MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VnIndex tăng mạnh, thị trường chứng khoán tháng 6 có “gọi tên” những cổ phiếu chưa tăng?

VnIndex tăng mạnh, thị trường chứng khoán tháng 6 có “gọi tên” những cổ phiếu chưa tăng?

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến những phiên giao dịch bùng nổ chưa từng có trong lịch sử. Chỉ số VnIndex sau khi bứt phá khỏi “ngưỡng” 1.300 điểm đã “phi” rất nhanh, liên tục phá vỡ các kỷ lục trước đó cả về điểm số lẫn giá trị giao dịch.

Cùng với đó, thị trường xuất hiện hàng loạt cổ phiếu liên tục phá vỡ đỉnh cao lịch sử. Thống kê của chúng tôi cho thấy, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, sắt thép đã tăng bứt phá nhưng vẫn còn nhiều cổ phiếu có hoạt động kinh doanh tốt nhưng bị dòng tiền tạm thời...bỏ qua.

Cổ phiếu ngân hàng, sắt thép đã tăng mạnh

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đây cũng là nhóm đang dẫn dắt thị trường suốt tháng 5 vừa qua. Loạt cổ phiếu tăng hàng chục phần trăm từ đầu tháng 5, và có nhiều cổ phiếu "tăng bằng lần" từ đầu năm.

Sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa dừng lại ở đó khi sang tháng 6 vẫn tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Lòng tin của nhà đầu tư dường như khó có thể lung lay khi mà lợi nhuận quý 1/2021 được các ngân hàng công bố với số lãi tăng vượt trội. Có đến 12 ngân hàng lãi nghìn tỷ từ quý 1, trong đó Vietcombank (VCB) vẫn là ngân hàng lãi lớn nhất, đạt 6.908 tỷ đồng. Tuy vậy, trong những phiên giao dịch đầu tháng 6, hiện tượng chốt lãi khiến cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh đang khiến nhà đầu tư bắt đầu thận trọng nếu mua mới. Một số công ty chứng khoán đã gạt ngân hàng ra khỏi nhóm cổ phiếu triển vọng đầu tư trong tháng 6.

VnIndex tăng mạnh, thị trường chứng khoán tháng 6 có “gọi tên” những cổ phiếu chưa tăng? - Ảnh 1.

Sau nhóm ngân hàng, những cổ phiếu nhóm ngành sắt thép được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Sức tăng chóng mặt của giá thép, cộng với đó là kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý 1 đã tác động trực tiếp đến cổ phiếu ngành này. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép tăng cao là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Giá thép tăng khiến các doanh nghiệp báo lãi tăng đột biến trong quý 1 như Hòa Phát (HPG) bất ngờ vươn lên báo lãi hơn 7.000 tỷ đồng - giá cổ phiếu tăng 81% kể từ đầu năm 2021. Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng tăng gấp đôi đầu năm 2021 với con số lợi nhuận sau thuế gấp 5 lần cùng kỳ...Tuy nhiên, mới đây, những điều chỉnh mạnh mẽ về giá thép ở nhiều quốc gia đang khiến nhiều nhà đầu tư chùn chân nếu đu đỉnh cổ phiếu thép. Mặc dù, tiềm năng vẫn còn rất lớn nhưng việc đu đỉnh trong bối cảnh toàn cầu đang có xu hướng điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đang khiến các cổ phiếu thép chững lại. Những phiên bùng nổ trong tháng 6 đã không còn gọi tên cổ phiếu ngành thép.

Cổ phiếu ngành nào sẵn sàng tiếp sức đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán?

Một trong những đơn cử cho việc giá cổ phiếu "đi ngược" với kết quả kinh doanh, có thể kể đến như TCH của Tài chính Hoàng Huy – doanh nghiệp được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối đầu xe container của Mỹ. Kết quả kinh doanh, năm tài chính 2020-2021 TCH đạt 4.419 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế vượt ngưỡng nghìn tỷ, lên mức 1.035 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ. Dù vừa công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, nhưng trên thị trường cổ phiếu TCH lại không "mượn đà" tăng theo kết quả kinh doanh. Hiện TCH giao dịch quanh mức 22.200 đồng/cổ phiếu – mức giá này dù tăng khoảng 11% so với thời điểm đầu năm 2021, nhưng lại giảm khoảng 17% so với mức giá cao nhất đạt được từ đầu năm 2021 đến nay.

Ông lớn trong ngành phân đạm – Đạm Cà Mau (DCM) cũng là một ví dụ. DCM công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2020 với doanh thu tăng 7,4% so với cùng kỳ, lên 7.561 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 55% lên mức 662 tỷ đồng, vẫn vượt 8,8% mục tiêu về doanh thu và vượt 39% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Dù kết quả kinh doanh thuận lợi, nhưng cổ phiếu DCM vẫn không thể bứt phá. Thời điểm hiện tại DCM giao dịch quanh mức 20.200 đồng/cổ phiếu, tăng 44% so với thời điểm đầu năm 2021 nhưng đà tăng cũng chỉ chủ yếu từ đầu tháng 6 đến nay.

