Vỡ quy hoạch, vỡ thị trường, vỡ nợ đồng hành nhà nông
Sản xuất tự phát chạy theo lợi nhuận, phá vỡ quy hoạch, đã làm cho các mặt hàng nông sản ở Tây Nguyên vốn có giá trị cao đã mất dần vị thế trên thị trường.
- 07-11-2019Quy hoạch nuôi cá tầm, cá hồi: Không để vỡ rồi mới xử lý
- 08-10-2019Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Sẽ kiểm soát giá thịt lợn đang tăng phi mã
- 28-06-2019Lâm, thủy sản sẽ “cứu cánh” ngành nông nghiệp nửa cuối năm
Mở rộng diện tích 1 cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, không tôn trọng quy luật cung – cầu của thị trường, sản xuất “vô tội vạ”, thúc đẩy năng suất nhưng không chú trọng chất lượng là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn của ngành trồng trọt ở Tây Nguyên hiện nay.
Những năm 2006, 2007, 2008… giá mủ cao su tăng liên tục và đạt đỉnh điểm vào năm 2012 với mức 120 triệu đồng/tấn. Cây cao su khi ấy được xem là “vàng trắng”, người người trồng cao su, nhà nhà trồng cao su, phớt lờ tất cả những cảnh báo về thị trường của các nhà khoa học.
Diện tích cây cao su ở Tây Nguyên tăng lên nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch chỉ trong vài năm. Như một điều tất yếu, ngay sau đó, giá mủ cao su bắt đầu lao dốc liên tục từ 120 triệu/tấn xuống còn 90 triệu, 60 triệu và ổn định ở mức khoảng 30 triệu trong nhiều năm nay. Từ nông dân đến doanh nghiệp trồng cao su đều điêu đứng với mức giá mủ như thế này.
Diện tích cây cà phê nước ta khoảng 720.000 ha, riêng Tây Nguyên chiếm khoảng 630.000 ha.
Cũng tương tự như cao su, vì giá hồ tiêu tăng cao, có lúc đạt hơn 230.000 đồng/kg, nông dân đã bất chấp cảnh báo, trồng một cách ồ ạt. Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, diện tích hồ tiêu của cả nước là 50.000 ha nhưng chỉ trong vài năm, riêng Tây Nguyên đã có tới gần 93.000 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu cả nước lên 150.000, phá vỡ quy hoạch.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, thời điểm giá hồ tiêu tăng cao, các ngành chức năng ở địa phương đã liên tục khuyến cáo đến bà con nông dân không nên mở rộng diện tích quá mức, phá vỡ quy hoạch thế nhưng không thể ngăn nổi.
"Những năm trước, do giá hồ tiêu được nên nông dân ồ ạt, đổ xô trồng tiêu, kể cả những diện tích nằm trong quy hoạch cũng như diện tích ngoài quy hoạch. Đất không phù hợp nông dân cũng trồng. Chính vì thế đã phá vỡ quy hoạch” - ông Hà Ngọc Uyển cho biết.
Những diện tích hồ tiêu được nông dân bất chấp mở rộng khi không đủ các yếu tố kỹ thuật sẽ rất dễ dẫn tới dịch bệnh. Kết quả là rất nhiều vườn hồ tiêu đã chết khô, “vô phương cứu chữa”, người nông dân mất trắng vốn đầu tư, lâm vào cảnh nợ nần.
Còn những hộ trồng tiêu khác có thu hoạch được sản phẩm thì do phá vỡ quy hoạch, nguồn cung vượt quá xa so với nhu cầu của thị trường nên đã làm giá tiêu giảm từ 200.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg (ngang với giá thành sản phẩm).
Diện tích cây cà phê nước ta khoảng 720.000 ha, riêng Tây Nguyên chiếm khoảng 630.000 ha. Năm 2017 nước ta đã vượt Brazil trở thành nước xuất khẩu cà phê có sản lượng lớn nhất thế giới. Thế nhưng giá cà phê nguyên liệu nước ta lại thấp nhất thế giới bởi chất lượng chưa cao.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, những năm qua, không chỉ cà phê mà hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam mới chỉ chú trọng tăng về sản lượng, trong khi chất lượng còn thấp nên giá trị mang lại không cao. Trong đó hồ tiêu và cà phê là những ví dụ điển hình. Thêm vào đó, phá vỡ quy hoạch, diện tích và sản lượng tăng cao, phá vỡ cân bằng cung – cầu của thị trường sẽ càng làm giá các mặt hàng nông sản giảm sâu hơn.
Diện tích cây cao su ở Tây Nguyên tăng lên nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch chỉ trong vài năm. |
Theo ông Thủy: "Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa chú trọng về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao nên khó xuất khẩu vào những thị trường có giá trị. Nông dân chúng ta vẫn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Sản xuất mà không dựa trên nhu cầu của thị trường thì dù có được mùa, rớt giá là chuyện rất dễ hiểu. Cuối cùng vẫn là câu chuyện giá trị mang lại không cao".
Yếu tố đảm bảo để nông dân yên tâm sản xuất đó là chuỗi giá trị nông sản phải có mối liên kết chặt chẽ. Có nghĩa rằng, các doanh nghiệp thu mua, chế biến và kết nối với thị trường tiêu thụ và nông dân phải gắn kết với nhau. Trong 4 nhà bao gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước cần phải có sự liên kết chặt chẽ.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời cho rằng, sự liên kết này trong thời gian qua chưa thực sự diễn ra. Vai trò điều tiết của Nhà nước còn chưa cao. Chỉ doanh nghiệp là có thể kết nối được sản xuất với thị trường, mới ký được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân.
Vì vậy, trong liên kết 4 nhà, thì nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học nên là 3 chủ thể, ở vị trí 3 đỉnh của 1 tam giác. Còn nhà nước ở giữa 3 đỉnh đó, đóng vai trò kiến tạo như chính phủ vẫn nói, tức là vai trò tạo luật chơi, vai trò trọng tài và vai trò chế tài.
Khi giá nông sản trượt dốc, trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nông dân luôn là đối tượng gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất. Với giá tiêu, giá cao su, cà phê như thời gian qua… không ít người đã phải lâm vào cảnh nợ nần, các khoản đầu tư không có khả năng chi trả. Phá vỡ quy hoạch, phá vỡ thị trường thì cũng đồng nghĩa, người nông dẫn phải đối mặt với chuyện “vỡ nợ” trên chính mảnh đất màu mỡ của mình./.
VOV