Vợ chồng mua đứt căn hộ 2,7 tỷ, chi tiền cải tạo dù nhà còn mới
Cặp đôi luôn giữ vững một nguyên tắc quản lý chi tiêu từ thời điểm kết hôn. Do đó, họ không gặp quá nhiều áp lực tài chính trong việc mua và sửa lại nhà.
- 06-07-2023Kinh nghiệm 'mua đứt' và sửa chữa căn hộ 7,5 tỷ đồng
- 03-07-2023Từ người đi ở thuê đến sở hữu 366 căn hộ, triệu phú tự thân tiết lộ cách “gian lận” để gia tăng tài sản theo cấp số nhân bằng cách không tưởng
- 02-07-2023Anh chàng thuê căn hộ cũ 20 năm rồi đầu tư 300 triệu đồng cho nội thất
Chi 100 triệu đồng cải tạo dù nhà còn mới
Cách đây không lâu, vợ chồng Thanh Thúy (1991) và 2 con vừa hoàn thành cải tạo nhà tại quận Mỹ Đình, Hà Nội. Thanh Thúy đang làm quản lý cho công ty chuyên về dịch vụ in ấn, xuất bản, thiết kế cho khách hàng Nhật Bản, trong khi chồng cô là lập trình viên cho khách hàng Nhật.
Vợ chồng Thanh Thúy
Được biết, đây là lần sửa nhà thứ hai sau khi họ chi tiền mua căn hộ nguyên bản từ chủ đầu tư. Căn hộ 78m2 gồm 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh. Tổng số tiền cải tạo là khoảng 100 triệu đồng. Vợ chồng Thanh Thúy hoàn thành việc sửa nhà rất nhanh chóng. Cặp đôi chỉ mất 1 tháng lên ý tưởng thiết kế và 2 tuần tiến hành tu sửa.
Năm 2021, sau khi nhận bàn giao căn hộ, họ đã đập thông phòng khách và phòng ngủ, sau đó thiết kế theo phong cách Hàn Quốc. Trong lần cải tạo này, cặp đôi chỉ sơn lại tường, sửa một số phần thô và mua mới đồ nội thất rời.
Với Thanh Thúy, ngôi nhà thể hiện tính cách, cá tính, quan điểm sống và cả sức khỏe tinh thần của những con người sống trong đó.
“Dù nhà còn rất mới nhưng sau hơn 2 năm với nhiều thay đổi, chúng mình quyết định sửa lại. Đến một thời điểm, khi cảm thấy phong cách của ngôi nhà hiện tại không còn phù hợp nữa, mình quyết định sửa nhà. Mình coi đây là cách để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân.
Nhiều người bảo ‘nhà thừa tiền hay sao mà vừa mới mua đã phải sửa’, nhưng mình nghĩ việc đầu tư cho không gian sống cũng quan trọng không kém đầu tư cho bất kỳ việc gì. Với mình, nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa, là nơi trú ngụ mỗi khi thấy mệt mỏi với thế giới ngoài kia.
Trước khi cải tạo, nhà cũ của Thanh Thúy còn mới và tương đối tiện nghi. Cặp đôi còn chăm chỉ mua đồ trang trí theo từng dịp đặc biệt như lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán...
Một ngôi nhà đẹp nhiều khi không phải cứ phải hoàn thiện bằng vật liệu đắt tiền nhất, trang trí bằng đồ nội thất xa hoa. Nhà đẹp là khi người chủ đặt cả trái tim tỉ mẩn chăm chút cho từng góc nhỏ, nâng niu cả món đồ đã cũ”, Thúy nói về điều thôi thúc vợ chồng cô cải tạo nhà.
Nhà mới của Thanh Thúy được thiết kế theo phong cách Wabi Sabi, xuất phát từ lối sống cùng tên của Nhật Bản. Phong cách Wabi Sabi truyền cảm hứng cho chủ nghĩa tối giản, tập trung vào chính những người sống trong không gian hơn bất kỳ thứ gì khác.
Thanh Thúy chia sẻ: “Một năm trở lại đây mình cực kỳ thích phong cách Wabi Sabi. Không phải tự nhiên, cũng không phải theo trào lưu. Nguyên nhân vì mình học tiếng Nhật, làm việc với người Nhật và tiếp xúc với văn hóa Nhật từ lâu nên dần dà, tinh thần và phong cách sống đó từng chút một đến với mình tự nhiên như thế.