Lý giải cho việc nhiều cổ phiếu ngược chiều so với lợi nhuận, nhiều nhà phân tích cho rằng đây cũng là điều bình thường khi nhiều nhà đầu tư còn bận "theo trend" các cổ phiếu nóng trong tháng. Khi các nhóm ngành tăng nóng được điều chỉnh, dòng tiền sẽ quay lại với các nhóm doanh nghiệp vốn hóa nhỏ và trung bình, đặc biệt các nhà đầu tư sẽ chú ý nhiều những cổ phiếu cơ bản tốt với nhiều thông tin tích cực ảnh hưởng.

Là một trong những cổ phiếu lớn, đại diện cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên thị trường chứng khoán, nhưng SBT của Thành Thành Công Biên Hòa hiện vẫn đang nằm ngoài xu hướng chung của dòng tiền. Cổ phiếu SBT đang giao dịch quanh mức 22.000 – 23.000 đồng/cổ phiếu và là một trong số ít cổ phiếu chưa tăng giá đúng với giá trị thực. Nguyên nhân sự chững giá của SBT trong thời gian qua là câu chuyện trải dài từ...năm ngoái. Thời điểm đó, ngành mía đường Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan, đối mặt nhiều thử thách khi Việt Nam hội nhập ATIGA và cũng là lúc các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn đang bị thu hút bởi rất nhiều "điểm nóng" khác như dòng cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán và cổ phiếu ngành thép.

Mới đây tin tốt đã đến với ngành đường Việt Nam, khi ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương vừa có Quyết định 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%. Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021 và có hiệu lực 5 năm. Thông tin này sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước khi giá đường nhập khẩu từ Thái Lan sẽ tăng khá mạnh sau khi áp thuế. Điều này giúp các doanh nghiệp đường có thể tăng trưởng doanh thu cũng như cải thiện biên lợi nhuận, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng tự chủ về nguồn mía nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như SBT sẽ có nhiều lợi thế.

VnIndex tăng mạnh, thị trường chứng khoán tháng 6 có “gọi tên” những cổ phiếu chưa tăng? - Ảnh 2.

Vùng nguyên liệu mía của SBT

Thống kê cho thấy SBT sở hữu vùng nguyên liệu rộng lên tới gần 64.000ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, và dự kiến còn mở rộng lên đến 70.000ha trong thời gian tới. Hiện công ty đang hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín, từ vùng nguyên liệu đến khâu sản xuất, và đóng gói thành phẩm, chuyển đến người tiêu dùng. Niên độ 2019-2020 nhờ chuẩn bị sẵn các kịch bản để đón đầu ATIGA và tận dụng nhu cầu gia tăng nhập khẩu đường từ Trung Quốc, SBT đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đạt hơn 1,1 triệu tấn đường, tăng 41% so với cùng kỳ. Doanh thu cả năm tăng trưởng 19%, đạt 12.889 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 40% lên mức 363 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 8% cùng kỳ niên độ trước đó lên 11,3% niên độ 2019-2020.

Chứng khoán SSI đánh giá, với chính sách thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan sẽ giúp bảo vệ ngành đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, đồng thời thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu về dài vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ người lao động ngành nông nghiệp. Chính sách này là 1 sự kiện có tính bước ngoặt cho các doanh nghiệp ngành đường trong nước. Chứng khoán SSI cũng nhận định, với các điểm tích cực, SBT là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất khi thuế nhập khẩu đường từ Thái Lan chính thức được áp dụng. Đồng thời, SSI đánh giá năm tài chính 2020-2021 sẽ là một năm thành công và SBT có thể vượt xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 662 tỷ đồng (+57% so với cùng kỳ).

Đồng quan điểm trên, Chứng khoán VCBS nhận định sản lượng sụt giảm ở các thị trường lân cận cũng đang là cơ hội cho ngành đường Việt Nam. Tại Thái Lan tình hình hạn hán đang tiếp tục cản trở xuất khẩu đường của nước này. Lượng đường xuất khẩu dự báo tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó lượng đường tồn kho được dự phóng giảm 27% so với cùng kỳ năm thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và tình hình lũ lụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đường nhằm dự trữ lương thực thiết yếu, và đường Việt Nam là một trong những lựa chọn ưu tiên của Quốc gia này. Bên cạnh đó EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho đường Việt Nam chất lượng cao sang thị trường EU. Chứng khoán VCBS đánh giá, với vị thế là doanh nghiệp mía đường lớn nhất cả nước, SBT đang sở hữu lợi thế canh tranh tốt khi có lợi thế về quy mô, khách hàng, hệ thống phân phối, thương hiệu,… đặc biệt, sản phẩm của SBT còn thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp, bao gồm những sản phẩm đường hữu cơ đạt chuẩn quốc tế, nên doanh nghiệp này có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU và các nước có hiệp định FTA với Việt Nam.

Dù kết quả kinh doanh tốt cùng với nhiều thông tin tích cực cho ngành mía đường, trên thị trường cổ phiếu hiện nay, SBT vẫn đang là một trong số ít cổ phiếu chưa tăng giá trong cơn sóng thần của thị trường chứng khoán. Có hay không cơ hội cho cổ phiếu "vua" ngành mía đường trỗi dậy khi các cổ phiếu "hot" bớt "hot" vẫn đang là câu hỏi lớn của nhiều nhà đầu tư!

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên