VNG có thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước khi IPO
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG vào khoảng 44,6%, gần chạm trần sở hữu tối đa là 49%. Các cổ đông ngoại đáng chú ý của VNG là Tencent (Trung Quốc), Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore).
Tờ DealStreetAsia ngày 28/6 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Công ty Cổ phần VNG đang đàm phán với các tổ chức và nhà đầu tư chiến lược về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước khi thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ (Mỹ).
Thời điểm hiện tại, 6 cổ đông nước ngoài là các nhà đầu tư gồm quỹ, doanh nghiệp và cá nhân đến từ Singapore, Luxembourg, Trung Quốc, Mỹ, Canada và quần đảo British Virgin Islands (BVI) thuộc Anh đang chiếm 44,64% cổ phần của VNG. Trong đó, các cổ đông ngoại đáng chú ý là Tencent (Trung Quốc), Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore).
Theo thông tin từ VNG, công ty này hiện có vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2016 là hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 45% so với năm 2015 và đạt 118% kế hoạch 2016), lợi nhuận trước thuế là 673 tỷ đồng (tăng 118% so với 2015) và lợi nhuận sau thuế là 543 tỷ đồng, tăng 135%. Công ty này đặt mục tiêu doanh thu dự kiến năm 2017 là 3.960 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 908 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 5, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ, VNG đã ký một bản ghi nhớ về việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán NASDAQ. Thương vụ này sẽ mất khoản 18-24 tháng để hoàn thành.
Quá trình đàm phán việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VNG mới đang trong giai đoạn đầu. Một nguồn tin cho biết đợt phát hành trước thềm IPO này có thể thực hiện với các nhà đầu tư hiện tại như Goldman Sachs, Tencent và GIC và cũng có thể bao gồm các nhà đầu tư mới như quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus. Thêm vào đó, nếu đợt IPO này thành công thì quy mô của đợt IPO sau đó có thể giảm quy mô.
Tuy vậy, công ty vẫn chưa bắt đầu tiến hành chính thức đợt chào bán riêng lẻ và cũng chưa trình HĐQT để được chấp thuận.
VNG phủ nhận kế hoạch này và nói rằng họ không có ý định phát hành riêng lẻ cổ phiếu.
VNG được thành lập năm 2004 với tư cách là công ty phát hành game và được xem là startup "kỳ lân" (được định giá 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên của Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ.
VNG không công bố chi tiết về kế hoạch niêm yết ở Mỹ, nhưng cho biết rằng NASDAQ có thể hỗ trợ VNG chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Hiện tại, các nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ khoảng 44,6% cổ phần VNG, gần chạm mức trần sở hữu tối đa là 49%.
Theo DealStreetAsia, VNG được xem là đối thủ cạnh tranh với SEA (tên cũ là Garena), một trong những startup giá trị nhất Đông Nam Á, và đang theo đuổi chiến lược tương tự như Tencent đã làm tại Trung Quốc. Tencent vốn cũng là một công ty game, sau đó phát triển sang các lĩnh vực khác như nội dung số, ứng dụng chat, thanh toán và thương mại điện tử.
SEA đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) để tiến hành IPO tại Mỹ. Thương vụ được đánh giá là có thể huy động được tới 1 tỷ USD và sẽ là thương vụ IPO lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ đến từ Đông Nam Á.
Trên thực tế, ứng dụng trò chuyện trên điện thoại Zalo của VNG được coi là một phiên bản cục bộ của ứng dụng WeChat do Tencent phát triển. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Tencent đều là cổ đông của cả VNG lẫn SEA.
Tính đến năm 2011, Tencent được cho là nắm giữa 31,2% cổ phần tại VNG. Một cựu giám đốc của Tencent cũng được cho là đã tham gia vào hội đồng quản trị VNG.
Vietnamfinance