Với phong cách Wabi Sabi và tối giản, nhà mình ưu tiên ít đồ đạc, tập trung vào sự thô mộc của vật liệu. Chồng mình tin tưởng tuyệt đối vào gu thẩm mỹ của vợ nên cho mình toàn bộ quyền quyết định. Nhờ vậy cả hai không có tranh cãi gì khi cải tạo nhà".
Cùng ngắm nhìn thành quả sửa sang căn hộ của đôi vợ chồng trẻ:
Sự thay đổi đầu tiên đến từ khu vực phòng khách. Thanh Thúy thay bộ ghế sofa bằng ghế thư giãn. Ngoài ra, cô còn bỏ bàn làm việc và thay bằng kệ TV, thay bàn trà và bàn thờ cùng tông màu trắng với thiết kế nhà ở. Cô nàng cho hay, mục đích lắp kệ TV là có chỗ trưng bày và chụp ảnh hoa. Bản thân cô rất thích bộ sofa mới vì chúng làm chất liệu vải nỉ nên dù trẻ nhỏ có vẽ bậy hay làm bẩn cũng rất dễ vệ sinh.
Phòng khách trước khi cải tạo
Phòng khách nằm liền kề với bàn ăn
Góc bàn ăn hiện tại của nhà Thanh Thúy không thay đổi quá nhiều so với trước. Gia chủ chỉ sơn hiệu ứng đồng bộ với bức tường, nhưng cô nàng vô cùng hài lòng với sự thay đổi nhỏ này. Bàn ăn được trang trí đồ nội thất cơ bản và bình hoa thay đổi thường xuyên theo mùa.
Phòng ngủ mới được kế tối giản. Bên phải không gian là góc ngủ nhỏ xinh của em bé được ba mẹ tận dụng từ bộ ghế sofa cũ
Khu vực ban công cũ khá đẹp nhưng hơi nhàm chán
Còn đây là cách gia chủ làm mới đầy tinh tế khu vực ban công
Bí quyết mua đứt nhà 2,7 tỷ sau 2 năm kết hôn
Chỉ sau 2 năm kết hôn, vợ chồng Thanh Thúy đã mua được căn hộ riêng, bằng số tiền dành dụm cùng với vay mượn thêm từ họ hàng. Cô nàng kể quá trình mua nhà diễn ra suôn sẻ, không gặp khó khăn. Bởi trước đó, vợ chồng Thanh Thúy đã thuê căn chung cư nằm trong dự án này để sống thử một năm.
Thời điểm mua nhà, họ chi đứt 2,7 tỷ đồng - giá thành khá rẻ so với các căn hộ tương tự ở thời điểm hiện tại. Môi giới cũng là cư dân trong chung cư và là hàng xóm nên mọi thủ tục bàn giao đều rất chuyên nghiệp, có độ tin cậy cao.
Trong số tiền mua nhà, cặp đôi tiết kiệm được 2/3 tổng giá trị. Chi phí còn lại, họ đi vay từ họ hàng nên không mang áp lực trả lãi hàng tháng. Thu nhập hiện tại của hai vợ chồng đủ để lo cho con cái và trả nợ dần.
Thanh Thúy chia sẻ thêm, các bạn trẻ có ý định mua nhà nên có trong tay ít nhất 70% giá trị căn hộ và một nguồn thu nhập ổn định. Nếu không, bạn có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ nhà và gồng gánh nhiều chi phí phát sinh như tiền sinh em bé, tiền chăm con đi học…
Dù thu nhập ở mức khá ổn nhưng vợ chồng Thanh Thúy luôn duy trì một quan điểm tiết kiệm từ khi kết hôn. Đó là tiêu lương chồng, tiền vợ giữ.
Nói cách khác, cặp đôi chỉ dành 1/3 trong tổng thu nhập của vợ chồng cho tất cả chi phí sinh hoạt. Nếu tháng nào, họ lỡ vượt mức chi tiêu, cả hai sẽ tìm cách bù đắp thu nhập bằng việc làm thêm hay đầu tư.
Nhờ xây dựng nguyên tắc rõ ràng nên dù hiện tại chưa trả hết nợ, cặp đôi vẫn không gặp quá nhiều áp lực tài chính và tự trang trải hết 100 triệu đồng tiền cải tạo nhà mới.
Phụ nữ Việt Nam