MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNPT và Vinaphone đã kinh doanh ra sao trong 2 năm covid?

08-06-2022 - 15:17 PM | Doanh nghiệp

VNPT và Vinaphone đã kinh doanh ra sao trong 2 năm covid?

Tập đoàn VNPT và mạng di động Vinaphone vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021.

Năm 2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố kết quả kinh doanh với doanh thu 51.272 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức hơn 50.000 tỷ đồng của năm 2020, tuy nhiên kết quả lợi nhuận sau thuế lại đi lùi, đạt 5.055 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

VNPT và Vinaphone đã kinh doanh ra sao trong 2 năm covid? - Ảnh 1.

Đáng chú ý, tổng giá trị các khoản tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của VNPT tại thời điểm cuối năm 2021 lên đến hơn 50.200 tỷ đồng - tăng mạnh so với con số gần 44.000 tỷ hồi đầu năm.

Khối tiền mặt này của VNPT lớn hơn mọi doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2022 như Hòa Phát (46.300 tỷ đồng), PV Gas (33.700 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV (31.300 tỷ đồng), Tập đoàn FPT (26.400 tỷ đồng), Lọc hoá dầu Bình Sơn (21.500 tỷ đồng)...

VNPT và Vinaphone đã kinh doanh ra sao trong 2 năm covid? - Ảnh 2.

Trong năm 2021, tập đoàn này cho biết đã nộp 5.408 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, bằng 102% kế hoạch. 

Năm qua, VNPT tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, trong đó mở rộng dung lượng kết nối Internet quốc tế thêm 23%; năng lực tính toán/lưu trữ mở rộng của hệ thống trung tâm dữ liệu tăng 25% so với cuối năm 2020; triển khai thử nghiệm thương mại 5G.

Việc kinh doanh các dịch vụ cốt lõi đạt tăng trưởng tốt, giữ vững thị phần số 1 về thuê bao băng rộng cố định; dịch vụ về hạ tầng công nghệ thông tin tăng 26,6%, chính quyền số tăng 118,7%, giáo dục số tăng 15,8%.

VNPT cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn như Nokia (Phần Lan), Thales (Pháp), Babylon (Anh). Các thỏa thuận này đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển hạ tầng số và sản phẩm số của VNPT. 

Kế hoạch năm 2022, lãnh đạo VNPT cho biết tập đoàn sẽ phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận từ 6% trở lên so với năm 2021, lợi nhuận công ty mẹ tăng 6%, tổng doanh thu tăng 4% so với năm 2021, trong đó, tăng trưởng doanh thu công ty mẹ là 3% (theo kế hoạch được Ủy ban quản lý vốn nhà nước giao).

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký ban hành Quyết định điều động ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT.

Đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh của VNPT là Tổng công ty dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) - đơn vị kinh doanh chủ lực và có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của Tập đoàn VNPT.

Năm 2021, VinaPhone ghi nhận doanh thu 41.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Kể từ năm 2016, đơn vị này vẫn đạt doanh thu tăng trưởng ổn định quanh mức 40.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 1.398 tỷ đồng và là mức cao nhất của công ty trong giai đoạn 7 năm. 

VNPT và Vinaphone đã kinh doanh ra sao trong 2 năm covid? - Ảnh 3.

Có thể thấy, doanh thu và lợi nhuận của công ty này bắt đầu bứt phá và tăng trưởng rõ rệt kể từ năm 2016. Trước đó năm 2015 là thời điểm Tập đoàn VNPT tập trung vào công tác tái cơ cấu với với sự ra đời và hoạt động của các Tổng công ty 100% vốn của Tập đoàn như VNPT VinaPhone, VNPT Media, VNPT Net. Sau tái cơ cấu, VinaPhone nhanh chóng bứt tốc vươn từ vị trí số 3 lên vị trí thứ 2 trên thị trường viễn thông di động.

VinaPhone hiện phục vụ hơn 30 triệu thuê bao trong nước, roaming tới gần 500 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động thuộc hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ. 

Theo báo cáo mới nhất Ookla - hãng cung cấp và đánh giá chất lượng dịch vụ data, VinaPhone là nhà mạng có tốc độ nhanh nhất trong số các nhà mạng đang hoạt động tại Việt Nam trong quý 1/2022.

https://cafef.vn/vnpt-va-vinaphone-da-kinh-doanh-ra-sao-trong-2-nam-covid-20220607105740219.chn

Nhuận Hoa

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên