Vốn chất lượng cao tiếp tục vào Việt Nam
Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh minh họa.
Đã có nhiều cái tên lớn quan tâm mở rộng đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam như Lego, Intel, SamSung, Apple và mới đây nhất là Pandora.
- 01-07-2022Bình Dương thông qua quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu công nghiệp "khủng"
- 01-07-2022Doanh nhân Đỗ Cao Bảo kể chuyện về người từ chối trở thành tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam
- 01-07-2022Địa phương lần đầu tiên lọt top 10 tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI lớn nhất cả nước có tiềm năng gì?
6 tháng đầu năm nay được đánh giá không thuận lợi cho thương mại toàn cầu do biến động giá vật tư, vận chuyển, cân đối chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm… khiến cho dòng đầu tư FDI chậm lại. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo Chỉ số chính phủ tốt được công bố bởi Viện Quản trị Chandler của Singapore, thu hút đầu tư của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 39 trên 104 quốc gia được xếp hạng, tăng 18 bậc so với năm ngoái. Đáng chú ý là dòng vốn chất lượng cao đang hướng vào Việt Nam nhiều hơn.
6 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký mới chỉ đạt gần 5 tỷ USD, giảm 48% so với cùng kỳ. Phần nhiều là do dòng vốn này chưa phục hồi sau thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh. Nhưng thay vào đó lại là những cái tên lớn quan tâm mở rộng đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam như Lego, Intel, SamSung, Apple và mới đây nhất là Pandora.
"Việt Nam có bề dày lịch sử về thợ trang sức giúp chúng tôi tiếp cận số lượng lớn các thợ có tay nghề cao. Việc chọn đặt nhà máy tại Bình Dương bởi ở đây có cơ sở hạ tầng tốt, chú trọng phát triển bền vững và phát triển năng lượng tái tạo, từ đó giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu về môi trường", ông Jeerasage Puranasamriddhi - Giám đốc Điều hành Pandora đánh giá.
Ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch Nhà máy LEGO Việt Nam cho hay: "Môi trường kinh doanh và sự ổn định chính trị của Việt Nam là những yếu tố tích cực khiến chúng tôi chọn xây nhà máy tiếp theo. Chúng tôi cũng được chia sẻ rất nhiều những giá trị mà tập đoàn đang theo đuổi với Chính phủ Việt Nam như mục tiêu phát triển bền vững. Phải nói rằng đây không phải là đầu tư ngắn hạn, mà sẽ là đầu tư cho thế hệ tiếp theo".
Đáng chú ý vốn điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần đều tăng lần lượt là trên 65%, trên 41% so với cùng kỳ. Còn vốn đầu tư thực hiện đạt trên 10 tỷ USD tăng gần 9%, cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Có thể thấy những biến động toàn cầu đang khiến các dòng vốn đầu tư, công ty đa quốc gia định hình lại điểm đến đầu tư, đảm bảo các yếu tố về địa chính trị, vị trí địa lý, sự năng động và cơ động của khu vực sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số. Với lợi thế độ mở kinh tế cao rõ ràng đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong chuỗi sản xuất, ở đây là chuỗi giá trị toàn cầu, không đơn thuần là cung ứng".
Theo báo cáo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, sau 2 năm ảnh hưởng COVID-19, thực tế sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển. Theo đó, dòng vốn FDI tại đây đã giảm 58%, lý do một phần vì tái cơ cấu doanh nghiệp và ổn định dòng tài chính. Trong khi đó, FDI ở các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn với mức 8%, chủ yếu là do quá trình chuyển đổi linh hoạt tại châu Á trong đó có Việt Nam.
VTV