MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh

26-10-2022 - 09:36 AM | Lifestyle

“Song song áp lực vay nợ là hạnh phúc của sự ổn định”, quan điểm của gia đình Tú Uyên về chuyện vay mua nhà.

Tú Uyên (26 tuổi), vừa cùng chồng mua 1 căn hộ ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh. Được biết đây là căn nhà đầu tiên của gia đình Uyên, với diện tích 65m2 gồm 2 phòng và 2 nhà vệ sinh. "Căn nhà khá nhỏ nhưng đủ cho nhu cầu hiện tại với gia đình nhỏ của mình", Uyên chia sẻ.

Giá mua nhà là 4 tỷ 650 triệu đồng, làm nội thất khoảng 250 triệu đồng, tổng chi phí gần 5 tỷ. Gia đình cô đã đi vay ngân hàng 50% giá trị căn nhà. Cùng gặp Tú Uyên để hiểu hơn về quan điểm cũng như kinh nghiệm mua nhà của cô bạn 26 tuổi này.

Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 1.

Tú Uyên


Xin chào Tú Uyên,

Vay nợ 50% không phải là 1 số tiền nhỏ, tại sao gia đình bạn lại đi đến quyết định này?

Trước khi vay, mình cùng chồng cân nhắc khá kỹ, tính toán lại khoản tiền mặt đang có. Thật ra, bọn mình mong muốn vay cỡ 30%, vay càng ít, áp lực trả nợ cũng như thời gian sẽ rút ngắn lại. Nhưng nếu bỏ sạch tiền tiết kiệm vào mua nhà, vợ chồng không có khoản dự phòng sẽ khá rủi ro. Chẳng hạn, như lúc bị bệnh, cần tiền gấp, lúc đó sẽ rất khó xoay sở.

Do vậy, vợ chồng mình quyết định đi vay 50%, để vẫn có 1 khoản tiền tiết kiệm cho những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Cũng xem như đây là động lực để bọn mình làm việc chăm chỉ hơn, kiếm thêm tiền để trả đúng hạn ngân hàng.

Mặt khác, vợ chồng mình đã ở thuê gần 2 năm, cũng đau đầu rất nhiều lần về việc thuê hay mua nhà là hợp lý nhất. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian thuê nhà này, bọn mình đã chuyển nơi ở liên tục để tìm hiểu môi trường sống ở khu vực nào là tốt cho con cái về sau,...

Vào thời điểm bọn mình mua nhà, giá nhà thuê ở TP Hồ Chí Minh đã tăng khá cao, đặc biệt ở khu trung tâm quận 2, giá tăng hơn 40%. Sau khi tính toán, bọn mình quyết định mua nhà, mình nghĩ như vậy trong câu chuyện bài toán tài chính sẽ hợp lý hơn, vì giá thuê thời điểm đó đã quá cao. Bên cạnh đó, không còn cảnh đi thuê, sửa chữa gì cũng không cần báo chủ nhà, được trang trí nhà theo sở thích, cảm giác rất thoải mái. Song song áp lực vay nợ là hạnh phúc của sự ổn định.

Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 2.
Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 3.
Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 4.
Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 5.

Thiết kế nhà vô cùng xinh xắn


Sau khi vay nợ mua nhà, thói quen chi tiêu của bạn có gì thay đổi không?

Có rất nhiều sự thay đổi sau khi vay nợ mua nhà. Bọn mình đang rất tận hưởng cuộc sống vợ chồng trẻ chưa có con. Do vậy, trước khi quyết định mua nhà, mình cùng chồng mỗi tháng đều đi du lịch xa gần tuỳ lúc đó công việc có bận rộn hay không.

Bây giờ, vợ chồng mình gần như cắt luôn khoản này, không dám chi tiêu cho nhu cầu ăn chơi. Hơn thế nữa, mình từng là một người nghiện mua sắm trực tuyến, giờ đây cũng hạn chế không còn lướt các trang thương mại điện tử hay mạng xã hội mua đồ như trước nữa. Mình tiết kiệm phần lớn tiền để mua những đồ dùng cần thiết trong nhà mới như bếp, tủ lạnh, chén bát. Nhu cần làm đẹp, dưỡng da, quần áo tạm gác hết lại.

