Vốn 500.000 tỉ đồng: Hợp pháp và hợp lý
"Nổ như bom nguyên tử" là tuyên bố của CEO, Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (GATIG) về số vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng của tập đoàn mình: "Số tiền này với tụi tôi cũng chả là gì!".
- 04-06-2021Thực hư "siêu doanh nghiệp" vốn 500.000 tỉ đồng: Huy động đủ vốn góp là chuyện không tưởng!
- 03-06-2021Thực hư "siêu doanh nghiệp" vốn 500.000 tỉ đồng
- 02-06-2021"Siêu" doanh nghiệp vốn khủng nhất Việt Nam: Nếu CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh thực sự có 21,7 tỷ USD sẽ vào top bao nhiêu người giàu nhất hành tinh?
Trong lúc đó, với vốn điều lệ như vậy, GATIG sẽ là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt mặt tất cả các doanh nghiệp đầu đàn của đất nước như PVN, EVN, Vietttel, Vingroup. Số vốn điều lệ trên cũng lớn hơn tổng vốn điều lệ (444.000 tỉ đồng) của 10 ngân hàng lớn nhất cả nước gộp lại.
Dù vậy, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho GATIG. Ngoài ra, GATIG còn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Việc khởi sự kinh doanh với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỉ đồng là hợp pháp. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ lên đến 500.000 tỉ đồng cũng là hợp pháp. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả cho nền kinh tế, cũng như cho nền quản trị quốc gia, hợp pháp và hợp lý phải đi liền với nhau. Rất tiếc, đây là điều chúng ta không thể nói về hành vi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như về hành vi cấp giấy đăng ký kinh doanh của cơ quan công quyền. Cả hai hành vi nói trên đều khó có thể được coi là hợp lý, vì đơn giản là không thể tìm đâu ra một số vốn khổng lồ như vậy.
Hợp pháp mà không hợp lý thì làm phát sinh những chi phí không đáng có. Trong vụ việc 500.000 tỉ đồng này, đó là chi phí làm hồ sơ, lo thủ tục đăng ký kinh doanh; chi phí xem xét hồ sơ, cấp giấy đăng ký kinh doanh; chi phí thẩm tra, chỉ đạo của Cục Đăng ký kinh doanh... Tất cả đều có vẻ là những chi phí không hoàn toàn có ích, vì ngay từ đầu ai cũng biết là việc góp vốn 500.000 tỉ đồng trong vòng 90 ngày theo luật định là không thể xảy ra.
Các chi phí khác cũng sẽ phát sinh sau 90 ngày. Đó là chi phí nộp phạt vì không thực hiện góp vốn theo đăng ký kinh doanh, chi phí thủ tục để tiến hành xử phạt. Những chi phí này cũng không thật sự hữu ích vì chẳng để làm ra của cải vật chất gì.
Chuyện đăng ký và cấp giấy đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng chỉ là một ví dụ cụ thể của tình trạng hợp pháp và hợp lý không đi liền với nhau. Nếu nhiều việc khác cũng xảy ra như thế thì chi phí vô ích phát sinh sẽ nhiều biết bao nhiêu? Và với nhiều những chi phí phát sinh vô ích như vậy, làm sao chúng ta có thể nhanh chóng trở nên giàu có?!
Người lao động