Vỡ mộng làm giàu, số người siêu giàu Mỹ ‘giành giật tấm vé vàng’ cuối cùng đến châu Âu tăng chưa từng có, lúc này nhiều tiền cũng khó mà mua
Lần đầu tiên trong lịch sử, người Mỹ nộp đơn xin “hộ chiếu vàng” nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
- 20-02-2023Từng 'thê thảm' trong năm 2022, nhóm cổ phiếu này đang có thành tích vượt trội và được nhà đầu tư Mỹ 'ào ạt' đổ tiền
- 19-02-2023So găng Bắc Kinh, Seoul và Tokyo: Người Trung Quốc nói gì về chính mình trước những "đối thủ" sừng sỏ
- 19-02-2023Các triệu phú vỡ mộng vì “Giấc mơ Mỹ”, lũ lượt kéo nhau bỏ đi: Vì đâu nên nỗi?
Một kết quả không ngờ
Đối với một số người cực kỳ giàu có, thứ tài sản giá trị nhất mà tiền có thể mua được không phải là siêu du thuyền hay phi cơ riêng, mà đó chính là hộ chiếu.
“Hộ chiếu vàng” là cách mà một số quốc gia châu Âu như Malta, Bulgaria và Bồ Đào Nha thực hiện để thu hút đầu tư. Chương trình này cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch, đổi lại thì những công dân giàu có này sẽ đầu tư một khoản tiền nhất định vào quốc gia đó.
Ngoài hộ chiếu vàng, một số quốc gia châu Âu còn cung cấp “visa vàng”, loại giấy phép tạm trú để đổi lấy đầu tư, khác với quyền công dân vĩnh viễn.
Theo báo cáo USA Wealth Report 2023 của công ty Henley & Partners công bố mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, người Mỹ nộp đơn xin hộ chiếu và visa vàng nhiều hơn tất thảy các quốc gia khác. Trước đây, Trung Quốc và Nga mới là những nước đứng đầu danh sách tham gia chương trình này.
Chuyên gia đầu tư toàn cầu Jeff D. Opdyke cho biết trong báo cáo, số lượng người Mỹ nộp đơn kỷ lục là do những người siêu giàu Mỹ lo sợ trước bối cảnh lạm phát, bất ổn xã hội cũng như chính trị.
Ezzedeen Soleiman, chuyên gia quản lý tại công ty nhập cư dành cho nhà đầu tư Residency & Citizenship, cho biết rằng một số tỷ phú đã đến gặp họ và hỏi rằng đâu là nơi tốt nhất để sinh sống, nếu có thảm họa khí hậu hoặc một đại dịch toàn cầu khác.
Hình ảnh minh họa
Cơ hội nắm lấy “hộ chiếu vàng” bị thu hẹp
Tuần trước, Bồ Đào Nha đã tuyên bố rằng họ sẽ không tiếp nhận các đơn đăng ký mới cho chương trình visa vàng. Thủ tướng António Costa cho biết quyết định này được đưa ra là để chống “đầu cơ bất động sản”, trong bối cảnh quốc gia này đang chiến đấu với khủng hoảng nhà ở.
Henley & Partners đã xếp hạng chương trình của Bồ Đào Nha là chương trình cấp thị thực phổ biến nhất đối với nhóm khách hàng Mỹ.
Trước đó, Ireland cũng đã dừng chương trình visa vàng. Năm ngoái, 282 trong số 306 đơn đăng ký đến từ công dân Trung Quốc và chỉ có 10 đơn của Mỹ.
Malta hiện là quốc gia duy nhất ở EU vẫn còn chương trình cấp quốc tịch dựa trên các khoản thanh toán hoặc đầu tư được xác định trước mà không có liên kết chính thống với quốc gia.
Người đứng đầu khu vực Bắc Mỹ của Henley & Partners Mehdi Kadiri cho biết chương trình hộ chiếu vàng của Malta là chương trình được người Mỹ tìm kiếm nhiều thứ hai. Một phần vì chương trình của Malta có thể tiếp cận thông qua đầu tư bất động sản.
"Bất động sản quốc tế luôn là loại tài sản đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư toàn cầu do sức mạnh lâu dài của nó”, Kadiri nói. Ông cho biết thêm rằng việc sở hữu nhiều hộ chiếu tạo ra nhiều "sự lựa chọn về nơi bạn và gia đình có thể sống, làm việc, học tập, nghỉ hưu và đầu tư".
Nhưng nếu EU ra tay, chương trình này có thể không tồn tại lâu nữa. Vào tháng 9/2022, Ủy ban Châu Âu đã đưa chính phủ Malta ra Tòa án Tư pháp EU, với lập luận rằng chương trình hộ chiếu vàng gây ra rủi ro an ninh cho toàn bộ liên minh.
Trở thành công dân của một quốc gia thành viên EU như Malta sẽ mở ra rất nhiều đặc quyền, bao gồm tự do di chuyển qua 27 quốc gia, quyền bầu cử và tiếp cận thị trường nội bộ EU. Sau xung đột tại Ukraine, hộ chiếu và visa vàng bị giám sát gắt gao, vì cho phép các nhà tài phiệt bị trừng phạt tiếp cận Vương quốc Anh.
Điều này khiến một loạt các chương trình tương tự tại Vương quốc Anh, Bulgaria và Síp phải dừng lại. Nhưng chỉ riêng Malta đến nay vẫn từ chối thực hiện theo yêu cầu của EU.
Để nhận được quyền công dân thông qua chương trình hộ chiếu vàng của Malta, người nộp đơn phải đầu tư từ 590.000 euro đến 740.000 euro (tùy thuộc vào việc bạn đã cư trú ở quốc gia này nhiều hay ít hơn 36 tháng); mua bất động sản trị giá ít nhất 700.000 euro hoặc trả tiền thuê ít nhất 16.000 euro mỗi năm (trong 5 năm); quyên góp thêm 10.000 euro; và trả tổng cộng 26.500 euro tiền đặt cọc và phí không hoàn lại.
Theo BI
Nhịp Sống Thị Trường