MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với kinh nghiệm 20 năm tuyển dụng nhân tài, đây là 3 chiếc CV tôi tâm đắc nhất: Ông chủ khó tính đến mấy cũng phải gật đầu!

15-02-2020 - 01:02 AM | Sống

Không có mẫu CV cụ thể nào phù hợp với mọi công việc cũng như cam đoan có được một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, một thông điệp cốt lõi mà mỗi bản CV nên minh họa: "Đây là cách tôi đã biến mọi thứ trở nên tốt hơn cho ông chủ của mình”.

Gary Burnison là CEO của Korn Ferry, một công ty tư vấn toàn cầu giúp các công ty lựa chọn và thuê những nhân tài giỏi nhất. Ông là tác giả của cuốn sách best-seller trên New York Times "Lose the Resume, Land the Job" (Mất hồ sơ, tìm được việc) với phong cách nói chuyện thẳng thắn mà không ai – không phải là vợ/chồng, đối tác, cố vấn hay bất kỳ ai khác – sẽ nói với bạn.

Mới đây, ông đã có những chia sẻ về 3 chiếc CV ông tâm đắc nhất trong 20 năm làm nghề tuyển dụng và phỏng vấn.

"Không có mẫu CV cụ thể nào phù hợp với mọi công việc cũng như cam đoan có được một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, một thông điệp cốt lõi mà mỗi bản CV nên minh họa là: "Đây là cách tôi đã biến mọi thứ trở nên tốt hơn cho ông chủ của mình.

Bí quyết để mỗi mục trong CV trở nên rõ ràng và hấp dẫn nhất có thể phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên đó không phải là tất cả. Dưới đây là 3 ví dụ điển hình của từng ứng viên qua ba cấp độ kinh nghiệm làm việc phổ biến: tầm trung, cơ sở và mới tốt nghiệp:

* Lưu ý : Đây là những ví dụ giả thuyết; thông tin cá nhân, kinh nghiệm và công ty không có thật. Các con số và tỷ lệ không nêu cụ thể trong CV.

1. CV của nhóm kinh nghiệm tầm trung

Với kinh nghiệm 20 năm tuyển dụng nhân tài, đây là 3 chiếc CV tôi tâm đắc nhất: Ông chủ khó tính đến mấy cũng phải gật đầu! - Ảnh 1.

Nhóm ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở tầm trung có một nền tảng vững chắc trong việc quản lý nhóm cũng như chỉ đạo các phòng ban. Sở hữu từ 7-15 năm kinh nghiệm nên bản CV của họ có thể dài hơn một trang.

Lời khuyên hữu ích:

- Tóm tắt ngắn gọn kinh nghiệm nghề nghiệp ở phần đầu tiên: Đối với một ứng viên có nhiều kinh nghiệm như Jonathan, có thêm một phần tóm tắt kinh nghiệm ở đầu trang là cách nhanh chóng để thể hiện các năng lực cốt lõi của bản thân.

- Nhấn mạnh các kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển: Hãy chú ý đến cách Jonathan sử dụng các từ khóa mạnh mẽ trong bản CV, chẳng hạn "strategic planning" (lập kế hoạch chiến lược), "cost management" (quản lý chi phí) hay "financial planning & analysis" (phân tích và lên kế hoạch tài chính). Cho dù CV được sàng lọc bởi thiết bị công nghệ hay con người thì đây là những yếu tố giúp CV của bạn được nổi bật.

- Chi tiết hóa mục việc làm gần đây nhất: Kinh nghiệm nghề nghiệp là phần quan trọng nhất trong bản CV và mục việc làm gần đây nhất nên chiếm khoảng 75% trong phần này. Thậm chí, nếu không cần thiết thì công việc đầu tiên bạn cũng không cần liệt kê. 

- Một vài khái quát về công ty cũ: Một trong những nguyên tắc của tôi là: Nếu bạn từng làm việc ở công ty hay tổ chức không quá nổi tiếng, thì việc thêm một vài điểm nổi bật của chỗ làm cũ (số lượng nhân viên, doanh thu hằng năm,..) sẽ giúp tiết kiệm thời gian tìm hiểu của nhà tuyển dụng.

- Đừng quên các con số: Bạn đã nghe đến cụm từ "con số biết nói" chưa? Nếu chiến lược tiếp thị của bạn góp phần tăng 35% doanh số công ty, hãy viết thật to và rõ ràng. Bạn cũng không cần giải thích dài dòng về cách làm thế nào bạn đạt được kết quả đó vì nhà tuyển dụng sẽ hỏi chi tiết hơn ở buổi phỏng vấn.

- Nhấn mạnh các thành tích nổi bật: Lời khuyên dành cho bạn đó là phần mô tả kinh nghiệm của từng công việc chỉ nên 2-4 gạch đầu dòng. Bằng cách này, bạn có thể thể hiện rõ hơn những thành tựu tự hào nhất và phù hợp nhất của mình với công việc ứng tuyển. Đây cũng là nước đi thông minh để bạn có thể giới thiệu năng lực của mình cho nhà tuyển dụng.

2. CV của nhóm kinh nghiệm cấp cơ sở

Với kinh nghiệm 20 năm tuyển dụng nhân tài, đây là 3 chiếc CV tôi tâm đắc nhất: Ông chủ khó tính đến mấy cũng phải gật đầu! - Ảnh 2.

Nhóm ứng viên này thường có 1-2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp và hướng đến các vị trí công việc cần giám sát chặt chẽ, đặc biệt đối với các nhiệm vụ phức tạp. CV của nhóm ứng viên này nên thiết kế gọn gàng trong một trang duy nhất.

Lời khuyên hữu ích:

- Thể hiện năng lực làm việc nhóm nổi trội: Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở nhóm ứng viên này là khả năng làm việc nhóm hiệu quả, bất kể nhóm nhỏ hay lớn. Trái với suy nghĩ của nhiều người, sử dụng những từ như "chúng tôi", "nhóm chúng tôi" không làm vơi bớt thành tích của bạn mà còn chứng minh sức ảnh hưởng của bạn đến những người xung quanh. Tất nhiên, nó hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn chỉ đơn thuần nói: "Tôi có khả năng làm việc nhóm."

- Chỉ đưa ra kinh nghiệm thực tập và làm việc liên quan đến vị trí ứng tuyển: Liệt kê từng kinh nghiệm làm việc trước đây chỉ khiến CV của bạn càng trở nên nhạt nhòa. Lý do là bởi điều này làm phân tâm nhà tuyển dụng và họ không thể tập trung vào những yếu tố phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển.

- Bỏ mục tóm tắt nghề nghiệp: Không như những người có 7 năm kinh nghiệm trở lên, nhóm ứng viên này không đủ công việc liên quan để có đoạn tóm tắt nghề nghiệp hoàn chỉnh. Thay vào đó, CV nên tập trung luôn vào kinh nghiệm làm việc, các thành tựu quan trọng, giáo dục và các hoạt động ngoại khóa.

- Bỏ mục mục tiêu nghề nghiệp: Bạn có thể thấy trong CV của Grace không có mục mục tiêu nghề nghiệp. Nhưng trên thực tế nhiều ứng viên không nhận ra là việc đặt mục này trong CV là điều vô nghĩa. Ngay cả khi bạn thực sự "tìm kiếm một vị trí lãnh đạo nhóm đầy thử thách" thì điều này vẫn chưa tiết lộ tiềm năng nào của bạn tới nhà tuyển dụng.

3. CV của ứng viên mới tốt nghiệp đại học

Với kinh nghiệm 20 năm tuyển dụng nhân tài, đây là 3 chiếc CV tôi tâm đắc nhất: Ông chủ khó tính đến mấy cũng phải gật đầu! - Ảnh 3.

Lời khuyên hữu ích:

- Đặt mục giáo dục ở phần đầu tiên trong CV: CV của nhóm sinh viên mới ra trường nên bắt đầu với các tiêu đề trường đại học, cao đẳng, GPA và cấp học vị đạt được.

- Mục kinh nghiệm thực tập ngắn gọn: Hãy thành thực thừa nhận là với khoảng thời gian làm thực tập sinh ít ỏi, bạn không có quá nhiều kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển. Vì thế, liên tiếp viết về những điều nhỏ nhặt trong quá trình thực tập sẽ khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn đang phóng đại hoặc không trung thực. Do đó, chỉ cần tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực bạn ứng tuyển.

- Sử dụng các hoạt động ngoại khóa để kể một câu chuyện: Hãy cân nhắc viết về những hoạt động ngoại khóa bạn từng tham gia. Nó có thể là điều lớn lao như khoảng thời gian bạn đảm nhiệm vị trí chủ tịch một câu lạc bộ hoặc cũng có thể là một điều nhỏ bé như làm tình nguyện vào cuối tuần. Bất kể điều gì, miễn là một câu chuyện thú vị kể về sở thích, thành tích cá nhân hoặc thể hiện rõ hơn con người bạn.

- Chỉ dài một trang: Đừng cố gắng thái quá! Nhà tuyển dụng biết rằng bạn vừa tốt nghiệp, vì vậy đừng cố biến mình thành một phiên bản hoàn toàn khác.

- Có nhiều khoảng trắng trong CV: Nhà tuyển dụng không hy vọng hồ sơ xin việc của những ứng viên mới ra trường phải phủ kín các con chữ và số. Thay vào đó, chỉ cần giữ nó sạch sẽ, rõ ràng, trình bày khoa học. Đừng quên sử dụng Bullet points (điểm nhấn) và các động từ mạnh mẽ để CV hút mắt người đọc hơn."

Theo CNBC

Anh Thơ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên