Vỡ trận ngành than: 1 thời gian dài xúc lên bán cho Trung Quốc, nay vừa thừa than lại vừa phải nhập từ Trung Quốc
Từ vị thế của nhà xuất khẩu "vàng đen" với lượng vài chục tấn than mỗi năm, thì nay chúng ta đã trở thành nhà nhập khẩu với tốc độ tăng đáng ngạc nhiên, rơi vào cảnh dở khóc dở cười vừa tồn kho lớn, vừa phải đi nhập.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu năm nay có một con số đáng lưu ý, đó là số liệu nhập khẩu than.
Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 600 triệu USD.
Tính ra, mỗi tháng Việt Nam đã phải nhập 1,2 triệu tấn, tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD/tháng.
Vấn đề nằm ở chỗ, theo dự báo của Bộ Công thương đưa ra hồi đầu năm nay, lượng than dự kiến cần nhập chỉ là hơn 3,1 triệu tấn, tức chỉ bằng chưa đến 1/3 lượng than thực tế đã nhập trong 8 tháng qua.
Cụ thể, theo đánh giá cân đối cung - cầu của Bộ Công Thương, giai đoạn đến hết năm 2015 than khai thác trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: Năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Trong khi năm 2016 mới chỉ trôi qua được 2/3 thời gian, số lượng than nhập về đã cao hơn gấp 3 lần ước tính của Bộ Công thương. Nếu duy trì tốc độ nhập than như hiện tại thì đến cuối năm nay, lượng than nhập về sẽ có thể gấp 4-5 lần so với dự báo của bộ.
Phải nói thêm rằng, việc nhập khẩu than như ở thời điểm hiện tại là câu chuyện mới. Bởi chỉ vài năm trước, chúng ta vẫn còn dôi dư than để xuất. Thậm chí, giai đoạn 2006-2011 còn là thời điểm "nóng" của việc xuất than, trung bình mỗi năm xuất đi khoảng gần 21 triệu tấn than.
Như vậy, từ vị thế của nhà xuất khẩu "vàng đen" với lượng vài chục tấn than mỗi năm, thì nay chúng ta đã trở thành nhà nhập khẩu với tốc độ tăng đáng ngạc nhiên, đến mức "dự báo một đằng, thực tế một nẻo".
Nguồn số liệu: Tổng cục Hải Quan
Đáng nói là, các năm trước khi Việt Nam đem xuất khẩu than một cách ồ ạt thì thị trường nhập than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc. Trong khi đó 2 năm gần đây khi chúng ta bắt đầu phải nhập than, thì đây lại trở thành 1 trong những nguồn cung ứng lớn nhất.
Nguồn số liệu: Tổng cục Hải Quan.
(*) Số liệu ở đồ thị trên là hiệu số xuất khẩu - nhập khẩu than của Việt Nam sang Trung Quốc và ra nước ngoài mỗi năm.
Ngoài Trung Quốc, 2 thị trường Việt Nam nhập than nhiều nhất trong 2 năm nay là Nga và Indonesia.
Thực tế thì việc Việt Nam thiếu than không phải là do chúng ta đã khai thác hết. Báo cáo hồi giữa năm của tập đoàn Than khoáng sản (TKV) cho thấy chúng ta tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được. Nguyên nhân là do giá than sản xuất trong nước cao hơn giá than nhập rất nhiều.
Kết quả là tập đoàn than phải nhập than giá rẻ về trộn với than sản xuất để mang đi bán. TKV vừa tồn kho lớn than, vừa trở thành doanh nghiệp phải nhập than nhiều nhất.
Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng rất cao, cụ thể là năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, năm 2030 là 220,3 triệu tấn.
Với quy hoạch này, mức tiêu thụ năm 2020 so tăng gấp đôi so với năm 2015 và tăng dần từ các năm 2025, trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và tương lai cũng khó tăng do các mỏ đều đã triển khai khai thác.
Ở Việt Nam, than vẫn là nguyên liệu quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho các nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép, xi măng...
Trí thức trẻ/CafeBiz