Vnexpress cũng bán di động: 'Mùa đông' đang đến sớm Thế Giới Di Động ơi!
Việc Vnexpress mở shop bán hàng trực tuyến và mặt hàng di động được bán đầu tiên cho thấy mô hình Thế giới di động đang bị đe dọa thế nào.
- 19-06-2016Thế giới di động lãi ròng 700 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm - tăng 86% so với cùng kỳ
- 10-06-2016Chỉ vài năm tới, có thể bạn sẽ không còn nhìn thấy cửa hàng Thế Giới Di Động nào nữa
- 05-06-2016CEO Thế Giới Di Động tiết lộ "vũ khí bí mật" giúp kiểm soát hệ thống lên đến cả nghìn cửa hàng mà không đối thủ nào có
Ngày 6/7, xuất hiện một thông tin đáng quan tâm với ngành bán lẻ di động. Đó là báo điện tử Vnexpress cho ra mắt trang thương mại điện tử Vnexpress Shop. Mới ra mắt, hàng hóa trên Vnexpress Shop chỉ tập trung vào một sản phẩm chủ yếu: Điện thoại với lời quảng cáo được lan truyền trên truyền thông là “rẻ hơn cả Thế giới di động”.
Là một phần của FPT, không có gì lạ khi mặt hàng đầu tiên được Vnexpress Shop bày bán đó là điện thoại di động. Với hệ thống phân phối điện thoại lớn nhất Việt Nam (FPT Trading) và bán lẻ xếp thứ 2 (FPT Shop), điện thoại di động có thể coi là mặt hàng sở trường của FPT.
Mặc dù vậy, tại sao FPT không xây dựng một trang thương mại điện tử cho FPT Shop mà lại là Vnexpress? (FPT Shop đã bán hàng online từ lâu và doanh số online đã tăng mạnh trong năm qua). Câu trả lời có thể lý giải từ 2 hướng.
Thứ nhất, tham vọng của Vnexpress Shop sẽ không chỉ dừng lại ở điện thoại. Với định nghĩa “mua sắm trực tuyến”, trong tương lai Vnexpress Shop sẽ mở rộng ra thành một trang thương mại điện tử đa chủng hàng, tương tự như Adayroi hay Tiki. Về lâu dài, di động sẽ chỉ đóng vai trò là một gian hàng nhỏ trong đại siêu thị Vnexpress Shop.
Vấn đề thứ hai, đáng quan tâm hơn, liên quan đến ngành bán lẻ di động. Đó là việc mở ra một shop bán hàng điện thoại dường như đang trở nên quá dễ dàng.
Minh chứng cho thấy dù được hậu thuẫn nhiều về cả nguồn hàng lẫn thương hiệu, Vnexpress Shop chẳng cần tới FPT Shop để khẳng định uy tín chất lượng khi mở bán di động. Bán lẻ di động đang trở nên quá đại trà và ai cũng có thể bán được. Có chăng, Vnexpress Shop chỉ cần lợi thế về nguồn hàng từ FPT Trading.
Điều mà trang thương mại điện tử này tập trung vào, chỉ có 1, đó chỉ là giá với thông điệp “rẻ hơn cả Thế giới di động”.
Nếu so sánh thử với các hệ thống khác, mức giá 15,6 triệu đồng cho một chiếc iPhone 6s 16gb chính hãng mà Vnexpress Shop đưa ra đúng là có rẻ hơn. Mức giá đó, bên cạnh chiến dịch khuyến mãi khi mới ra mắt trang, chủ yếu đến từ việc cắt giảm những chi phí thuê mặt bằng và đội ngũ nhân viên, tư vấn dịch vụ, chương trình hậu mãi,…
Đáng buồn thay, đó chính là những yếu tố khẳng định tên tuổi của Thế giới di động trước đây. Trái với thời điểm 5 năm trước, các DN trong ngành hiện đều đang cố gắng cắt giảm hết những dịch vụ này và nhường chỗ cho một yếu tố duy nhất: giá thành. Giá càng rẻ càng tốt.
Việc chỉ tập trung về giá lại cho thấy một điểm quan trọng: Lợi thế đặc thù của ngành bán lẻ di động đang ngày càng ít. Hay nói cách khác, với người tiêu dùng, mua di động ở đâu cũng như nhau cả.
Bản thân Thế giới di động, sau thành công với chuỗi bán lẻ Thegioididong.com, cũng đang có những bước chuyển mình. Doanh nghiệp này cũng chuẩn bị cho mắt một trang thương mại điện tử mới vào cuối năm nay khá tương đồng với Vnexpress Shop: Bán đa chủng hàng hóa, nhưng khởi điểm vẫn sẽ là điện thoại di động và điện máy, với giá bán rẻ hơn hẳn. Trang web này đã gần như hoàn thiện và đang chạy thử nghiệm.
Việc những doanh nghiệp hàng đầu ngành bán lẻ di động đều nhảy sang TMĐT đang cho thấy xu thế khó cưỡng của ngành này: Sự thoái trào của những cửa hàng vật lý và đẩy mạnh sang không gian ảo.
Dù ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới di động vẫn tỏ ra lạc quan, nhưng thực tế thì lại không được suôn sẻ cho lắm. Theo thời gian, doanh thu tối thiểu để mở một cửa hàng TGDĐ đã giảm xuống từ mức 3 tỷ đồng/tháng, xuống 2 tỷ và hiện chỉ còn 1,5 tỷ đồng là đạt yêu cầu.
Khi thời điểm đến, cũng tương tự như các quốc gia khác, mô hình bán lẻ di động cửa hàng lớn, dịch vụ tốt, chính sách hậu mãi hấp dẫn sẽ dần dần biến mất. Xu hướng thu nhỏ gọn lại đưa những cửa hàng lớn ở mỗi góc phố trước đây thành những gian hàng nhỏ hơn bên trong các trung tâm thương mại, siêu thị hoặc di dời sang mô hình bán hàng trực tuyến.
Những doanh nghiệp quy mô lớn nhất ngành bỗng trở thành đối tượng chịu tổn thương sâu sắc nhất từ sự chuyển đổi mô hình này. Nếu trong đại hội cổ đông năm ngoái, Thế giới di động dự báo phải tới 2018, thị trường bán lẻ di động mới bước vào trạng thái bão hòa thì thông qua các động thái mở cửa hàng online của FPT và TGDĐ, có thể thấy quá trình này đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. "Mùa đông" cho Thế giới di động và các nhà bán lẻ di động khác đang tới sớm hơn dự báo.
Cafebiz/TTVN