Tiêu chí để gia đình Uyên lựa chọn mua 1 căn nhà là gì?

Vị trí là tiêu chí đầu tiên mình lựa chọn. Giá nhà ở trung tâm Sài Gòn khá cao, nhưng vợ chồng mình khá thích không khí ở trung tâm thành phố lớn, giờ mua vùng ven xa để rẻ hơn không phù hợp với nhu cầu của gia đình mình. Trong này tụ họp bạn bè cũng dễ, rồi người thân quen mình cũng gần đây hết. Quan trọng là môi trường học tập của con mình sau này ở đây cũng tốt hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, Quận 2 hiện tại điều kiện dịch vụ khá tốt, giá nhà tăng đều nên mình cảm thấy khoản đầu tư nhà cửa này là xứng đáng.

Mình chỉ đi coi các căn mà trong khả năng đã vạch ra dưới 5 tỷ, chủ nhà hỗ trợ vay, nhà nội thất không cần đẹp xấu hoặc không có gì càng tốt. Để được làm lại theo ý thích của vợ chồng mình.

Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 6.
Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 7.
Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 8.

Phòng ngủ đầy đủ tiện nghi


Bạn nghĩ rằng mua nhà có nên đầu tư cho nội thất hay không?

Vì đây là căn nhà đầu tiên, bọn mình muốn được lên ý tưởng mọi thứ cho nó từ A đến Z. Làm nội thất sửa nhà rất cực, tốn kém, nhưng bù lại là mình được sáng tạo tổ ấm mơ ước. Với khoản tiền cũng không còn quá nhiều sau khi mua nhà xong. Tụi mình cũng chỉ chọn phong cách làm nhà khá đơn giản Wabi Sabi.

Hiện tại làm nội thất, thiết kế cho 1 căn nhà siêu nhiều phong cách, nhưng mình cực ấn tượng về ý nghĩa của Wabi Sabi. Nó cũng khá giống với phong cách trong cuộc sống và những điều mình muốn hướng tới trong gia đình.

Với mình, ngôi nhà dường như luôn là nơi yên bình và gần gũi nhất để trở về. Được trả lại cho mình những giây phút riêng tư đúng nghĩa, tạm rời xa mọi xô bồ bên ngoài. Phong cách Wabi Sabi độc đáo và có phần dửng dưng, thô vụng được ra đời từ giá trị đó.

Theo Uyên, khi nào mọi người nên cân nhắc mua nhà?

Mình nghĩ, nhà cửa tới cũng là cái duyên. Tụi mình còn nghĩ phải ở thuê cả 5 năm cơ. Nhưng rồi cái gì tới sẽ tới, thời điểm này, thu nhập bọn mình cũng khá ổn định so với trước. Tự tin mua nhà, vay ngân hàng và đảm bảo mọi việc trong cuộc sống của 2 đứa vẫn ổn định, mục tiêu là phải tốt nhiều hơn nữa. Không quan trọng là năm nhiêu tuổi. Quan trọng mình có tiền không thôi.

Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 9.
Vợ chồng vay nợ 1 nửa để mua nhà gần 5 tỷ, thiết kế rất xinh - Ảnh 10.

Sau quá trình mua nhà, bạn có kinh nghiệm gì đặc biệt về tài chính muốn chia sẻ không?

Theo mình, ai mua nhà cũng phải nắm chắc và hiểu rõ bản thân về khả năng chi trả tài chính. Nợ là động lực để phấn đấu, nhưng không được để nó biến cuộc sống bạn vào bế tắc, vợ chồng lục đục. Tiền bạc rất nhạy cảm, mình từng trải qua và chứng kiến nhiều gia đình xung đột vì tiền. Cho nên tới lúc đi vay, hãy đảm bảo bạn đủ khả năng tài chính, không trở thành nợ xấu.

Ảnh: NVCC

Theo TÔ DIỆP - THIẾT KẾ: HOÀNG SƠN

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên