Vỡ mộng điện mặt trời!
Nhà đầu tư khóc dở mếu dở khi lỡ đổ sức vào 332 dự án điện mặt trời với tổng công suất 26.000 MW nhưng ngành điện có thể "sa thải" tới 90% công suất dự án bởi bế tắc lưới.
- 24-10-2018Miền Trung sẽ có dự án nhà máy điện mặt trời 1.372 tỷ đồng trong năm 2019
- 15-10-2018Các doanh nghiệp Na Uy "nóng lòng" tìm cơ hội hợp tác đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam
- 05-10-2018EVN đã ký 35 hợp đồng mua bán điện mặt trời
"Cần bán trang trại điện mặt trời tại Bình Thuận, 50 MWp , giá 220.000 USD/MWp, giao đất 50 năm, đã có hợp đồng mua bán điện (PPA)". Trên một số diễn đàn, lời rao này không hiếm, cho thấy nhà đầu tư bắt đầu muốn tháo chạy sau thời gian hăm hở lao vào nguồn năng lượng trời cho.
Nhắm mắt làm liều
Chủ đầu tư một dự án điện mặt trời quy mô nhỏ chia sẻ lý do ông quyết định đầu tư là bởi tháng 4-2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 11 cho phép áp dụng mức giá bán điện mặt trời tương đương 9,35 cent/KWh trong 20 năm - mức giá rất hấp dẫn so với các nguồn năng lượng khác. Hơn nữa, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động thời điểm đó mới vỏn vẹn… 5 MWp, tiềm năng còn quá lớn. "Tôi đầu tư vào một dự án 50 MW và đã ký PPA. Nhưng hiện giờ lưới điện không đáp ứng được nhu cầu đấu nối nên dù có PPA và cam kết đủ khả năng vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019, dự án của tôi chưa chắc được huy động" - vị này băn khoăn.
Chủ đầu tư này là một trong số hàng trăm nhà đầu tư hăm hở đi theo điện mặt trời mà không lường đến nguy cơ "vỡ trận" thu xếp lưới tải. Hiện có 121 dự án với tổng công suất 7.234 MWp được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện và 211 dự án khác với tổng công suất 13.069 MWp đang xếp hàng chờ phê duyệt. Tính chung, có tới 332 dự án điện mặt trời với công suất dự kiến 26.290 MWp đang chờ xếp lưới.
Các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận - khu vực tiêu thụ điện không cao
Trong khi đó, nguồn tin từ ngành điện cho thấy không phải dự án nào cũng có tình hình tài chính lạc quan. Nhiều chủ đầu tư bất chấp điều kiện "nguy hiểm" là bổ sung điều kiện phụ về sa thải phụ tải khi quá tải lưới để ký được PPA. Việc này vô tình giúp giảm nhẹ trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành điện, đẩy số lượng dự án được phê duyệt tăng vọt chỉ sau khi Quyết định 11 ra đời 1 năm. Rủi ro không chỉ dành cho các nhà đầu tư tư nhân mà còn liên đới tới các tổ chức tín dụng. "Chỉ cần có PPA là nhà đầu tư có thể làm thủ tục vay vốn của các tổ chức tín dụng để triển khai dự án cho kịp mốc vận hành thương mại còn điều kiện chấp nhận sa thải phụ tải lại nằm ở phụ lục nên không ảnh hưởng đến việc vay tín dụng" - nguồn tin cho hay.
Như vậy, khi các dự án không được hòa lưới hoặc buộc phải sa thải phụ tải đến mức cao nhất cho phép là 90%, không chỉ nhà đầu tư chịu chết nếu không bán được dự án mà các tổ chức tín dụng cũng khóc ròng.
Vai trò Bộ Công Thương ở đâu?
Có phải các dự án điện mặt trời bùng nổ do giá hấp dẫn? Câu trả lời là không! Thực tế, Bộ Công Thương và ngành điện đứng trước áp lực không nhỏ trong việc bảo đảm đầu tư kịp với nhu cầu sử dụng điện cho kinh tế - xã hội, đặc biệt ở phía Nam. Nhằm đẩy nhanh các dự án điện mặt trời dễ thi công, bộ có phần nới tay trong việc phê duyệt dự án.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, thừa nhận hiệu quả của dự án điện mặt trời phụ thuộc nhiều vào khả năng bức xạ mặt trời tại địa điểm làm dự án dẫn đến lưới ở khu vực 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đang quá tải. Trong khi đó, miền Trung không phải là nơi tiêu thụ điện lớn trên cả nước. Nguồn điện này phải đấu lên lưới 220 KV và 500 KV để truyền tải tới nơi tiêu thụ xa.
Giới chuyên gia đánh giá Bộ Công Thương dường như đã bỏ qua các so sánh cần phải làm về thông số kỹ thuật khi vận hành của các dự án nhiệt điện than, khí bị chậm tiến độ với nguồn điện mặt trời trong cân bằng vận hành hệ thống điện để có giải pháp căn cơ.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình, lo lắng việc bị giảm tải khi lưới quá tải là điều tối kỵ với năng lượng tái tạo. Mặc dù số lượng dự án điện gió vẫn nằm trong quy hoạch cho phép nhưng với tình trạng lưới điện đang quá căng thẳng như hiện nay, điện gió không tránh khỏi bị liên lụy, khó được đấu nối. "Lưới không có nhưng Bộ Công Thương duyệt bổ sung quy hoạch quá nhiều dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới. Làm một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 5-7 tháng, một dự án điện gió khoảng 10-12 tháng trong khi đầu tư lưới tốn rất nhiều thời gian. Bộ Công Thương lẽ ra phải nhìn ra điều này sớm hơn và chuẩn bị kịp thời hơn" - ông Thịnh thẳng thắn chỉ ra và kiến nghị Chính phủ cho phép những dự án quy mô nhỏ tầm 30-50 MWp hòa lưới trước để lưới điện làm quen dần trong giai đoạn chờ đầu tư.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đặc thù điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt và ngừng khi trời mưa, mây mù, ban đêm nên cần đầu tư nguồn dự phòng đồng bộ để bảo đảm an toàn điều độ điện. Muốn làm được điều này, cần nghiên cứu chiến lược bài bản, khuyến cáo doanh nghiệp đặt dự án ở vị trí có thể kết nối với các nguồn điện khác, tránh chỉ tập trung tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận. "Quá nhiều dự án điện mặt trời phát triển cùng lúc ở một khu vực, khi đấu nối vào đường dây hiện hữu sẽ dẫn đến quá tải cục bộ khiến nhu cầu đầu tư lưới truyền tải, trạm biến áp tại một khu vực sẽ tăng mạnh, khó thực hiện điều độ hợp lý" - ông Ngãi chỉ rõ.
Bỏ quên điện gió
Ông Bùi Văn Thịnh cho biết khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận rất thuận lợi để phát triển điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, điện gió đang bị điện mặt trời lấn át. Với mức giá được phê duyệt 8,5 cent/KWh, điện gió khá hấp dẫn nhà đầu tư song thời gian thu hồi vốn dài, nhất là 2 năm qua, điện gió chưa tăng giá, công ty không có lãi.
Cũng giống như điện mặt trời, nếu không tỉnh táo kiểm soát dự án và cân đối nguồn với lưới, nguy cơ quá tải sẽ hiện hữu. "Tại khu vực đã có 8 dự án điện gió hoạt động, chỉ cần thêm một dự án đưa vào khai thác sẽ quá tải lưới điện ngay lập tức" - ông Thịnh cảnh báo.
Ng.Hải
Người lao động