MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với lợi ích công thì độc quyền nhập khẩu thuốc lá và xì gà của doanh nghiệp Nhà nước tốt hơn tư nhân ở đâu?

"Bộ Công thương viện dẫn nghị định này nhằm hướng dẫn cho Luật Thương mại 2005. Nhưng tinh thần độc quyền thương mại Nhà nước của Luật thương mại, so với những thay đổi của Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014, với khoảng cách mười năm phát triển kinh tế, đã là lạc hậu", chuyên gia về chính sách công Nguyễn Quang Đồng nhận định.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng
Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng
Chuyên gia
6 bài viết

Về mặt thủ tục ban hành văn bản, độc quyền thương mại Nhà nước, nghĩa là chỉ Nhà nước, thông qua tổ chức hoặc doanh nghiệp nhà nước được kinh doanh. Còn lại, doanh nghiệp tư nhân, người dân không được kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền. Về bản chất, điều này làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, vốn được quy định trong Hiến pháp. Và theo Hiến pháp, việc hạn chế quyền phải được thực hiện bằng Luật. Do đó, về mặt hình thức văn bản, tôi cho rằng, nghị định là không hợp hiến. Nếu muốn ban hành lĩnh vực độc quyền, cần phải làm luật.

Về mặt nội dung, tính nhất quán, tính hợp lý, cũng như tính hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu quản lý của những nội dung nêu trong dự thảo nghị định với luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư đều có vấn đề.

Thứ nhất, tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp đã được khẳng định và đưa vào luật doanh nghiệp. Tư duy độc quyền thương mại Nhà nước vốn đã là tư duy lạc hậu. Bản thân bộ Công thương viện dẫn nghị định này nhằm hướng dẫn cho Luật Thương mại 2005. Nhưng tinh thần độc quyền thương mại Nhà nước của Luật thương mại, so với những thay đổi của Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014, với khoảng cách mười năm phát triển kinh tế, đã là lạc hậu.

Thứ 2, Luật đầu tư 2014 đã phân biệt ranh giới rõ ràng cho hoạt động đầu tư kinh doanh của Doanh nghiệp, theo đó, 3 cấp độ được phân định là: (i) ngành nghề cấm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, (ii) ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và (iii) các ngành nghề còn lại (không bị cấm và không yêu cầu đáp ứng điều kiện kinh doanh). Với các ngành mà hiện tại, Bộ Công thương cho rằng cần phải độc quyền, hoàn toàn có thể xem xét để đưa vào danh mục các ngành kinh doanh có điều kiện.

Thứ 3, xét về tính hợp lý, các căn cứ, theo điều 4 của dự thảo, đưa ra để xác định lĩnh vực Nhà nước cần phải độc quyền, dù là có thời hạn là không thuyết phục. Ví dụ, tiêu chí: hàng hóa cần phải độc quyền khi tư nhân không có nhu cầu khả năng tham gia. Thực chất đây không phải là tiêu chí, bởi trên thực tế, không có lĩnh vực nào là tư nhân không có khả năng, mà chỉ là lợi nhuận có đủ hấp dẫn để kéo doanh nghiệp tham gia hay không mà thôi. Hoặc tiêu chí: độc quyền để đảm bảo lợi ích quốc gia là tiêu chí mơ hồ, có thể bị diễn giải tùy tiện để phục vụ lợi ích riêng của các bộ ngành.

Thứ 4, tính hiệu quả giữa nhà nước hay tư nhân trong việc đạt được mục tiêu quản lý là không rõ ràng và không có căn cứ. Đơn cử, độc quyền nhập khẩu thuốc lá và Xì gà. Câu hỏi đặt ra là đối với lợi ích công, doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu thì tốt hơn là doanh nghiệp tư nhân chỗ nào? Nếu mục tiêu chính sách là hạn chế thuốc lá, thì công cụ thuế là công cụ hiệu quả nhất để làm việc đó chứ không phải vì doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu thì người dân sẽ hút thuốc ít đi.

Thứ 5, xét về xu hướng phát triển. Một mặt, độc quyền là tư duy lỗi thời mà ngay chính ở Việt Nam, Chính phủ đã nhận ra và từ bỏ. Một mặt khác, xu hướng chuyển giao cho tư nhân thực hiện các dịch vụ các dịch vụ, kể cả dịch vụ hành chính công (contracting-out), đã là xu hướng phổ biến chung của thế giới hơn 3 thập kỷ nay.

Tính năng động, khả năng đổi mới để tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả của khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước là điều đã được khẳng định. Ngay trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nhiều quốc gia cũng đã không còn giữ độc quyền nhà nước. Những tiến bộ công nghệ của khu vực tư nhân tạo ra giúp ích rất lớn cho nền quốc phòng, mà nếu độc quyền nhà nước, không thể nào đạt được.

Chính vì lẽ đó, có thể nói, độc quyền Nhà nước là đi ngược lại xu thế tiến bộ. Lợi ích của độc quyền trong hầu hết trường hợp thuộc về bản thân các bộ ngành quản lý lĩnh vực độc quyền, chứ không mang lại lợi ích tổng thể cho nền kinh tế, cho quốc gia. Chính phủ, với tinh thần kiến tạo và ưu tiên phát triển khu vực tư nhân, cần hết sức cẩn trọng với những tư duy và bước đi lạc nhịp như thế này.

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

Nguyễn Quang Đồng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên