Với HLV Park Hang-seo, sự "ảo diệu" của Việt Nam đâu chỉ đến từ tinh thần chiến binh!
Ý chí Việt Nam, tinh thần chiến binh là thứ vũ khí quan trọng giúp thầy trò HLV Park Hang-seo 4 lần lập nên kỳ tích. Nhưng đấy không phải là thành tựu tối thượng của thầy Park.
- 25-01-2019Sự thật chuyện đội trưởng Nhật Bản chỉ trích đồng đội vì chỉ thắng sát nút Việt Nam
- 25-01-2019Công Phượng nghẹn ngào tự trách sau trận thua Nhật Bản
1. Giữa bão tuyết Thường Châu, ở trận chung kết giải U23 châu Á, nổi bật lên trên hết là tinh thần chiến binh của những "tráng sĩ" trẻ Việt Nam. Những cậu học trò nhỏ của HLV Park Hang-seo đã chiến đấu trận ấy với một tinh thần quên mình, bạt gió, bạt tuyết, khiến đội bóng vô địch phải nể phục, dù họ mới là những người đem chiếc cúp vô địch về quê nhà.
Trên Dubai đầy nắng, trước Jordan, đội tuyển Việt Nam tái hiện tinh thần chiến binh một năm về trước ở Thường Châu, khiến đội bóng Tây Á phải run sợ khi chứng kiến những bước chân thoăn thoắt với khí thế "nghiêng trời lệch đất" hướng về chiến thắng. Trọng Hoàng phạm lỗi với đối phương, trọng tài nổi còi, Hoàng "bò" nhặt bóng lên, đưa cho đối phương và... nở một nụ cười.
Giữa một trận đấu "một mất một còn" đầy căng thẳng, ở phút cuối giờ của trận đấu mà cả hai đội tung hết sức lực vào đó, nụ cười ấy chắc hẳn khiến các cầu thủ Jordan sởn da gà, bởi họ nhìn thấy trong đấy nguyên vẹn hình hài của điều kỳ diệu có thật, mang tên "ý chí Việt Nam".
Trước Nhật Bản, thêm lần nữa đoàn quân của HLV Park Hang-seo khiến cả châu Á phải nể phục với tinh thần chiến binh, ý chí quật cường. Người Nhật chiến thắng, nhưng sự thán phục dành cho đội tuyển Việt Nam của họ là không hề giấu diếm. Chơi một trận sòng phẳng với đội bóng hàng đầu châu lục, các học trò của HLV Park Hang-seo xứng đáng với mọi lời ngợi khen.
Nhưng vũ khí tinh thần ấy dường như che mờ đi một khía cạnh khác khiến trong suốt hơn một năm trời qua, thầy trò HLV Park Hang-seo đi từ kỳ tích này đến kỳ tích khác. Từ đoàn quân rệu rã đến chán chường ở SEA Games 2017 đến đội tuyển khiến cả châu Á phải ngả mũ trên đấu trường Asian Cup, sức mạnh ấy không thể chỉ được tạo dựng bằng tinh thần, bằng ý chí...
2. Một năm trước, sau chiến công rực rỡ của U23 Việt Nam, không ít cây viết uy tín của bóng đá châu Á công khai bày tỏ sự lo ngại về việc lối chơi phòng ngự đến nghẹt thở mà HLV Park Hang-seo chọn cho các học trò của mình sẽ khiến bóng đá Việt Nam sa lầy, đi vào con đường đặt thành tích lên đầu, mà phá hủy đi tương lai của các tài năng trẻ.
John Duerden - cây viết cộm cán của FOX Sports Asia từng lên tiếng cảnh báo: "Chức Á quân U23 châu Á sẽ khiến U23 Việt Nam theo đuổi lối chơi "đậu xe bus", thay cho lối chơi tấn công rực lửa từng thể hiện dưới thời HLV Hữu Thắng".
Scott McIntyre - cây bút người Úc khác cũng của FOX Sports Asia, thậm chí còn chỉ trích HLV Park Hang-seo nặng nề hơn nhiều, với dự báo bóng đá Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ của Hy Lạp ở Euro 2004, để rồi vì thành tích trước mắt bàn "bán rẻ" tương lai của những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường...
Ngay trước Asian Cup 2019, cây viết trẻ người Ấn Độ - Akshat Mehrish cũng một mực khẳng định rằng lối chơi phòng ngự với 10 người trên phần sân nhà có thể giúp HLV Park Hang-seo thành công với chức vô địch AFF Cup, nhưng sẽ là thảm họa ở đấu trường châu lục như Asian Cup 2019.
Không chỉ họ, rất nhiều chuyên gia và cả người hâm mộ Việt Nam từng có cùng chung nỗi lo, dù say sưa với những chiến công ở tầm châu Á của thầy trò HLV Park Hang-seo.
Nhưng đến ngày hôm nay, sau 4 chiến công chỉ trong vòng có hơn 1 năm trời của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam, người ta mới hiểu ra rằng ông thầy người Hàn này không hề có ý định tạo dựng đội tuyển Việt Nam bằng lối chơi phòng ngự tiêu cực, mà phòng ngự là nền móng đầu tiên mà ông đặt cho bóng đá Việt Nam, để dựa vào đó làm sức bật, để kiến tạo nên một lối chơi khiến cả châu Á phải ngỡ ngàng, thán phục.
Ý chí chiến đấu ngoan cường của các cầu thủ Việt Nam là thứ vũ khí quan trọng, nhưng nó chỉ có được trên nền tảng sức mạnh thực sự của những chiến binh với ngôi sao vàng trên ngực áo. Sức mạnh của họ là thứ hiện hữu, có thể cầm nắm, đi đếm được, chứ không phải chỉ là sự ảo diệu đến từ ý chí quật cường - thứ vốn đã nằm trong huyết quản của người Việt.
3. Tính kỷ luật là một trong những đặc trưng cơ bản của người Hàn Quốc. Đến Việt Nam, điều thành công nhất của thầy Park là ông truyền được điều đó cho các cầu thủ của mình. Cứ nhìn Quế Ngọc Hải thì rõ. Trung vệ này là "nỗi kinh hoàng" dưới thời HLV Hữu Thắng, nhưng lại là "nỗi kinh hoàng" của các đồng đội.
Trong tay HLV Park Hang-seo, Quế Ngọc Hải vụt biến mình thành một trong những cầu thủ "chuẩn chỉ" nhất của đội tuyển Việt Nam. Sự kỷ luật và lạnh lùng khiến đội trưởng đội tuyển Việt Nam trở thành tấm gương sáng cho các cầu thủ trẻ. Bỏ lại quá khứ đầy thất vọng sau lưng, sự kỷ luật của HLV Park Hang-seo biến Quế Ngọc Hải thành một chiến binh thực sự, sự vững chắc của hàng thủ đến từ đấy.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc này - khác với toàn bộ những HLV ngoại khác từng cầm quân tại Việt Nam, sau lưng mình là cả một ê kíp hỗ cực kỳ chuyên nghiệp, cũng như đội ngũ tư vấn thậm chí còn chuyên nghiệp hơn. Trên sân, mỗi khi thầy Park nổi nóng với trọng tài, là lập tức có một trợ lý bước ra kéo ông lại, đồng thời... nở một nụ cười rất tươi.
Tứ kết Asian Cup 2019: Việt Nam 0-1 Nhật Bản (nguồn: AFC)
Mất Đình Trọng - ông Park đã có Bùi Tiến Dũng thay thế, Văn Thanh chấn thương - Trọng Hoàng thậm chí còn đảm nhiệm cánh phải hay hơn, Anh Đức giải nghệ - đến lượt Công Phượng khiến cả châu Á ngất ngây... có cảm giác như HLV Park Hang-seo luôn có phương án dự phòng khi bất cứ cầu thủ nào của ông vắng mặt. Những sự thay thế ấy là thành quả của đội ngũ nghiên cứu, tư vấn đứng khuất đằng sau ông.
Trong tay thầy Park là một đội hình với khả năng phòng thủ cực kỳ linh hoạt, rất phù hợp với người Việt. Sơ đồ 3-4-3, sẵn sàng để chuyển sang 5-4-1, hay 3-5-1, thậm chí là 3-6-1 không có chỗ cho những cầu thủ lười di chuyển, điều đó khiến tất cả các cầu thủ đều phải di chuyển cực nhiều, và cực kỳ kỷ luật trong chiến thuật.
HLV Park Hang-seo từng nói cầu thủ Việt Nam bất lợi về mặt thể hình, nhưng ông nhìn ra ở đấy ở sự bất lợi ấy một lợi thế, đó là tốc độ. Với sự di chuyển không biết mệt mỏi, tốc độ của các cầu thủ Việt Nam không những chỉ bổ khuyết thành công cho sự bất lợi về thể hình, mà còn góp phần tăng thể lực, cũng như kích thích tinh thần, ý chí, khiến cảm giác phấn chấn của họ tăng cao.
Có được "chân đế" vững vàng là hàng thủ kỷ luật, cùng sự linh hoạt trong di chuyển, tranh chấp và tinh thần, ý chí chiến binh, HLV Park Hang-seo có được bệ phóng hoàn hảo cho lối chơi tấn công mà mình ấp ủ. Những gì được thể hiện trong trận thắng Jordan, trận tứ kết với Nhật Bản là kết quả, là kết tinh của ý đồ ấy, tinh thần ấy, chứ không đơn thuần là sự đột biến nhất thời, là sự ăn may dựa vào ý chí quật cường và tinh thần hưng phấn.
Nền tảng ấy mới là thứ bóng đá Việt Nam cần để xây nên một đội tuyển hùng mạnh, một nền bóng đá được nâng tầm lên đẳng cấp châu Á. Đồng thời, nó là đích đến để các cầu thủ trẻ nhìn vào, học tập và phấn đấu. Đấy mới là điều giá trị nhất mà HLV Park Hang-seo đem đến cho bóng đá Việt Nam.
Nền tảng ấy về cơ bản đã xây xong, và giờ là lúc bóng đá Việt Nam mơ đến những giấc mơ xa hơn, phải không thầy Park?
Trí thức trẻ