Volkswagen: Từ gian lận khí thải đến những chiếc xe bảo vệ môi trường
Là hãng xe có giá trị thị trường thuộc top 5 thế giới, Volkswagen luôn đưa ra thị trường những mẫu xe tiên tiến với công nghệ hiện đại. Trong cuộc đua sản xuất ô tô điện, mặc dù chưa có quá nhiều động thái, song ông lớn tới từ nước Đức này vẫn được đánh giá là một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất cho ngôi vương trong tương lai gần.
Tập đoàn Volkswagen (VW) được thành lập 84 năm trước (1937) tại Berlin; hiện nay, công ty có trụ sở chính đặt tại Wolfsburg - Đức. Vào thời điểm công ty được thành lập, xe ô tô vẫn là thứ xa xỉ đối với phần lớn người dân Đức – chỉ 1 trong số 50 người sở hữu một chiếc xe. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, hãng xe mới nổi này đã đưa ra hàng loạt ý tưởng về các loại xe; tuy nhiên đúng lúc này chiến tranh thế giới nổ ra làm thay đổi chiến lược của VW. Thời kỳ này, thay vì ô tô, họ chuyển sang làm những chiếc xe quân sự phục vụ cho quân đội Đức, nổi bật nhất là mẫu xe thùng Type 82 Kübelwagen. Mặc dù vậy, nước Đức và phe phát xít thua trận, dẫn đến một tương lai khá mờ mịt cho hãng xe với tuổi đời non trẻ này.
May mắn thay, dưới sự lãnh đạo của Heinrich Nordhoff, cựu quản lý cấp cao tại Opel, Volkswagen dần dần hồi phục và trở thành biểu tượng của nước Đức vươn lên sau chiến tranh. Những chiếc xe của họ trở nên phổ biến hơn tại Đức, nhờ vào giá bán cũng như thiết kế. Chiếc sedan Beetle những chiếc xe van, bán tải và xe thể thao VW Karmann Ghia dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước, đem lại cho họ một nguồn vốn vững chắc để có thể vươn ra châu Âu và thế giới.
Chiếc Beetle đã đem danh tiếng trở lại với Volkswagen (Ảnh: Hatery)
Tổng số xe Beetle mà Volkswagen sản xuất được tính tới năm 1955 lên tới một triệu chiếc, đồng thời ô tô của hãng cũng bắt đầu được bán tại Hoa Kỳ thông qua công ty con. Nhờ doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian này, công ty mở rộng văn phòng cũng như các xưởng sản xuất xe của mình, giúp họ tiếp tục tốc độ hồi phục thần kỳ của mình.
Năm 1973, chiếc Beetle vượt qua Ford Model T để trở thành chiếc xe được sản xuất nhiều nhất vào thời điểm bấy giờ, với 16 triệu chiếc trên toàn thế giới. Sau thành công của Beetle, VW tiếp tục có được sự tăng trưởng với dòng xe Volkswagen Golf, cả tại thị trường trong nước lẫn thị trường Mỹ. Tuy nhiên điều này không duy trì được lâu, khi doanh số bán hàng tại Mỹ và Canada của hãng suy giảm liên tục trong những năm 80, buộc họ phải tìm ra hướng đi mới, trong đó nổi bật là việc đưa ra chiếc Sirocco – một phiên bản dựa trên thiết kế của Golf nhưng có nhiều cải tiến đáng kể hơn.
Từ đó tới nay, Volkswagen cho ra mắt nhiều dòng xe mới, giúp họ duy trì được vị thế ông lớn trên toàn cầu; trong đó, những chiếc xe của hãng ngoài những tính năng độc đáo, thiết kế đẹp và tính bền bỉ cao được cho là thân thiện với môi trường khi vượt qua được nhiều bài kiểm tra về khí thải.
Tuy nhiên, năm 2015, tập đoàn này lần đầu thừa nhận việc gian lận nhằm qua mắt hệ thống kiểm tra khí thải. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ thậm chí còn phát hiện ra rằng, lượng khí thải của ô tô sản xuất bởi Volkswagen gấp tới 40 lần so với quy định, nhưng nhờ gian lận, họ đã vượt qua các bài kiểm tra của cơ quan này một cách đơn giản. Họ đã phải thu hồi tới 482,000 xe sử dụng động cơ TDI của mình, đồng thời đóng một khoản phạt lên tới 15.3 tỷ USD để có thể xử lý được vụ việc này.
Nhờ gian lận mà VW đã vượt qua được hàng loạt bài kiểm tra khí thải trong nhiều năm (Ảnh: The Guardian)
Sau sự cố này, VW bắt đầu nghiêm túc hơn với các loại xe bảo vệ môi trường, mà xe điện là mục tiêu hàng đầu của họ. Với mục tiêu tới năm 2025 tung ra ít nhất 30 mẫu xe điện - chiếm khoảng 20 -25% doanh thu hàng năm, công ty đã công bố khoản đầu tư lên tới 86 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Trước đó, công ty đã đầu tư vào start – up sản xuất pin thể rắn QuantumScape, dừng sản xuất nhiều dòng xe chạy xăng cổ điển đồng thời giới thiệu một số mẫu xe điện, trong đó nổi bật nhất là dòng I.D. Năm 2021, Volkswagen giới thiệu phiên bản mới nhất của dòng I.D là I.D 4, được đánh giá là có thể cạnh tranh sòng phẳng với Tesla. Với mức giá từ 39,995 – 43,995 USD, I.D 4 phiên bản tính năng đầy đủ rẻ hơn tương đối nhiều so với dòng xe điện cùng phân khúc là Tesla Y (có giá bán từ 49,000 – 60,000 USD). Những tính năng của xe cũng được nhiều nhà phân tích đánh giá cao, thậm chí là tốt hơn so với xe của Tesla.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi này của VW diễn ra chưa thực sự thành công, khi mà số lượng xe điện chưa bán được bao nhiêu thì doanh số ô tô truyền thống lại giảm. Doanh số bán hàng của hãng vào năm 2020 đã giảm 9,9% ở Trung Quốc, 23,4% ở Tây Âu và 17,1% ở Bắc Mỹ; doanh số của hãng trong năm này đạt 222.9 tỷ euro (tương đương 267.8 tỷ USD, giảm gần 12% so với năm trước). Ảnh hưởng của dịch Covid, dư âm của scandal khí thải và những chiếc xe điện chưa quá phổ biến là những nguyên nhân gây ra việc doanh số của hãng suy giảm.
Bên trong 1 chiếc I.D 4 của Volkswagen (Ảnh: Volkswagen)
Tính đến nay, VW vẫn là hãng sản xuất xe lớn thứ 3 thế giới với giá trị thị trường đạt trên 142 tỷ USD. Từng là niềm tự hào của nước Đức sau chiến tranh thế giới, tuy nhiên scandal gian lận khí thải đã gây ra quá nhiều ảnh hưởng cho hãng. Dù vậy, với uy tín nhiều năm của mình cùng quyết tâm chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng sạch – mà cụ thể ở đây là xe chạy điện, nhiều người tin rằng trong những năm tới, hãng sẽ tiếp tục duy trì được vị thế của mình trước sự bám đuổi quyết liệt của những hãng xe mới nổi, bắt đầu từ chiếc I.D 4 mà họ đưa ra thị trường trong năm nay.