VNDIRECT ghi nhận sự sụt giảm sức cầu đối với trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra thị trường đạt 26.945 tỷ đồng, giảm 41,1% so với tháng 6.
- 19-08-2020Ai đang 'làm mưa làm gió' trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
- 18-08-2020Tín dụng tăng thấp, các ngân hàng có thể tiếp tục đổ tiền vào trái phiếu
- 17-08-2020SSI Research: Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng nóng trong quý 3/2020, trước khi gặp "lực cản" là Nghị định 81 có hiệu lực
Trong tháng 07/2020, tổng giá trị TPDN phát hành ra thị trường đạt 26.945 tỷ đồng, giảm 41,1% so với tháng trước, trong đó có 19.944 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 56,4% so với tháng trước) và 7.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng.
Mặc dù giá trị TPDN riêng lẻ đăng ký phát hành tăng 23,7% so với tháng 6 lên mức 75.592 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công chỉ đạt 26,4%, thấp hơn nhiều so với con số 74,9% của tháng trước. Đợt phát hành ra công chúng tháng này chủ yếu đến từ Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank).
Những doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 7 là: Ngân hàng TMCP Liên Việt (3.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát Triển Nhà TP Hồ Chí Minh (2.400 tỷ đồng) và CTCP Bất động sản Mỹ (2.300 tỷ đồng).
Tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường giảm nhẹ từ mức trung bình 90,8% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 82,6% trong tháng 7, tương ứng tỷ trọng các nhà đầu tư cá nhân tăng lên mức 17,4%, cao hơn so với mức trung bình 9,2% trong 6 tháng đầu năm.
Lũy kế 7 tháng, tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 196.500 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 179.500 tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước.
VNDIRECT cho rằng sự sụt giảm sức cầu đối với TPDN trong tháng 7 đến từ những nguyên nhân chính sau đây: (1) kể từ đầu tháng 6, Bộ Tài Chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro sau khi hoạt động phát hành TPDN tăng đột biến trong tháng 5 và tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia các đợt phát hành riêng lẻ có xu hướng tăng lên, điều này đã khiến tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn trong tháng 6 và tháng 7; (2) làn sóng COVID-19 thứ 2 bùng phát từ cuối tháng 7 khiến nhu cầu nắm giữ tiền mặt tăng lên để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức (là chủ thể chính tham gia vào thị trường TPDN), làm giảm sức cầu đối với TPDN.
Bên cạnh đó, Luật Doanh Nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17/6 vừa qua sẽ chính thức "cấm cửa" các nhà đầu tư không chuyên mua bán TPDN phát hành riêng lẻ từ ngày 1/1/2021. Quyết định này có thể làm giảm sức cầu từ các nhà đầu tư cá nhân (vốn chủ yếu là các nhà đầu tư không chuyên) đối với các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong thời gian tới.
Bizlive