MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Vỡ mộng” Harvard: Bệnh thành tích, nạn “cha truyền con nối”, phân biệt giới tính, sinh viên không hẹn hò vì thiếu kỹ năng

17-07-2019 - 09:53 AM | Sống

Là một trong những trường đại học danh giá hàng đầu thế giới nhưng Harvard cũng không hoàn hảo và tươi sáng như nhiều người tưởng tượng.

Lại một kỳ thi Đại học căng thẳng nữa đã qua và tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Những con số bắt đầu được thống kê, "danh tính" các thủ khoa dần lộ diện. Các trường đại học cũng tất bật chuẩn bị cho một mùa tuyển sinh mới bận rộn mới.

Những trường đại học danh tiếng luôn là ước mơ, là mục tiêu của nhiều học sinh và cả bậc làm cha làm mẹ. Nếu Việt Nam có Ngoại thương, Kinh tế quốc dân hay Bách Khoa thì Harvard, Yale hay Princeton luôn nằm trong top những trường đại học chất lượng và danh giá bậc nhất trên bản đồ giáo dục thế giới.

Trong đó, nhắc đến Harvard là nhắc đến trường đại học tư nhân lâu đời nhất ở Mỹ, thành lập năm 1636 tại Vịnh Massachusetts, nơi cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Gates hay ông trùm mạng xã hội Mark Zuckerberf từng theo học.

Nhưng bên cạnh những điểm sáng, được nhiều người biết tới thì vẫn còn đó nhiều mặt tối có thể khiến bạn "vỡ mộng" về ngôi trường hơn 380 tuổi này.

Nạn "cha truyền con nối"

Hãy tưởng tượng bạn là một ứng viên đang háo hức chuẩn bị đơn xin xét tuyển vào Harvard, bạn cần trang bị những gì? Một bảng điểm SAT hoàn hảo cùng các hoạt động ngoại khóa sôi nổi? Đó là yếu tố cần với nhiều người nhưng cũng có cách khác dễ dàng hơn, với cơ hội trúng tuyển cao gấp 5 lần.

Đó là gia đình có người thân là cựu sinh viên Harvard. Bố mẹ bạn từng theo học Harvard? Ông bà bạn là cựu sinh viên của trường? Nếu câu trả lời là có thì xin chúc mừng bởi bạn đã nắm trong tay lợi thế lớn hơn rất nhiều so với các ứng viên còn lại.

Vỡ mộng Harvard: Bệnh thành tích, nạn “cha truyền con nối”, phân biệt giới tính, sinh viên không hẹn hò vì thiếu kỹ năng - Ảnh 1.

Tại Harvard, từ năm 2010 đến 2015, 33,6% ứng viên có người thân từng theo học đã được nhận vào trường. Nguyên nhân được một số nhân viên tuyển sinh tại các trường hàng đầu lý giải rằng con của cựu sinh viên đơn giản là có trình độ cao hơn. "Nếu bạn nhìn vào thông tin của con cái các cựu sinh viên Harvard, chúng là những ứng cử viên tốt hơn so với mức trung bình.", William William R. Fitzsimmons, trưởng khoa tuyển sinh tại Harvard, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2011.

Không chỉ Harvard, thực trạng này cũng xảy ra tại Princeton, khi các ứng viên "cha truyền con nối" có khả năng được nhận cao gấp 4 lần so với người nộp đơn bình thường.

Chưa hết, tại Harvard còn có một danh sách mang tên "Dean’s Interest List", là một bộ ứng viên liên quan đến những người nổi tiếng - hầu hết là người da trắng và giàu có – với những khoản đóng góp lớn cho các quỹ của trường. Các ứng viên trong danh sách cũng có tỷ lệ được nhận cao hơn đáng kể so với sinh viên không có sự liên hệ nào.

Trong cuốn sách The Price of Admission của nhà báo đoạt giải Pulitzer, Daniel Golden kể lại câu chuyện về một nhà phát triển bất động sản ở New Jersey, người đã cam kết tặng một món quà trị giá 2,5 triệu USD cho Harvard vào năm 1998, không lâu trước khi con trai ông nộp đơn và rồi trúng tuyển vào trường đại học này. Cũng được biết rằng, đứa trẻ đó không phải là một ứng viên tiềm năng khi tất mọi người trong đội ngũ tuyển sinh đều nghĩ cậu ta không có khả năng đỗ.

Bệnh thành tích

"Lạm phát điểm số" là vấn đề không mới những chưa bao giờ hết "nóng" ở nhiều trường đại học nổi tiếng, trong đó có Harvard.

Một giảng viên tại Harvard chia sẻ trên diễn đàn Quora rằng anh đã được giáo sư đi trước lưu ý nên đánh giá sinh viên với 3 thang điểm (A), (A-) và (B). Có thể ít hơn 1/3 số học sinh đạt điểm (A), phần còn lại sẽ được chia đều giữa (A-) và (B).

Một người khác từng dạy tại Harvard trong vài năm cũng tiết lộ điểm trung bình của sinh viên là (A-) hay 3,67 theo thang điểm GPA, tương đương với việc 50% số điểm được đánh giá là (A) hoặc (A-).

Vỡ mộng Harvard: Bệnh thành tích, nạn “cha truyền con nối”, phân biệt giới tính, sinh viên không hẹn hò vì thiếu kỹ năng - Ảnh 2.

Trong khi đó, tại ngôi trường danh tiếng không kém là MIT, nơi tự hào không có hiện tượng "lạm phát điểm số", sinh viên được đánh giá phổ biến ở mức từ (C-) đến A, với tỷ lệ tương đương nhau (1/3).

