tích cực nhất thế giới, cơ hội nào cho năm 2023? - Ảnh 1.

VN-Index lọt top chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022

Tại mức điểm 1.007,09, định giá P/E của VN-Index hiện lên xấp xỉ 10,5 lần, tiệm cận mức thấp nhất trong 10 năm (10,3 lần) vào ngày 5/11/2012. Mức định giá này cũng gần về định giá mà VN-Index đã từng ghi nhận trong làn sóng Covid thứ nhất vào ngày 31/3/2020. So với mức định giá trung bình 10 năm khoảng 16 lần và mức trung vị 10 năm 16,23 lần, mức định giá theo P/E hiện tại của VN-Index thấp hơn đáng kể.

Với đà lao dốc tương đối mạnh, vốn hóa HoSE hiện đạt gần 4,02 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 1,8 triệu tỷ đồng so với đầu năm.

Trên thực tế, bối cảnh vĩ mô nhiều biến động như xung đột Nga – Ukraine, động thái liên tục tăng lãi suất của Fed hay Trung Quốc kéo dài chính sách Zero Covid… đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán. Ngoài ra, các hoạt động thanh lọc, minh bạch thị trường tuy cần thiết nhưng ít nhiều đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Trong nước, sự phục hồi về kinh tế đã khiến dòng tiền có phần bị rút ra khỏi kênh chứng khoán để trở lại đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng thêm lãi suất tăng giúp kênh gửi tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn. Môi trường tiền rẻ kết thúc, sự bùng nổ về thanh khoản trên thị trường chứng khoán theo đó không còn tiếp diễn kể cả khi lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư vẫn liên tiếp đạt kỷ lục mới. Những phiên giao dịch “tỷ đô” – điều không hiếm trong năm 2021 trước đó – đã trở thành dĩ vãng, giá trị giao dịch liên tục rơi xuống ngưỡng thấp hàng chục tháng.

Trái với sự hững hờ của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại trong năm qua ghi nhận lực mua ròng khá mạnh với giá trị lên tới gần 30.000 tỷ đồng (~1,2 tỷ USD), tập trung đột biến vào quý cuối cùng của năm. Định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng được cho là một trong những yếu tố thúc đẩy sự trở lại của khối ngoại. Đặc biệt là kỳ vọng nâng hạng giúp TTCK Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau giai đoạn bán ròng triền miên suốt 2 năm 2020-2021.

VN-Index lọt top những chỉ số chứng khoán kém tích cực nhất thế giới, cơ hội nào cho năm 2023? - Ảnh 2.

VN-Index có thể đạt đỉnh cao mới trong năm 2023?

Theo đánh giá của giới đầu tư, thị trường năm 2023 vẫn đối diện với khó khăn, song sẽ có thể vượt qua để hướng tới những dấu mốc cao hơn. Trong một chia sẻ gần đây, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng những yếu tố nội tại của TTCK năm 2023 sẽ “dễ thở” hơn năm 2022 vì chính sách sẽ đi vào thực tế nhiều hơn, VN-Index không còn rủi ro giảm mạnh. Theo vị Giám đốc này, việc sửa đổi nghị định 65 sẽ thông qua, lãi suất có thể sẽ đảo chiều, đà tăng chậm dần và đảo chiều giảm, tỷ giá ổn định và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn… là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Trong kịch bản tích cực của SSI Research thì thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng từ 5- 10% trong năm 2023.

Có quan điểm tích cực hơn, bà Helena Shiu - Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 khoảng 10%, thậm chí nếu các điều kiện tài chính cải thiện khi Fed ngừng tăng lãi suất vào năm 2023 giúp lợi nhuận doanh nghiệp có thể tích cực hơn.

Với dự phóng PE năm 2023 đạt 12 lần, bà Shuin dự phóng VN-Index có thể đạt mức cao 1.535 điểm. Tuy nhiên, vì bản chất của thị trường vận động theo tâm lý nhà đầu tư, do đó, chỉ số sẽ có những đợt tăng giảm chứ không đi lên tuyến tính.

Đặc biệt, xét về định giá, VDSC cho biết P/E của thị trường chỉ giảm về mức 9.x – 11.x lần trong những giai đoạn vĩ mô đối diện thử thách và việc mua và nắm giữ cổ phiếu khi P/E thị trường ở định giá thấp này sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm nếu nắm giữ khoản đầu tư trong hai năm. Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên