Vốn cho nhà ở xã hội tắc ở đâu?
Vốn cho nhà ở xã hội (NƠXH) được quy định trong Luật Nhà ở và được Chính phủ chấp thuận mức lãi suất 4,8%/năm, nhưng không hiểu lý do gì giữa các bộ, ngành liên quan chưa đồng thuận thực hiện. Thiếu vốn khiến chương trình NƠXH bị ách tắc.
- 29-06-2016Gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn vay mua nhà ở xã hội
- 17-06-2016Bộ Xây dựng “bác” đề xuất của Bộ Tài chính về vốn Nhà ở xã hội
- 03-11-2015Điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội
Khi các bộ “đá bóng”
Sau khi kết thúc gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng từ tháng 3/2016, người thu nhập thấp ngày đêm mong ngóng gói tín dụng tiếp theo để vay mua nhà. Những tưởng đầu tháng 6 vừa qua, khi Chính phủ có Quyết định 1013/2016 về mức lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), người dân sẽ được vay trong thời gian ngắn nhưng đến giờ gói vay với lãi suất này vẫn chưa thấy đâu.
Liên quan trực tiếp đến việc phân công NHCSXH tham gia cho vay đối với chương trình NƠXH, ngày 19/5, Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điều, khoản trong Nghị định 100/2015. Theo đó, bộ này đề nghị bỏ nội dung quy định NHCSXH thực hiện cho vay Chương trình NƠXH (vì danh mục các chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020 không bao gồm Chương trình NƠXH).
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã có văn bản “phản bác” lại kiến nghị của Bộ Tài chính. Cơ quan này cho rằng, việc phân công NHCSXH tham gia cho vay Chương trình NƠXH là phù hợp với các quy định tại Luật Nhà ở 2014.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện, các địa phương mới có 145 dự án đầu tư xây dựng NƠXH với 58.500 căn hộ hoàn thành, còn 174 dự án đang triển khai với quy mô 139.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 56.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại “đá bóng” kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với NHCSXH và các cơ quan có liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH. Nguyên nhân, bộ này cho rằng, ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện NHCSXH đã có văn bản về kế hoạch tín dụng, tài chính và xây dựng cơ bản 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản về thực hiện bố trí vốn từ ngân sách cho chương trình hỗ trợ NƠXH trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vừa qua, Bộ Tài Chính cũng đã đồng ý giao cho NHCSXH. Hiện, việc tắc vốn cho NƠXH nằm ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng bày tỏ, việc triển khai tiếp chính sách hỗ trợ gói NƠXH nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của người dân, nhất là sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng.
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp và hiệp hội bất động sản kiến nghị về vấn đề này. “Chúng tôi cho rằng, việc phát triển NƠXH có lợi ích tốt trong tình hình khó khăn, vừa huy động nguồn vốn lớn vào sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho xã hội. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo dứt điểm việc này”, Bộ trưởng Xây dựng nói.
Người dân mất cơ hội mua nhà?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận xét, việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách NƠXH là rất cấp thiết. Tuy nhiên, bố trí vốn để cho vay theo quyết định của Chính phủ chưa thông giữa các bộ khiến người dân mất cơ hội thuê, mua NƠXH.
Vừa qua, HoREA đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất để sớm thực hiện chính sách NƠXH. Riêng đối với người mua, thuê NƠXH sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua NƠXH. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
“Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải có trách nhiệm bố trí vốn bằng cách cắt giảm những khoản khác bù cho NƠXH chứ đừng quá chú trọng đến vốn ODA hay BOT mà quên mất vốn cho người dân. Cho vay mua NƠXH là một hình thức an sinh xã hội cần được các bộ ngành quan tâm chứ đừng vì lý do mà thoái thác”, ông Châu nói.
Về nhu cầu vốn cấp thiết dành cho NƠXH, TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu Phát triển) đánh giá, hiện, có hơn 80.000 hộ dân có nhu cầu mua, thuê NƠXH nhưng cán bộ công chức viên chức mới là đối tượng cần ưu tiên giải quyết trong các năm.
“Nhiều người dân cho rằng, nếu không có tín dụng ưu đãi họ sẽ không mua được nhà. Đặc biệt, trong lúc thu nhập của họ vẫn chưa đáp ứng cho chi trả lâu dài, quy định phải trả trước 20 - 30% giá trị căn hộ trong trường hợp đăng ký thuê mua sẽ khiến người dân gặp khó khăn. Nên giảm bớt tỷ lệ này xuống còn 10% hoặc bỏ hẳn quy định này đi. Số tiền cho vay mua căn hộ nên cao hơn 70% giá trị căn hộ; Thời gian vay nên kéo dài 30 - 50 năm và lãi suất vay cần được cố định dưới 5% trong 20 năm”, ông Tân nói.
Tiền phong