Dù phần đông các tân sinh viên Harvard được đánh giá là có năng lực bởi thành tích đầu vào ấn tượng nhưng với chương trình học không hề "dễ ăn", những bảng điểm (A), GPA đẹp như mơ vẫn khiến dư luận không ngừng đặt nghi vấn về việc liệu sinh viên có được nâng đỡ quá nhiều để tốt nghiệp cùng tầm bằng đẹp hay không.

Phân biệt giới tính, tấn công tình dục

Một đặc sản khác của Harvard là các câu lạc bộ "Final Clubs", bao gồm: Fox, Spee, Delphic, A.D., Fly, Owl, Phoenix và Porcellian, được lập ra với ý tưởng ban đầu là cộng đồng để những người anh em kết nối, giao lưu. Những nơi này giống như "lãnh địa" độc quyền của nam giới mặc dù sau đó, họ đã cho phép phụ nữ tham gia.

Điều đáng nói ở chỗ bầu không khí thống trị bởi nam giới đó là nơi thể hiện rõ nạn phân biệt giới tính và tấn công tình dục phái nữ. Dù liên kết và được hỗ trợ bởi Harvard nhưng những tổ chức này vẫn hoạt động độc lập và không chịu sự quản lý của trường, lý do khiến vấn nạn này xảy ra nhiều năm mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Vỡ mộng Harvard: Bệnh thành tích, nạn “cha truyền con nối”, phân biệt giới tính, sinh viên không hẹn hò vì thiếu kỹ năng - Ảnh 3.

Một cuộc khảo sát năm 2015 của Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ cho thấy 47% phụ nữ tại Harvard tham gia các hoạt động câu lạc bộ "Final Clubs" đã trải qua những đụng chạm tình dục không mong muốn, so với 31% trên toàn trường.

Thậm chí, Harvard dù biết nhưng lại không công khai những địa điểm đã và có nguy cơ cao xảy ra hãm hiếp mà chỉ đưa ra cảnh báo mơ hồ, từ chối đấu tranh với thực trạng đen tối tại đây.

2 năm vừa qua, Harvard đã bắt đầu có những động thái, chính sách nhằm khắc phục vấn nạn này nhưng hiệu quả chưa đáng kể.

Tỷ lệ sinh viên không hẹn hò cao

Một cuộc khảo sát của Crimson cho biết 1/5 sinh viên Harvard không hẹn hò trong suốt thời gian học tại trường.

Còn trong cuốn cẩm nang cho tân sinh viên Harvard có một lời khuyên rằng: "Hẹn hò: Nó khó hơn bạn nghĩ nhiều! Bạn nghĩ rằng mình có 4 năm để tìm được người bạn tâm giao? Không hề. Bạn có chính xác một tuần: Đó là lúc diễn ra hoạt động Định hướng, và nếu không yêu, thì bạn sẽ không bao giờ yêu nữa."

Tại sao nhiều sinh viên Harvard không hẹn hò đến vậy? Một vài nguyên nhân nhận được nhiều sự đồng thuận cho rằng:

Thứ nhất, do những nhận thức lỗi thời về sự bất bình đẳng của hai giới vẫn còn tồn tại. Xã hội Harvard là nơi mà các tiêu chuẩn nam tính được đề cao, nơi nam giới chiếm ưu thế không chỉ về thể chất, mà còn về trí thông minh, tham vọng và khả năng kiếm tiền.

Đàn ông thích phụ nữ ít thành đạt hơn trong khi sinh viên nữ Harvard lại tài năng, thông minh chẳng kém gì phái mạnh. Các nữ sinh viên cũng ít ấn tượng với bạn nam cùng trường vì họ có xu hướng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn.

Vỡ mộng Harvard: Bệnh thành tích, nạn “cha truyền con nối”, phân biệt giới tính, sinh viên không hẹn hò vì thiếu kỹ năng - Ảnh 4.

Thứ hai, không có thời gian. So với việc học tập trên lớp, nộp đơn xin thực tập, tham gia các câu lạc bộ, sự kiện xã hội và cả cân bằng giấc ngủ, giá trị của việc yêu đương dường thấp hơn nhiều.

Cũng có ý kiến cho rằng sinh viên Harvard nói riêng và Ivy League nói chung có nhiều kỹ năng học tập hơn so với kỹ năng xã hội. Theo lời của tác giả tại The Dbag Dating Guide nói về các chàng trai Ivy League Guys: "Hãy ghi nhớ, những anh chàng này đã dành cả quãng đời học sinh để học, thay vì phát triển tính cách. Sau đó, lên đại học, cuộc sống của họ lại được vây quanh bởi những người bạn "mọt sách" khác, thay vì phát triển tính cách."

Tạm kết

Phơi bày những mặt tối của một trường đại học danh giá bậc nhất thế giới không phải để vùi dập danh tiếng hay đặt ra tiêu chuẩn kép, bởi ta cần chấp nhận thực tế rằng con người hay sự vật, sự việc đều có tính hai mặt và nên xem xét chúng theo cách khách quan, công bằng nhất.

Giờ đây, khi ngưỡng cửa đại học dần mở ra, những cô cậu học sinh hẳn đang tưởng tượng ra viễn cảnh và lên kế hoạch cho đời sinh viên của mình. Các thí sinh với điểm số vượt trội có thể ứng tuyển Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân hay Bách Khoa, nơi được coi là có chất lượng và môi trường học tập hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên theo học tại một trường đại học danh tiếng có thể mang lại chút lợi thế nhưng chưa và sẽ không bao giờ là bảo chứng cho thành công của bất kỳ ai.

Theo T.Dương

Trí thức trẻ

Trở lên trên