MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ đường dẫn thủy điện Sông Bung 2: Sự cố sau nghiệm thu 19 ngày

15-09-2016 - 08:41 AM | Xã hội

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người trở về từ hiện trường sự cố thủy điện Sông Bung 2, cho biết, đây là hầm thủy điện lớn nhất nước ta hiện nay, với chiều dài hầm 393m, cao 14m, rộng 12m.

Công trình vừa nghiệm thu xong thì xảy ra vỡ đập hầm dẫn dòng, gây tổn thất nghiêm trọng về người và của.

Không mưa, lũ vẫn ập về?

Lúc 16 giờ 25 phút ngày 13/9, tại thủy điện Sông Bung 2 (xã La ÊÊ, Nam Giang, Quảng Nam), nhà thầu Tổng Cty Xây dựng Thủy lợi 4 đang hút bùn bơm nước chuẩn bị đổ bê tông hầm dẫn dòng thì lũ tràn về làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn. Hai công nhân đang điều khiển máy đào bị nước cuốn trôi mất tích cả người lẫn xe, cùng hàng chục xe cộ, thiết bị khác.

Sự cố lập tức khiến 5 xã vùng hạ du thuộc khu vực biên giới huyện Nam Giang bị nước chia cắt. Trong đêm 13/9, người dân một số nơi nghe tin lo sợ đã chạy lên núi trốn lũ. Cùng đó là thông tin hơn 20 người dân đi làm trong rừng và ven sông không thể liên lạc, cũng không thấy về nhà càng khiến mọi người hoang mang.

Ngay trong đêm, chính quyền đã huy động hơn 40 cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng, cùng hàng chục chiến sĩ công an đến 2 thôn Pà Ooi và Pà Lang (xã La ÊÊ) để xác minh thông tin những người dân "mất tích". Đến 10h trưa hôm sau (14/9), Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh thông tin, 13 người dân xã La ÊÊ trồng rừng về nhà an toàn, 7 người đi làm rẫy do nước lớn không thể về nhà đã được lực lượng cứu hộ đưa về an toàn.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, hai công nhân mất tích được xác định là: Nguyễn Minh Luân (SN 1992, trú xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và Đặng Văn Tiền (SN 1980, trú thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang). Thiệt hại tài sản gồm 2 ô tô 7 chỗ, 2 máy đào, 1 máy cẩu 25 tấn, 4-5 ô tô tải bị ngập, cuốn trôi. Nước tràn làm ngập một số đường giao thông tại thôn Pà Ooi, cuốn trôi và làm hư hại một số nhà dân.

Về nguyên nhân sự cố, ông Toàn nói rằng, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 11/9 nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn vào khoảng 560m3/s và nước lũ chảy mạnh đã gây áp lực làm bục cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công. Tuy nhiên, trong ngày xảy ra sự cố (13/9), khu vực này không có mưa; đơn vị thi công vẫn cho công nhân hoạt động bình thường. Theo máy quan trắc, thời điểm xảy ra sự cố, lòng hồ thủy điện Sông Bung 2 chỉ có 28 triệu m3 nước, trong khi đó dung tích của hồ chứa thủy điện này là 94 triệu m3.

Vừa được nghiệm thu 19 ngày

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, công trình thủy điện Sông Bung 2 do nhà thầu trong nước thi công và vừa được Hội đồng nghiệm thu của chủ đầu tư (Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) tổ chức nghiệm thu, thống nhất cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8/2016 và hoàn thành đóng van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9/2016. Công trình nằm trong đề án an ninh năng lượng quốc gia, được Bộ Công Thương phê duyệt, nên thẩm quyền thuộc về bộ này, tỉnh Quảng Nam không liên quan.

Theo đó, mọi khâu từ khảo sát, phê duyệt, quyết định đầu tư, cho đến nghiệm thu…, Quảng Nam không hề được tham gia (Quảng Nam chỉ được quản lý công trình thủy điện dưới 30MW). Với thủy điện Sông Bung 2, địa phương chỉ có trách nhiệm trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư.

"Công trình vừa được nghiệm thu đã xảy ra sự cố, nên chúng tôi đặt nghi ngại về chất lượng công trình. Tuy nhiên công trình này do Bộ Công Thương cấp phép và quản lý nên trách nhiệm thuộc về Tập đoàn EVN, thẩm quyền của bộ xử lý. Theo quy định công trình cấp quốc gia thì có hội đồng thẩm định của quốc gia kiểm tra giám sát. Do đó việc này sẽ do bộ Công Thương chủ trì. Việc xác định nguyên nhân sẽ do cơ quan liên bộ làm", ông Toàn nói. Về trách nhiệm của địa phương, chỉ có thể kiến nghị đảm bảo an toàn đập, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

Dưới đập thủy điện Sông Bung 2 vừa xảy ra sự cố có 5 thủy điện khác trong hệ thống thủy điện bậc thang. Lãnh đạo Quảng Nam khẳng định các hồ chứa phía dưới vẫn đảm bảo an toàn bởi quy trình vận hành liên hồ chứa đã được hội đồng khoa học cấp nhà nước thẩm định và phê duyệt. Hiệu ứng vỡ đập là rất khó xảy ra, bởi dung tích hồ chứa Sông Bung 2 chỉ 94 triệu m3 là rất nhỏ, trong khi hồ chứa của thủy điện sông Bung 4 cách đó 40km dung tích hồ chứa gấp 5-6 lần, nước trong hồ còn rất thấp. Hiện, các hồ chứa thủy điện trên địa bàn đều đảm bảo an toàn và tỉnh đang theo dõi và chỉ đạo để điều tiết nước các hồ chứa tránh gây sự cố.

"Hiệu ứng vỡ đập rất khó xảy ra vì đã có quy trình vận hành liên hồ chứa. Nhưng nghi ngại nhất hiện nay vẫn là chất lượng công trình", ông Toàn nói.

Tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết thêm: Hiện chưa có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra công an tỉnh chưa tổ chức điều tra. Tuy nhiên, vấn đề 2 công nhân được xác định là bị nước lũ cuốn trôi công an đang điều tra làm rõ.

Bộ Công Thương yêu cầu: Ưu tiên tìm kiếm công nhân mất tích

Thông tin từ Bộ Công Thương chiều 14/9 cho biết, sau khi có sự cố xảy ra tại Thủy điện Sông Bung 2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ này có mặt tại công trường để chỉ đạo giải quyết sự việc. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn tập trung tìm kiếm 2 công nhân bị mất tích, hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng. Trước mắt, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục có các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du trong mùa mưa lũ.

Thục Quyên

Theo Nguyễn Thành

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên